Hơn 70 năm hoạt động cách mạng, người chiến sĩ cộng sản Võ Chí Công đã cống hiến trọn đời mình cho sự nghiệp giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước, bảo vệ và xây dựng Tổ quốc. Đồng chí đã để lại cho Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam nhiều bài học kinh nghiệm sâu sắc giúp cho Quảng Nam vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Người lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng Quảng Nam
Được thừa hưởng truyền thống yêu nước, tinh thần đấu tranh bất khuất, kiên cường của quê hương, đồng chí Võ Chí Công sớm giác ngộ cách mạng, trở thành đảng viên khi mới 23 tuổi, không lâu sau đó trở thành người lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng ở phủ Tam Kỳ và tỉnh Quảng Nam.
Giai đoạn 1935 - 1939, đồng chí Võ Chí Công có công lớn trong việc giữ vững phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Nam. Sau các đợt khủng bố, đàn áp khốc liệt của thực dân Pháp, nhiều tổ chức đảng bị phá vỡ, nhiều đồng chí tỉnh ủy viên, phủ ủy viên đều bị giặc bắt, tù đày, đồng chí Võ Chí Công vẫn kiên cường trụ bám trong dân để trực tiếp lãnh đạo tổ chức đảng ở Tam Kỳ, xây dựng tổ chức đảng và các đoàn thể cách mạng ở các huyện Quế Sơn, Duy Xuyên, Tiên Phước; tập hợp đông đảo quần chúng dưới sự lãnh đạo của Đảng tạo nên các phong trào cách mạng sôi nổi thời kỳ Mặt trận Dân chủ 1936 - 1939 trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi và một số địa phương khác ở miền Trung.
Từ năm 1940, với cương vị Bí thư Tỉnh ủy lâm thời tỉnh Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công kiên trì hoạt động, giữ vững liên lạc với cơ sở, lãnh đạo tổ chức đảng chuyển hướng hoạt động theo chủ trương giải phóng dân tộc do Nghị quyết Hội nghị Trung ương 6, tháng 11-1939 đề ra, từng bước khôi phục phong trào cách mạng(1), tạo tiền đề để Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam bước vào thời kỳ chuẩn bị cho cuộc tổng khởi nghĩa.
Trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945, với vai trò Ủy viên Thường trực Ban bạo động khởi nghĩa của tỉnh, đồng chí cùng tập thể Tỉnh ủy đề ra nhiều chủ trương, quyết định sáng suốt, kịp thời nắm bắt thời cơ để lãnh đạo nhân dân thành phố Hội An giành chính quyền sớm hơn kế hoạch vào ngày 18-8-1945, lãnh đạo nhân dân toàn tỉnh đấu tranh giành chính quyền, đưa tỉnh Quảng Nam trở thành một trong những tỉnh giành chính quyền sớm nhất trong cả nước.
Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Võ Chí Công được phân công làm Ủy trưởng Tư pháp, Chính trị viên Chi đội 1 Giải phóng quân, Chính ủy Trung đoàn 93. Đồng chí đã trực tiếp góp phần bảo vệ và xây dựng chính quyền nhân dân, xây dựng lực lượng vũ trang tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng trong buổi đầu chính quyền còn non trẻ.
Năm 1952, sau thời gian làm nghĩa vụ quốc tế giúp đỡ cách mạng các nước bạn Lào và Campuchia, trên cương vị Liên khu ủy viên, đồng chí Võ Chí Công được Liên khu ủy chỉ định giữ chức vụ Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam. Trở về lãnh đạo phong trào cách mạng quê hương, đồng chí Võ Chí Công tập trung củng cố tổ chức bộ máy, xây dựng khối đại đoàn kết và phát huy sức mạnh nhân dân, từng bước đẩy mạnh phong trào chiến tranh du kích, đánh bại âm mưu chiêu an, dồn dân ở vùng địch tạm chiếm, ra sức xây dựng, củng cố vùng tự do, để tỉnh Quảng Nam hoàn thành nhiệm vụ vừa là tiền tuyến lớn, vừa là hậu phương lớn của phong trào cách mạng ở Liên khu 5, cùng nhân dân Liên khu 5 kiên cường chiến đấu, góp phần cùng nhân dân cả nước đưa cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp đi đến thắng lợi, buộc thực dân Pháp phải ký kết Hiệp định Giơ-ne-vơ, lập lại hòa bình ở Đông Dương.
Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước đầy hy sinh, gian khổ ở miền Nam, trên cương vị Bí thư Liên khu ủy 5, Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam, Bí thư Khu ủy kiêm Chính ủy Quân khu 5, đồng chí Võ Chí Công là người lãnh đạo chủ chốt của phong trào cách mạng Khu 5 và Nam Bộ, là người có công lao to lớn đối với sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, gắn với nhiều đề xuất quan trọng, quyết định táo bạo, sáng tạo, kịp thời, tạo nên những bước ngoặt lịch sử của đất nước. Đối với tỉnh Quảng Nam, đồng chí luôn theo dõi sát sao, bám sát chiến trường, đưa ra nhiều chỉ đạo đúng đắn để Đảng bộ lãnh đạo quân và dân Quảng Nam lập được những chiến công vang dội, như: Chiến thắng Núi Thành - trận đầu đánh Mỹ; chiến dịch Hè năm 1972; chiến thắng Nông Sơn - Trung Phước; chiến thắng Thượng Đức; chiến thắng Tiên Phước - Phước Lâm... góp phần quan trọng vào thắng lợi chung của cách mạng miền Nam.
Với tầm nhìn chiến lược, đồng chí Võ Chí Công đã có những đề xuất góp phần hình thành con đường cách mạng ở miền Nam gắn với sự ra đời của Nghị quyết Trung ương 15 khóa II (1-1959). Các quyết định sáng suốt, kịp thời trong chỉ đạo cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968 trên chiến trường Quảng Nam - Đà Nẵng giúp ta giữ vững được thành quả, bảo toàn lực lượng, hạn chế tổn thất so với các chiến trường khác. Nhạy bén nắm bắt tình hình, đồng chí Võ Chí Công kịp thời đề xuất Bộ Chính trị, chớp thời cơ giải phóng thành phố Đà Nẵng vào ngày 29-3-1975, sớm hơn kế hoạch dự kiến, góp phần đẩy nhanh sự tan rã của quân địch, tạo nên thế và lực để quân và dân ta hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Gần 30 năm lãnh đạo quân và dân Quảng Nam - Đà Nẵng và Khu 5 kiên cường chiến đấu và chiến thắng thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, đồng chí Võ Chí Công đã thể hiện tài năng, trí tuệ xuất sắc, bản lĩnh kiên cường, tinh thần tiến công cách mạng, không lùi bước, tạo tiền đề để đồng chí trở thành một trong những nhà lãnh đạo xuất sắc của Đảng và Nhà nước ta sau này.
Tâm huyết xây dựng quê hương Quảng Nam
Sau khi hoàn thành sứ mệnh tham gia lãnh đạo sự nghiệp đấu tranh giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước, đồng chí Võ Chí Công được điều động về công tác ở Trung ương, được Đảng và Nhà nước giao giữ nhiều trọng trách quan trọng, bao gồm: Phó Thủ tướng Chính phủ, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng, Chủ tịch Hội đồng Nhà nước. Đồng chí là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa III, Ủy viên Bộ Chính trị khóa IV, V, VI, Bí thư Trung ương Đảng, Thường trực Ban Bí thư khóa V. Tháng 6-1991, tại Đại hội lần thứ VII của Đảng toàn quốc, đồng chí được cử làm Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng cho đến Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa VIII (12-1997). Đồng chí là đại biểu Quốc hội các khóa VI, VII, VIII. Bằng năng lực, trí tuệ và kinh nghiệm hoạt động thực tiễn của mình, đồng chí Võ Chí Công đã mạnh dạn đề xuất nhiều giải pháp đối với các vấn đề mới, chưa có tiền lệ, cùng tập thể Ban Chấp hành Trung ương thảo luận, quyết định ban hành nhiều chủ trương, nghị quyết quan trọng, tạo sự đột phá trong công tác quản lý kinh tế, nhất là trên lĩnh vực nông nghiệp, góp phần đưa đất nước vượt qua khó khăn, thoát khỏi thế bao vây, cấm vận của các thế lực thù địch, tiến lên con đường đổi mới.
