Thay vào đó, thanh toán điện tử thường là lựa chọn ưu tiên với ưu thế nhanh hơn và thuận tiện hơn.

Theo số liệu của Statista, năm 2017, số lượng thanh toán điện tử tại Việt Nam tăng 22% so với năm trước với tổng giá trị giao dịch ước tính vào khoảng 6,1 tỉ USD. Tuy nhiên tỉ lệ thanh toán điện tử ở Việt Nam vẫn rất thấp so với các nước láng giềng. Theo Ngân hàng Thế giới (World Bank), Việt Nam hiện có số lượng giao dịch phi tiền mặt thấp nhất trong khu vực ở mức 4,9%. Con số này thấp hơn rất nhiều so với Thái Lan với gần 60% và Malaysia là gần 90.

Nhận thức tầm quan trọng của thanh toán điện tử trong việc củng cố nền kinh tế kĩ thuật số, Chính phủ cũng đã đưa ra nhiều biện pháp để khắc phục sự tụt hậu so với các nước láng giềng.

Đầu năm 2019, khi ban hành Nghị quyết số 02, Chính phủ đã yêu cầu các bộ, ngành phải đảm bảo các điều kiện cho phép người dân, doanh nghiệp (DN) thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau.

Mục tiêu được Chính phủ đặt ra là phải nâng xếp hạng nhóm chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin của Việt Nam lên từ 20 đến 25 bậc trong trung hạn và năm 2019 ít nhất phải tăng 5 bậc.

{keywords}
 

Trong đó, Chính phủ yêu cầu đẩy mạnh thanh toán điện tử và cung cấp dịch vụ công trực tuyến cấp độ 4, yêu cầu các bộ cơ quan ngang bộ thực hiện cung cấp ít nhất 30% số dịch vụ công trực tuyến thuộc thẩm quyền giải quyết ở cấp độ 4; cho phép người dân, DN thanh toán không dùng tiền mặt bằng nhiều phương tiện khác nhau”.

Về chủ trương phát triển dịch vụ mobile money, tại phiên họp thường kỳ Chính phủ tháng 3-2019, Thủ tướng đã chỉ đạo Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp với Ngân hàng Nhà nước xây dựng phương án cho các DN viễn thông triển khai thí điểm dịch vụ thanh toán điện tử không qua tài khoản ngân hàng (mobile money).

Thị trường “bùng nổ” trong chiếc điện thoại cá nhân

Đó là dự báo của Phó thủ tướng Vương Đình Huệ tại “Ngày không dùng tiền mặt” trong tháng 6/2019. Phó thủ tướng cho rằng, thanh toán không dùng tiền mặt sẽ bùng nổ ở VN dựa trên nhu cầu ngày càng cao của xã hội và sự hỗ trợ của công nghệ.

Khảo sát tiêu dùng toàn cầu năm 2018 của PwC đối với 27 nước và vùng lãnh thổ cho thấy Việt Nam là thị trường tăng trưởng nhanh nhất về thanh toán di động trong 2018. Theo đó, tỷ lệ người tiêu dùng thanh toán bằng di động ở nước ta đã tăng từ mức 37% lên 61%, cao nhất trong số các quốc gia Đông Nam Á tham gia khảo sát. 

Phó Vụ trưởng Vụ Thanh toán, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, ông Nghiêm Thanh Sơn cho biết: Trong quý I năm 2019, số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh Internet tăng 68,8% và 13,4% so với cùng kỳ năm 2018; số lượng và giá trị giao dịch tài chính qua kênh ĐTDĐ tăng 97,7% và 232,3 % so với cùng kỳ năm 2018.

Phó thủ tướng Vương Đình Huệ khẳng định, các dịch vụ thanh toán không dùng tiền mặt,đem lại nhiều lợi ích như giúp giảm chi phí và đem lại nhiều tiện ích cho người dân, DN; thúc đẩy minh bạch, công khai; phòng chống tham nhũng, kể cả tham nhũng lớn, nhỏ; chống rửa tiền, chống tội phạm kinh tế; hiệu quả hoạt động của ngân hàng tăng lên, thực hiện hiệu quả chiến lược tài chính toàn diện trên mọi vùng miền, lãnh thổ với mọi đối tượng người dân; thúc đẩy sản xuất, dịch vụ.

