Hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo của đồng bào dân tộc thiểu số ở Kon Tum có những nét riêng độc đáo đã tạo nên một nền văn hóa của địa phương rất đa dạng, mang nhiều màu sắc của các dân tộc. Hầu hết các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh vẫn giữ gìn các tín ngưỡng truyền thống, thờ đa thần với quan niệm vạn vật hữu linh và thờ cúng theo phong tục tập quán truyền thống của dân tộc.
Theo dòng lịch sử, các tôn giáo dần hiện diện, thâm nhập và phát triển vào vùng đồng bào dân tộc thiểu số, hình thành các cộng đồng tôn giáo đã tác động và ảnh hưởng lớn đến mọi mặt trong đời sống kinh tế, văn hóa, xã hội trên địa bàn tỉnh nói chung và đồng bào có đạo nói riêng, trong đó có đồng bào dân tộc thiểu số. Nhìn chung, hoạt động tôn giáo tại vùng đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh về cơ bản theo xu hướng ổn định, tuân thủ pháp luật.
Nhận thức rõ vị trí, vai trò, tầm quan trọng của các tôn giáo trong xây dựng và phát triển kinh tế-xã hội trên địa bàn tỉnh, thời gian qua Tỉnh ủy đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách để đầu tư kinh phí triển khai thực hiện các chương trình, chính sách, dự án, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tại vùng dân tộc thiểu số như: chính sách phát triển giáo dục; chính sách y tế; chính sách đào tạo nghề cho thanh niên dân tộc thiểu số; chính sách phát thanh truyền hình bằng tiếng các dân tộc thiểu số; chính sách quốc phòng, an ninh; công tác xây dựng Đảng và củng cố, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị cơ sở; công tác quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng sử dụng cán bộ làm công tác dân tộc, tôn giáo được triển khai đồng bộ và đã đạt nhiều được nhiều kết quả; đồng thời, ban hành các văn bản để tăng cường công tác quản lý nhà nước về tôn giáo và tổ chức các hội nghị tuyên truyền pháp luật về tín ngưỡng, tôn giáo; quan tâm, xem xét, giải quyết kịp thời, tuân thủ quy định của pháp luật và phù hợp với tình hình thực tế của địa phương về công tác tôn giáo.
Trong thời gian qua, đồng bào các dân tộc thiểu số có đạo nói riêng và đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh nói chung đã được ưu tiên thụ hưởng nhiều chính sách hỗ trợ phát triển thoát nghèo, lồng ghép các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội kết hợp với đẩy mạnh hỗ trợ vốn để đồng bào các dân tộc thiểu số có nguồn lực đầu tư ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, chăm lo an sinh xã hội nhằm từng bước thay đổi tập quán canh tác lạc hậu, góp phần tích cực vào việc thoát nghèo bền vững; nâng cao đời sống, vật chất, tinh thần đồng bào dân tộc thông qua các chính sách: Chính sách đối với người có uy tín trong đồng bào dân tộc thiểu số; Chính sách cấp một số ấn phẩm báo, tạp chí cho vùng dân tộc thiểu số và miền núi, vùng đặc biệt khó khăn; Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2016-2025; Đề án "Bảo tồn và phát triển nghề truyền thống các dân tộc thiểu số tại chỗ trên địa bàn tỉnh Kon Tum"; Đề án "Giảm thiểu tình trạng tảo hôn và hôn nhân cận huyết thống trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Đề án “Hỗ trợ hoạt động bình đẳng giới vùng dân tộc thiểu số giai đoạn 2018 -2025”; Tuyên tuyền, phổ biến giáo dục pháp luật theo Nghị định 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ; Chính sách đối với hộ đồng bào dân tộc thiểu số tiêu biểu trong các lĩnh vực; Chính sách về phát triển nguồn nhân lực các dân tộc thiểu số trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2016- 2020 và định hướng đến năm 2030; Chính sách thực hiện các Mục tiêu phát triển Thiên niên kỷ đối với đồng bào dân tộc thiểu số gắn với mục tiêu phát triển bền vững sau năm 2015 trên địa bàn tỉnh Kon Tum giai đoạn 2015-2020; .... Nhờ vậy, kinh tế vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp tục có những bước phát triển tiến bộ, đời sống đồng bào dân tộc thiểu số ở nhiều vùng được nâng lên; hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thiết yếu ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số đã được quan tâm đầu tư, hoàn thiện; văn hóa, đời sống các dân tộc thiểu số được quan tâm; tự do, tín ngưỡng vùng đồng bào dân tộc thiểu số được đảm bảo; giáo dục và đào tạo ở vùng dân tộc thiểu số có sự chuyển biến tiến bộ; công tác bảo vệ, chăm sóc sức khỏe Nhân dân vùng đồng bào dân tộc thiểu số được chú trọng; dịch bệnh được kiểm soát; chất lượng hệ thống chính trị cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số ngày càng được nâng lên; quốc phòng, an ninh được bảo đảm, giữ gìn sự ổn định.
Chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước trong thời gian qua đã được đông đảo chức sắc, tín đồ tôn giáo đồng tình ủng hộ, đã khích lệ các tôn giáo đồng hành cùng dân tộc trong quá trình xây dựng và phát triển đất nước bền vững. Đồng bào các dân tộc thiểu số có đạo cũng là một lực lượng hưởng ứng tích cực các phong trào thi đua yêu nước; tích cực tham gia các hoạt động từ thiện nhân đạo, xã hội. Nhiều địa phương có đông đồng bào dân tộc thiểu số có đạo đã phát huy và áp dụng hiệu quả tiền bộ khoa học kỹ thuật vào lao động sản xuất, mạnh dạn đầu tư vào các lĩnh vực để phát triển kinh tế, mở nhiều ngành nghề truyền thống, làm dịch vụ phục vụ đời sống. Nhiều vùng giáo dân trước đây vốn còn nhiều khó khăn, nay tỷ lệ hộ khá, giàu ngày càng tăng, số hộ nghèo ngày càng giảm. Với nhiều mô hình kinh tế vươn lên thoát nghèo, nhiều đồng bào dân tộc thiểu số có đạo đã trở thành những điển hình tiêu biểu sản xuất kinh doanh đạt hiệu quả cao trong các lĩnh vực trồng, chế biến cà phê, cây ăn quả, rau, hoa, quả, ...
Công tác xây dựng đời sống văn hóa và thực hiện cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, đồng bào dân tộc thiểu số có đạo đã đóng góp tích cực vào việc xây dựng đời sống văn hóa mới, có nhiều hoạt động thiết thực như: gìn giữ truyền thống văn hóa, phong tục tập quán tốt đẹp của dân tộc mình, xóa bỏ những hủ tục lạc hậu, mê tín dị đoan.
Ngoài ra, những nét đặc trưng của đồng bào dân tộc thiểu số tại chỗ được tổ chức tôn giáo tiếp nhận và thể hiện qua các nét kiến trúc của cơ sở tôn giáo và qua thời gian các công trình tôn giáo đã trở thành nét đặc trưng văn hóa địa phương. Một số tổ chức tôn giáo tích cực tổ chức các hoạt động từ thiện nhân đạo như: nuôi dạy trẻ em mồ côi, tổ chức khám chữa bệnh cho người nghèo, phát quà từ thiện nhân dịp lễ của các tôn giáo, ngày tết truyền thống của dân tộc, xây dựng hệ thống lọc nước sạch cho giáo dân sử dụng; đặc biệt, trong giai đoạn bùng phát dịch bệnh Covid-19 các tổ chức, cá nhân tôn giáo đã phối hợp cùng các cấp chính quyền phát quà từ thiện, hỗ trợ cho các đối tượng bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh với số tiền lên đến hàng tỷ đồng, ... Qua đó, đã góp phần cùng chính quyền địa phương làm tốt công tác an sinh xã hội trên địa bàn.