Đối với quê hương Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công luôn dành sự quan tâm đặc biệt. Dù bận rộn với nhiều công việc ở Trung ương, đồng chí vẫn dành nhiều thời gian về thăm và làm việc với Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam, đóng góp nhiều ý kiến quan trọng, gợi mở nhiều vấn đề lớn do thực tiễn đặt ra, giúp cấp ủy, chính quyền hoàn thiện nhiều chủ trương, định hướng phát triển trên các lĩnh vực kinh tế, xã hội, xây dựng Đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội. Đặc biệt, đồng chí đã để lại nhiều di huấn quan trọng, có giá trị lý luận và thực tiễn sâu sắc, trở thành nguồn cổ vũ, động viên để Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam không ngừng nỗ lực, phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu quan trọng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XI, vòng 1 (11-1976), đồng chí Võ Chí Công, Ủy viên Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ đại diện Ban Chấp hành Trung ương Đảng về dự và chỉ đạo Đại hội. Phát biểu tại Đại hội, đồng chí đã phân tích những điểm chủ yếu trong Đề cương Báo cáo chính trị, đồng thời góp nhiều ý kiến với Đảng bộ về công tác xây dựng Đảng, về phương hướng, nhiệm vụ khắc phục hậu quả chiến tranh, phát triển kinh tế - xã hội, chăm lo xây dựng Đảng và đoàn thể nhân dân các cấp.
Trong giai đoạn 1978 - 1988, đồng chí đã nhiều lần về làm việc với lãnh đạo tỉnh, trực tiếp đi khảo sát, kiểm tra tình hình sản xuất nông nghiệp và thực hiện chủ trương hợp tác hóa nông nghiệp trên địa bàn tỉnh. Đến thăm và làm việc tại Hợp tác xã nông nghiệp Đại Phước, huyện Đại Lộc (tháng 1-1983), đồng chí biểu dương những thành tích đạt được và nhắc nhở hợp tác xã, bà con xã viên không được chủ quan, thỏa mãn mà phải không ngừng phấn đấu vươn lên; đồng chí còn chỉ đạo ngành nông nghiệp toàn tỉnh phát động phong trào thi đua, đuổi kịp và vượt Hợp tác xã Đại Phước. Thăm và làm việc với Hợp tác xã Dệt Nhất Trí và Nhà máy Nhựa Đà Nẵng (tháng 1-1988), đồng chí quan tâm thăm hỏi đời sống bà con xã viên, công nhân; đồng thời, lưu ý các đồng chí lãnh đạo đơn vị cần đẩy mạnh áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật để nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm, phát triển mạnh mẽ sản xuất hàng hóa nhằm tạo điều kiện chăm lo tốt hơn đời sống vật chất, tinh thần của công nhân.
Phát biểu chỉ đạo tại Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV vòng 1 (năm 1991), đồng chí Võ Chí Công có nhiều ý kiến quan trọng về xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, trong đó, nhấn mạnh: “Việc xây dựng chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh phải xuất phát từ nhận thức mới về chủ nghĩa xã hội, có tư duy mới về công nghiệp hóa với những tiến bộ khoa học - kỹ thuật trong thời đại ngày nay, nắm được những biến chuyển của thời đại, mối quan hệ quốc gia trên thị trường thế giới và quan trọng nhất là chúng ta xác định được vị trí, các tiềm năng ưu thế của quốc gia, của địa phương mình và địa phương khác, trong xu thế phát triển mới để từ đó vạch ra phương hướng chiến lược có căn cứ khoa học và có khả năng thực thi”. Đồng chí nêu rõ: “Cần nghiên cứu để hình thành một khu chế xuất ở Quảng Nam - Đà Nẵng”. Những ý tưởng gợi mở này là cơ sở ban đầu để Đại hội Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV, vòng 2 (10-1991) thảo luận và mạnh dạn kiến nghị Trung ương cho chủ trương chia tách tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng thành hai đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, và việc này đã trở thành hiện thực 5 năm sau đó(2). Đây là quyết định đúng đắn để thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam có điều kiện phát huy tiềm năng, lợi thế của mình, cùng đoàn kết, hỗ trợ nhau phát triển.
