Vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, năm 2023, xã Đồng Lạc đã trở thành một trong những xã nông thôn mới nâng cao của huyện Nam Sách, tỉnh Hải Dương. Những con đường bê tông nhỏ hẹp đã được thay thế bởi những con đường rộng và trải dài ở tất cả các thôn, xóm. Đường làng khang trang, sạch đẹp cùng những ngôi nhà cao tầng san sát là diện mạo xã Đồng Lạc hôm nay.

Thời gian qua, cùng với việc giữ vững các tiêu chí đã đạt, xã Đồng Lạc huy động nhiều nguồn lực để nâng cấp hạ tầng cơ sở, tập trung phát triển kinh tế, nâng cao đời sống nhân dân, tạo nguồn lực xây dựng nông thôn mới nâng cao. Đảng bộ xã xây dựng kế hoạch và phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên. Ban Phát triển xây dựng nông thôn mới ở tất cả các thôn tổ chức họp bàn xây dựng kế hoạch, thời gian để hoàn thành các tiêu chí chưa đạt.

Xác định xây dựng nông thôn mới chỉ có khởi đầu, không có điểm kết thúc, sau khi về đích trong xây dựng nông thôn mới nâng cao, Đảng bộ, chính quyền và người dân xã Đồng Lạc tiếp tục phấn đấu cán đích nông thôn mới kiểu mẫu trong năm nay. Hiện xã đã hoàn thành 3 trong tổng số 4 tiêu chí của xã nông thôn mới kiểu mẫu. Thu nhập bình quân đầu người của xã đạt trên 79 triệu đồng/người/năm. Xã đang xây dựng mô hình thôn thông minh hiện đại với nhiều tiện ích cho người dân.

Ảnh màn hình 2024 08 07 lúc 12.30.03.png
Diện mạo xã Đồng Lạc đang thay đổi từng ngày, từng giờ.

Xã Đồng Lạc lựa chọn thôn Trúc Khê để xây dựng mô hình thôn thông minh bởi mức sống của người dân nơi đây cao hơn các thôn khác. Hơn nữa, cơ sở hạ tầng của thôn đã cơ bản được đầu tư hiện đại. Thôn có Trung tâm văn hoá và tâm linh gồm chùa và nhà văn hoá, bia tưởng niệm, đền thờ liệt sỹ… được đầu tư, nguồn kinh phí hoàn toàn do các doanh nghiệp, nhà hảo tâm và con em xa quê ủng hộ.

Thôn đã lắp đặt hệ thống điện thắp sáng đường thôn xóm bằng năng lượng mặt trời, gắn 15 camera giám sát tại đầu các trục đường chính để bảo đảm an ninh trật tự trong các khu dân cư. Khuôn viên công cộng được cải tạo trồng thêm sen, cây xanh và trang bị các thiết bị thể dục, thể thao ngoài trời đáp ứng được hầu hết nhu cầu của người dân.

Ông Võ Hồng Nam, Bí thư Đảng uỷ, Trưởng Ban Chỉ đạo xây dựng nông thôn mới xã Đồng Lạc khẳng định, đầu tư cho văn hoá là nâng cao chất lượng sống của người dân nông thôn. Do vậy, địa phương lựa chọn văn hoá là lĩnh vực nổi trội. Đây cũng là tiêu chí duy nhất mà địa phương chưa đạt. Hiện xã đã xây dựng phương án để hoàn thành tiêu chí này, quyết tâm cán đích nông thôn kiểu mẫu trong năm nay. 

Qua rà soát, địa phương có 3 nhà văn hoá trong tổng số 8 thôn đã xuống cấp. Những nhà văn hoá này được xây dựng từ những năm 90 của thế kỷ trước. Để hoàn thiện tiêu chí, xã Đồng Lạc đã lên phương án xây nhà văn hoá mới ở 3 thôn Nham Cáp, Miếu Lãng và thôn Đông Phan với tổng kinh phí 8,8 tỷ đồng. Đây là kinh phí lớn, do vậy ngoài việc huy động nguồn lực tại chỗ, địa phương cũng đề nghị UBND huyện Nam Sách hỗ trợ.

Bên cạnh đó, địa phương cũng đẩy mạnh tuyên truyền đến các cán bộ và nhân dân hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của phong trào, đồng thời lồng ghép, thực hiện hiệu quả cùng các phong trào thi đua khác. Với phương châm: “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra và dân thụ hưởng”, người dân tích cực hưởng ứng bằng các việc làm cụ thể như hiến đất mở rộng đường thôn, chỉnh trang nhà cửa, xây dựng gia đình văn hoá nông thôn mới nâng cao, đầu tư phát triển sản xuất và nâng cao thu nhập cho người dân.

Từ khi bắt tay vào thực hiện xây dựng nông thôn mới nâng cao, xã Đồng Lạc đã huy động trên 100 tỷ đồng để nâng cao chất lượng các tiêu chí giao thông, văn hóa, trường học, tổ chức sản xuất, y tế, môi trường và chất lượng môi trường sống. Trong năm 2022, xã đã hoàn thành và đưa vào sử dụng nhiều phòng học mới, mở rộng 6 tuyến đường giao thông nội đồng ở 4 thôn với tổng chiều dài 1,2 km. Đường thôn xóm chỉ rộng từ 4 – 5 m cũng được người dân đóng góp để mở rộng ra 6 – 7 m, nhiều đoạn đường được đổ bê tông nhựa, có cây xanh hai bên đường và điện cao áp tạo không gian nông thôn văn mình, hiện đại.

Đến nay, Đồng Lạc đang thay đổi từng ngày, từng giờ. Người dân được hưởng lợi nhiều từ đường giao thông, các thiết chế văn hoá, giáo dục. Đời sống vật chất được quan tâm. Đời sống tinh thần của người dân được chăm lo, người dân phấn khởi khi có chỗ vui chơi, tập luyện thể dục, thể thao ở các câu lạc bộ…