Toàn huyện Ngọc Hồi, tỉnh Kon Tum có hơn 9.000 hộ đồng bào dân tộc thiểu số.

Triển khai thực hiện Cuộc vận động “Làm thay đổi nếp nghĩ, cách làm của đồng bào dân tộc thiểu số, làm cho đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo bền vững”, các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể đã tập trung chỉ đạo xây dựng kế hoạch, rà soát, xây dựng các mô hình triển khai thực hiện phù hợp đến từng đối tượng, từng địa phương.

Từ đó, góp phần thay đổi nếp nghĩ, cách làm, giúp cho đồng bào dân tộc thiểu số từng bước thay đổi tư duy, mạnh dạn đổi mới cách thức làm ăn, tự lực vươn lên phát triển kinh tế, thoát nghèo.

anh man hinh 2024 01 05 luc 092123.png
Đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum thay đổi tư duy sản xuất để thoát nghèo. 

Đại diện Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam xã Pờ Y, huyện Ngọc Hồi cho biết, cả hệ thống chính trị cũng đã vào cuộc triển khai 10 tiêu chí của cuộc vận động đến với nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn xã.

Qua quá trình triển khai, người dân cơ bản đã nhận thức rất rõ về nội dung tiêu chí, đã có sự chuyển biến tích cực về cách thức thực hiện, cũng như cách nhìn nhận, nhận thức trong phát triển kinh tế của bà con đã có sự khởi sắc khi đã biết lấy ngắn nuôi dài, chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi.

Được biết, năm 2021, Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi đã xây dựng mô hình Tổ liên kết nuôi bò nhốt chuồng và triển khai đến 9 Chi hội Phụ nữ trên địa bàn xã. Sau gần 03 năm hoạt động, 09 Tổ liên kết đã nhận được sự tham gia tích cực của các hội viên. Hiện có hơn 130 hội viên phụ nữ tham gia và các hội viên phụ nữ đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm, cùng giúp nhau chăn nuôi hiệu quả.

Khi nuôi bò nhốt chuồng mang lại những hiệu quả rất tốt. Đó là chị em kiểm soát được bệnh tật, dễ dàng trong quá trình chăm sóc, bò phát triển rất tốt. Giữ gìn được vệ sinh môi trường cho thôn, làng; giữ được đoàn kết hàng xóm. Nhìn thấy hiệu quả rõ rệt, từ đó các hội viên khác cũng học theo và đăng ký tham gia vào các Tổ liên kết nuôi bò nhốt chuồng, chị Y Chon, Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi cho biết.

Sau 3 năm triển khai thực hiện Cuộc vận động, đến nay trên địa bàn huyện Ngọc Hồi đã xây dựng được 107 mô hình, thu hút hơn 740 hộ đồng bào dân tộc thiểu số tham gia. Tổng kinh phí thực hiện mô hình là hơn 520 triệu đồng.

Qua đánh giá, đã giúp cho hơn 500 hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo thay đổi nếp nghĩ, bỏ dần hủ tục lạc hậu, tự vươn lên thoát nghèo bền vững. Số hộ đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, cận nghèo biết áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, lựa chọn giống cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao, phù hợp với điều kiện thổ nhưỡng ở địa phương, biết tích lũy vốn để đầu tư sản xuất là 526 hộ.

Khánh Vy