Đồng chí luôn tự hào và có niềm tin sâu sắc vào sự trưởng thành của Đảng bộ: “Nhân dân Quảng Nam - Đà Nẵng có truyền thống đấu tranh cách mạng kiên cường trong các giai đoạn lịch sử của dân tộc. Nhân tài và đội ngũ cán bộ các thế hệ đông đúc, đủ sức làm nên sự nghiệp lớn. Vấn đề quan trọng và quyết định thắng lợi là Đảng bộ Quảng Nam - Đà Nẵng phải phát huy được truyền thống đoàn kết, nhất trí trong toàn Đảng, toàn dân, đoàn kết trên dưới, động viên được mọi sức lực, trí tuệ của cán bộ, đảng viên và nhân dân trong thực hiện nhiệm vụ. Phải đổi mới sự lãnh đạo và chỉ đạo, phát huy tinh thần dám nghĩ, dám làm, năng động, sáng tạo vì lợi ích của nhân dân và sự nghiệp cách mạng của Đảng thì nhất định sẽ giành được thắng lợi to lớn”(3). Đồng chí căn dặn đội ngũ cán bộ, đảng viên tỉnh nhà: “Người chiến sĩ cộng sản phải luôn rèn luyện phẩm chất đạo đức cách mạng, phải có tinh thần cần, kiệm, liêm, chính, chí công, vô tư, phải luôn luôn đặt lợi ích cách mạng lên trên hết, trước hết, như lời Bác Hồ đã dạy”(4). Năm 1994, trước những biểu hiện phức tạp về vấn đề đoàn kết nội bộ trong Đảng bộ tỉnh, đồng chí Võ Chí Công trên cương vị Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã trực tiếp đề xuất Bộ Chính trị quyết định thay đổi cán bộ lãnh đạo chủ chốt của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng tại Hội nghị đại biểu giữa nhiệm kỳ (tháng 4-1994), góp phần củng cố đoàn kết, tạo sự nhất trí cao trong nội bộ Đảng về đường lối, chủ trương và các biện pháp phát triển kinh tế - xã hội, góp phần đưa tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng vượt qua khó khăn, tiếp tục đẩy mạnh thực hiện đường lối đổi mới của Đảng(5).
Thấm nhuần quan điểm “dân là gốc”, là cội nguồn sức mạnh của cách mạng, đồng chí Võ Chí Công luôn nhắc nhở Đảng bộ tỉnh Quảng Nam phải đặc biệt quan tâm xây dựng khối đại đoàn kết toàn dân, phải thật sự phát huy dân chủ, động viên sức mạnh to lớn của toàn dân, phải lấy lợi ích của nhân dân làm mục tiêu phấn đấu, có như vậy Đảng mới hoàn thành được sứ mệnh lịch sử của mình. Đồng chí căn dặn: “Cán bộ, đảng viên phải là người tuyệt đối trung thành với sự nghiệp cách mạng của quần chúng, gương mẫu trong quần chúng, thường xuyên gắn bó với quần chúng, phải hiểu được tâm tư, nguyện vọng chính đáng của nhân dân để lãnh đạo”. Trong bức điện gửi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XVI (4-1996), đồng chí đề nghị Đại hội phải tập trung trí tuệ, sáng suốt thảo luận đề ra được những chủ trương, biện pháp thiết thực nhằm tăng cao tốc độ phát triển kinh tế, đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa, thực hiện xóa đói, giảm nghèo, không ngừng nâng cao hơn nữa đời sống nhân dân, đáp ứng lòng mong mỏi của nhân dân tỉnh nhà và cả nước”(6).
