Thông báo từ nhà bán đấu giá danh tiếng Sotheby’s hôm thứ tư, buổi bán đấu giá mã nguồn của World Wide Web đã kết thúc với giá bán cuối cùng là 5,4 triệu USD. World Wide Web là mã nguồn khai sinh ra hệ thống website toàn cầu được phát minh ra bởi nhà khoa học máy tính người Anh Tim Berners-Lee vào năm 1989.
Mã nguồn này được bán đấu giá dưới dạng NFT (non-fungible token), định dạng vật phẩm số được gắn với chuỗi khối (blockchain) và không thể bị sửa chữa, tẩy xóa hoặc chia nhỏ.
Mã nguồn World Wide Web tại nhà bán đấu giá Sotheby’s ở New York hôm 29/6. |
“Tính biểu tượng, lịch sử và đến từ cha đẻ tạo ra giá trị cho mã nguồn này. Rất nhiều người sưu tập những thứ như vậy vì những lý do đó. Chúng tôi bán đấu giá nó công khai, không hạn chế (giá khởi điểm là 1.000 USD) và để thị trường quyết định giá cuối cùng. Rất nhiều người mua đã đồng ý rằng mã nguồn này có giá trị”, đại diện của Sotheby’s cho biết.
Người trúng đấu giá sẽ nhận được khoảng 9.555 dòng code hoàn chỉnh được viết trong giai đoạn 1990-1991, một đoạn video dài 30 phút nói về mã nguồn này, một tấm poster số hóa, và một lá thư số được chấp bút bởi Berners-Lee.
Buổi bán đấu giá thành công này nằm trong một loạt các hoạt động bán đấu giá tác phẩm số NFT kể từ đầu năm đến nay. Hồi tháng 3, một nhà bán đấu giá danh tiếng khác là Christie’s đã bán được một tác phẩm số NFT của nghệ sĩ người Mỹ Beeple với giá 69,3 triệu USD.
Tuy nhiên, dữ liệu từ Cryptoart.io cho thấy, doanh thu trên các chợ số đã giảm mạnh từ 205 triệu USD ở tháng 3 xuống còn 18,3 triệu USD trong tháng 6 vừa qua, chủ yếu do thị trường tiền số đã lao dốc vì lệnh cấm của Trung Quốc.
Phương Nguyễn (theo The Guardian)
Cơn sốt tác phẩm số NFT đã trở lại?
Không còn là cuộc chơi của giới đầu tư tiền ảo, ngày càng có nhiều các nghệ sĩ bắt đầu dấn thân vào NFT với sự nở rộ của chợ số và các startup có liên quan.