Thực hiện Quyết định số 1059/QĐ-TTg ngày 22/8/2019 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023, Lực lượng Cảnh sát biển đã phối hợp các bộ, ban, ngành, cơ quan, đơn vị liên quan tổ chức nhiều hoạt động thông tin, tuyên truyền nhằm đưa nội dung Luật Cảnh sát biển Việt Nam đến với đông đảo các tầng lớp nhân dân trên cả nước và bạn bè quốc tế.

{keywords}
Cuộc thi “Em yêu biển, đảo quê hương” được triển khai rộng khắp

Hai nhóm mục tiêu chính

Đề án Tuyên truyền, phổ biến luật Cảnh sát biển Việt Nam giai đoạn 2019 - 2023 (Đề án) hướng đến 2 nhóm mục tiêu chính, đó là:

Tuyên truyền để mọi cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân nắm được đường lối, chủ trương, quan điểm của Đảng về quản lý, bảo vệ biển đảo của Tổ quốc; nắm vững những vấn đề cơ bản của Luật Cảnh sát biển Việt Nam, làm chuyển biến nâng cao nhận thức, trách nhiệm của cán bộ, đảng viên, lực lượng vũ trang và nhân dân đối với sự nghiệp quản lý, bảo vệ biển, đảo của Tổ quốc và trách nhiệm xây dựng Cảnh sát biển Việt Nam cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, hiện đại; vị trí, vai trò, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam trong tình hình mới.

Tuyên truyền để các quốc gia trên thế giới và trong khu vực hiểu đầy đủ, chính xác hơn về chính sách, pháp luật quản lý, bảo vệ biển, đảo của Việt Nam nói chung, Luật Cảnh sát biển Việt Nam nói riêng; xây dựng hình ảnh Việt Nam là quốc gia yêu chuộng hòa bình, thành viên của Công ước Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, có trách nhiệm, luôn tôn trọng, thực hiện nghiêm chỉnh các cam kết quốc tế và sẵn sàng cùng cộng đồng quốc tế ứng phó với các thách thức chung, hướng tới mục tiêu giữ gìn vùng biển ổn định, hòa bình, hội nhập và phát triển bền vững.

Đa đạng hình thức tuyên truyền, phù hợp với từng nhóm đối tượng

Một trong những nội dung quan trọng của Đề án là biên soạn các tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và phát hành đến các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân và các cơ quan, tổ chức có liên quan; Ban chỉ huy quân sự ở bộ, ngành trung ương và địa phương; nhân dân vùng ven biển, hải đảo; lực lượng chức năng thuộc bộ, ban, ngành có liên quan tới biển; cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam ở nước ngoài; Đại sứ quán các nước ở Việt Nam và lực lượng thực thi pháp luật trên biển của quốc gia khác có quan hệ hợp tác với Cảnh sát biển Việt Nam.

Để thực hiện nội dung này, Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển đã xây dựng và ban hành Kế hoạch số 12921/KH-BTL ngày 24/10/2019 về việc biên soạn, phát hành tài liệu tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam, trong đó phân công công việc cụ thể cho các cơ quan, đơn vị tham gia biên soạn. Đến nay, đã và đang triển khai biên soạn 08 bộ tài liệu gồm: Luật Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy định chi tiết, biện pháp thi hành Luật; Sách hỏi đáp về Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Đề cương tuyên truyền, phổ biến Luật Cảnh sát biển Việt Nam và văn bản quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành Luật; Tài liệu tập huấn Luật Cảnh sát biển Việt Nam; Luật Cảnh sát biển Việt Nam và catalog giới thiệu tổng quan về Cảnh sát biển Việt Nam (song ngữ Việt - Anh, Việt - Trung và một số nước ASEAN có biển); Tờ rơi pháp lý giới thiệu về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Cảnh sát biển Việt Nam; Sổ tay pháp luật Cảnh sát biển Việt Nam; Sổ tay tuyên truyền cho ngư dân của Cảnh sát biển Việt Nam.

{keywords}
Bộ Tư lệnh Cảnh sát biển phát hành “Sổ tay tuyên truyền cho ngư dân của Cảnh sát biển Việt Nam”

Một số tài liệu đã được biên soạn hoàn thiện, phát hành đến các đối tượng, đảm bảo chất lượng nội dung, hình thức cũng như tiến độ đặt ra.

Cùng với đó, các cơ quan, đơn vị Cảnh sát biển đã tích cực, chủ động xây dựng kế hoạch cụ thể, phối hợp chính quyền, nhân dân các địa phương nỗ lực đẩy mạnh công tác tuyên truyền miệng để giới thiệu nội dung cơ bản của Luật tới cấp ủy, chính quyền và nhân dân, các đoàn thể chính trị - xã hội ở các địa phương ven biển.

Công tác tuyên truyền được thực hiện thông qua nhiều hình thức trực quan sinh động như: tổ chức các tổ đội trực tiếp đến tuyên truyền miệng, phát tờ rơi tuyên truyền tại các âu cảng, khu đông dân cư, nơi đông tàu bè của ngư dân neo đậu; tuyên truyền tập trung tại các hội nghị thông tin chuyên đề cho cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, người lao động ở các cơ quan, tổ chức thuộc các bộ, ban, ngành trung ương, địa phương; tuyên truyền thông qua các cuộc thi tìm hiểu kiến thức pháp luật, cuộc thi “Em yêu biển đảo quê hương”, các buổi nói chuyện, tọa đàm về pháp luật; gắn tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam với việc thực hiện các chương trình công tác dân vận như chương trình “Cảnh sát biển đồng hành với ngư dân”, “Cảnh sát biển với đồng bào dân tộc, tôn giáo”…

{keywords}
Có sự đồng hành của cảnh sát biển, ngư dân hiểu hơn về pháp luật

Các buổi thông tin, tuyên truyền về Luật Cảnh sát biển Việt Nam đã nhận được sự ủng hộ, hưởng ứng rất lớn từ đông đảo các tầng lớp nhân dân. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức cho bà con ngư dân trong quá trình đánh bắt trên biển; đồng thời giúp cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân hiểu sâu sắc hơn về vị trí, vai trò, chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền của Lực lượng Cảnh sát biển.

Công tác tuyên truyền Luật Cảnh sát biển Việt Nam trên các phương tiện thông tin đại chúng, báo, đài phát thanh - truyền hình, tạp chí, trang tin điện tử cũng được Ban Chỉ đạo thực hiện Đề án và các cơ quan, đơn vị triển khai quyết liệt, đồng bộ. 

Với sự vào cuộc đồng bộ, quyết liệt của cả hệ thống chính trị, nhất là sự nỗ lực quyết tâm cao của toàn Lực lượng Cảnh sát biển, tin tưởng rằng nội dung, tinh thần của Luật Cảnh sát biển Việt Nam sẽ nhanh chóng được tuyên truyền, được lan tỏa, ngấm sâu vào cuộc sống của nhân dân, phát huy hiệu quả, hiệu lực, góp phần thực hiện thắng lợi nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền, giữ gìn an ninh, trật tự, an toàn trên các vùng biển đảo của Tổ quốc.

Hồng Hạnh - Ảnh Giao Linh