Trong thư gửi Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam nhân kỷ niệm 10 năm tái lập tỉnh Quảng Nam (1997 - 2007), đồng chí Võ Chí Công tâm sự, dù nhiều năm sống xa quê hương nhưng đồng chí vẫn luôn dõi theo mỗi bước phát triển của quê hương với niềm tin vào một tương lai tươi sáng của đất Quảng; đồng thời, đồng chí luôn mong muốn Đảng bộ và nhân dân tỉnh Quảng Nam phát huy truyền thống “trung dũng kiên cường”, trên dưới đoàn kết một lòng, ra sức xây dựng quê hương ngày càng phát triển, xứng đáng là một tỉnh thuộc vùng kinh tế trọng điểm miền Trung.
Đồng chí đặc biệt quan tâm đến đời sống của đồng bào vùng căn cứ cách mạng, vùng đồng bào dân tộc thiểu số - chiếc nôi của cách mạng trong những ngày gian khó. Mặc dù tuổi cao, sức khỏe giảm sút, nhưng mỗi lần về quê hương, thăm lại các cơ sở cách mạng ở vùng Tiên Phước, Trà Mỹ, Hiệp Đức, Phước Sơn, gặp gỡ cán bộ địa phương, câu hỏi đầu tiên của đồng chí luôn là: “Đời sống đồng bào có khá hơn không? Con em có đủ trường lớp để học hành không? Địa phương có còn hộ nào đói cơm đứt bữa?” Tháng 7-2002, lần cuối cùng về thăm quê hương, đồng chí vẫn dành thời gian đến với đồng bào Trà My; đồng bào Trà My đón đồng chí trở về trong vòng tay như người con ruột thịt - nghĩa tình ấy thật đậm sâu, thắm thiết, tình cảnh ấy thật đáng trân trọng biết bao.
Với trách nhiệm của một nhân chứng lịch sử, đồng chí dành nhiều tâm sức cho việc tham gia góp ý, cho ý kiến đối với các công trình lịch sử Đảng bộ tỉnh Quảng Nam, lịch sử truyền thống các cơ quan, đơn vị của Khu ủy 5, viết lời giới thiệu cho nhiều công trình lịch sử Đảng bộ huyện Tam Kỳ, Trà My, xác nhận thành tích cho các đồng chí lão thành cách mạng để thực hiện chế độ, chính sách, kiến nghị công nhận đối với các di tích lịch sử cách mạng ở tỉnh Quảng Nam như một cách tri ân công lao của nhân dân các địa phương đã từng nuôi giấu, che chở đồng chí những lúc khó khăn nhất trong thời gian hoạt động bí mật trước năm 1945.
Trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đồng chí đã lưu ý các cấp, các ngành, các địa phương phải linh hoạt, chủ động, sáng tạo, không trông chờ, ỷ lại vào cấp trên; phải sâu sát thực tiễn và phát triển những tư duy, ý tưởng mới để có những chủ trương, quyết sách đúng đắn nhằm giải quyết những vấn đề đặt ra trong thực tiễn. Mỗi khi về làm việc với tỉnh Quảng Nam, đồng chí luôn đề xuất đi thăm các cơ sở sản xuất, các hợp tác xã, kiểm tra thực tế tại các xí nghiệp, trực tiếp làm việc với cán bộ, đảng viên ở cơ sở. Những chuyến đi này giúp đồng chí hiểu rõ hơn đời sống của bà con xã viên, công nhân, nhân dân lao động, trân trọng lắng nghe những tâm tư, nguyện vọng, nhất là tìm tòi những cách làm hay, sáng tạo của các địa phương để làm cơ sở thực tiễn cho các kiến nghị, đề xuất đổi mới với Trung ương.
Giai đoạn 1976 - 1991, với vai trò là đại biểu Quốc hội khóa VI, VII, IX - đơn vị tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, đồng chí Võ Chí Công thường xuyên có các chuyến công tác, làm việc tại tỉnh và trực tiếp gặp gỡ, tiếp xúc cử tri tại các huyện Tiên Phước, Hiệp Đức, Trà My. Từ đây, nhờ quan tâm lắng nghe nguyện vọng của cử tri, đi sát cơ sở để tìm hiểu cặn kẽ đời sống nhân dân, đồng chí đã có nhiều kiến nghị, đề xuất với Quốc hội trong việc ban hành các chủ trương, chính sách về phát triển kinh tế - xã hội, bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống vùng đồng bào dân tộc thiểu số của tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng, làm tốt vai trò cầu nối giữa cử tri với Quốc hội.
Đồng chí Võ Chí Công trong lòng dân Quảng Nam
Đối với nhân dân tỉnh Quảng Nam, đồng chí Võ Chí Công là đại diện tiêu biểu cho phẩm chất, tính cách và khát vọng của con người xứ Quảng. Ai đã từng một lần tiếp xúc với đồng chí đều cảm nhận ở con người ấy toát ra một sự giản dị, gần gũi, thân tình. Chính vì lẽ đó, đồng đội, đồng chí và đồng bào vẫn thường gọi đồng chí bằng những cái tên trìu mến “Anh Năm Công”, “Bác Năm Công” như cách gọi người thân trong gia đình.
Ngày 8-9-2011, đồng chí Võ Chí Công - nguyên Chủ tịch Hội đồng Nhà nước mãi mãi đi xa đã để lại niềm tiếc thương vô hạn cho nhân dân cả nước nói chung, nhân dân tỉnh Quảng Nam nói riêng. Đây là mất mát to lớn của Đảng ta, của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam. Trong suốt thời gian diễn ra Lễ quốc tang, tại Hội trường Tỉnh ủy Quảng Nam, hàng vạn người từ các đồng chí lão thành cách mạng, đến các em học sinh, bà con nhân dân... khắp các địa phương trong toàn tỉnh đã không quản ngại xa xôi đến tiễn đưa người chiến sĩ cách mạng kiên cường, người con ưu tú của quê hương về với đất mẹ. Đó là sự kính trọng, tình cảm chân thành của người dân xứ Quảng đối với một người cộng sản kiên trung đã hiến dâng trọn đời mình cho quê hương, đất nước.
Ghi nhớ và trân trọng công lao của đồng chí Võ Chí Công, năm 2008, Tỉnh ủy Quảng Nam đã có chủ trương chỉ đạo sưu tầm tư liệu, tổ chức biên soạn và xuất bản tập sách “Đồng chí Võ Chí Công, người con ưu tú của quê hương Quảng Nam - Đà Nẵng” như một món quà tinh thần gửi đến đồng chí nhân dịp đồng chí tròn 97 tuổi. Một năm sau ngày đồng chí từ trần, vào năm 2012, nhân kỷ niệm 100 năm ngày sinh của đồng chí, Lễ kỷ niệm cấp quốc gia đã được Đảng, Nhà nước tổ chức trọng thể tại quê hương Quảng Nam; Hội thảo khoa học cấp quốc gia đã được tổ chức để tri ân, tôn vinh những cống hiến to lớn của đồng chí Võ Chí Công đối với sự nghiệp cách mạng của Đảng và dân tộc. Dịp này, Nhà xuất bản Chính trị quốc gia Sự thật đã xuất bản công trình: “Đồng chí Võ Chí Công - Người chiến sĩ cách mạng kiên cường, nhà lãnh đạo xuất sắc”. Tỉnh đoàn Quảng Nam tổ chức Cuộc thi tìm hiểu cuộc đời và sự nghiệp đồng chỉ Võ Chí Công, thu hút được hơn 10.000 bài dự thi, thể hiện sự quan tâm và lòng thành kính tri ân sâu sắc của nhân dân trong và ngoài tỉnh đối với một người cán bộ cách mạng đã hết lòng, hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân.
Đặc biệt, năm 2004, Tỉnh ủy Quảng Nam đã thống nhất chủ trương, chỉ đạo xây dựng Nhà lưu niệm đồng chí Võ Chí Công trên chính nền nhà cũ của gia đình, nơi gắn liền tuổi trẻ và những năm tháng hoạt động cách mạng sôi nổi của đồng chí ở quê nhà. Công trình được khánh thành ngày 29-4-2004. Đến năm 2012, Nhà lưu niệm chính thức được công nhận Di tích cấp quốc gia và nâng cấp thành Khu lưu niệm đồng chí Võ Chí Công. Nơi đây trở thành địa chỉ đỏ giáo dục tinh thần yêu nước, truyền thống cách mạng đối với cản bộ, đảng viên và nhân dân, nhất là thế hệ trẻ tỉnh Quảng Nam và cả nước. Tên đồng chí Võ Chí Công còn được đặt tên cho một con đường ven biển (chiều dài gần 70km) - một trong những con đường đẹp nhất khu vực miền Trung - Tây Nguyên và một ngôi trường trung học phổ thông tại huyện Tây Giang, tỉnh Quảng Nam.
Trong những năm qua, học tập tinh thần cách mạng và tấm gương đạo đức của đồng chí Võ Chí Công, quyết tâm thực hiện tâm huyết của đồng chỉ đối với quê hương, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Quảng Nam đã không ngừng nỗ lực, phấn đấu, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, thực hiện thắng lợi sự nghiệp đổi mới dưới sự lãnh đạo của Đảng. Đặc biệt, hơn 25 năm sau ngày tái lập tỉnh, tỉnh Quảng Nam đã đạt được nhiều thành tựu quan trọng, toàn diện, vượt bậc trên tất cả các lĩnh vực, trở thành điểm sáng trong phát triển kinh tế - xã hội ở khu vực miền Trung - Tây Nguyên, tạo nên diện mạo, vị thế mới của một Quảng Nam tự lập, chủ động, sáng tạo; quyết liệt trong hành động, vững tin bước vào kỷ nguyên mới với niềm tin, khát vọng mới./.
------------------------------------
(1) Trong thời kỳ 1930 - 1945, phong trào cách mạng của tỉnh Quảng Nam 4 lần bị phá vỡ, dẫn đến sự gián đoạn trong sự lãnh đạo của Tỉnh ủy, phủ ủy, huyện ủy, đó là các giai đoạn từ tháng 10-1930 đến đầu năm 1933, từ tháng 5-1935 đến tháng 7-1936, từ thàng 9-1939 đến tháng 3-1940, và từ tháng 10-1943 đến tháng 4-1944
(2) Tỉnh ủy Quảng Nam - Đà Nẵng: Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV, (vòng 2), Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, tr. 95
(3) Biên bản Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV (vòng 1), Tài liệu lưu trữ tại Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy Quảng Nam, tr. 5 và lượt ghi bài phát biểu của đồng chí Võ Chí Công tại Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XV (vòng 1) đăng trên Báo Quảng Nam - Đà Nẵng, số ra ngày 20-4-1991
(4) Tỉnh ủy Quảng Nam: Võ Chí Công - Người con ưu tú của quê hương Quảng Nam, 2008, tr. 549
(5) Mai Thúc Lân (Hồi ký): Chuyện đời ấm lạnh, buồn vui, Nxb. Văn hóa - Thông tin, Hà Nội, 2009, tr. 307 - 309
(6) Văn kiện Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XVI: Điện của đồng chí Võ Chí Công - Cố vấn Ban Chấp hành Trung ương gửi Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh Quảng Nam - Đà Nẵng lần thứ XVI, ngày 24-4-1996
PHAN VIỆT CƯỜNG - Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch Hội đồng nhân dân tỉnh Quảng Nam