Gần đây, công ty tư vấn Solidiance đưa ra một kết quả nghiên cứu cho thấy thị trường công nghệ tài chính VN năm 2017 đạt 4,4 tỷ USD có thể tăng lên 7,8 tỉ USD vào năm 2020. Chỉ trong 3 năm, từ 2016-2018, số lượng các công ty fintech tham gia thị trường VN đã tăng từ 40 lên gần 100, trong đó đã có gần 30 công ty đã được Ngân hàng Nhà nước VN cấp giấy phép cung ứng dịch vụ trung gian thanh toán.

Người dùng VN đã quen thuộc với các ứng dụng có sự góp mặt của nhà đầu tư nước ngoài là AirPay, Grabpay by Moca, Momo...Sau khi hợp tác với Grab năm 2018, ví điện tử Moca đang tích cực mở rộng dịch như đặt đồ ăn, giao hàng. Ví Momo đẩy mạnh khuyến mãi, mua hàng trên các trang thương mại điện tử và thanh toán trực tuyến, thanh toán hóa đơn dịch vụ như điện, nước, điện thoại trả sau. Từ tháng 6/2018, ứng dụng ViettelPay cũng chính thức tham gia thị trường này.

Mobile money còn mới mẻ ở VN, nhưng đã khá thông dụng trên thế giới. Tính đến cuối 2018 đã có khoảng 90 quốc gia chấp nhận mobile money với khoảng 900 triệu người dùng, giao dịch mỗi ngày lên tới 1,3 tỷ USD. Không chỉ ở những quốc gia có trình độ công nghệ cao, mà những nước Đông Nam Á như Philippines hay Kenya ở Châu Phi, dịch vụmobile money cũng đang trở nên thông dụng bởi tính tiện lợi và “bình dân” của nó.

{keywords}
 

Ở Việt Nam, “đại gia” Viettel chuẩn bị triển khai cung cấp dịch vụ Mobile Money. Dự kiến tháng 11 này sẽ triển khai thí điểm cho toàn bộ cán bộ, nhân viên sử dụng dịch vụ này. Với lợi thế 60 triệu thuê bao di động, Viettel kỳ vọng sẽ là đơn vị đi đầu trong thanh toán di động.

Những năm gần đây, tỷ lệ tiền mặt trên tổng phương tiện thanh toán đã giảm qua các năm. Tuy vậy, VN vẫn nằm trong nhóm nước có tỷ trọng thanh toán bằng tiền mặt còn lớn. Điều này cho thấy thị trường thanh toán điện tử vẫn ở mức sơ khai trong bối cảnh một cuộc cách mạng toàn cầu về thanh toán điện tử.

Sớm hoàn thiện khung pháp lý

Xu hướng tất yếu thanh toán không dùng tiền mặt, đặc biệt là lợi ích của mobile money rất rõ ràng. Nó cho phép mọi người dân đều được tiếp xúc với các công cụ thanh toán chính thống không dùng tiền mặt và giúp đẩy nhanh tốc độ số hoá nền kinh tế. Tuy vậy, để mọi người dân có thể tiếp cận dễ dàng, Việt Nam cần bổ sung, hoàn thiện khuôn khổ pháp lý đối với các hoạt động thanh toán mới dựa trên nền tảng công nghệ số này.

Cho đến hiện tại, mobile money là một chủ trương được Chính phủ ủng hộ, khích lệ các nhà cung cấp dịch vụ phát triển sản phẩm, nhưng lại chưa có văn bản cụ thể, chi tiết tạo hành lang pháp lý đối với loại hình dịch vụ này.Hiện chưa có bất kỳ bộ luật nào của Việt Nam đưa ra định nghĩa về mobile money.

Theo đại diện Ngân hàng Nhà nước VN, đơn vị này đang đẩy mạnh nghiên cứu nhằm sửa đổi, bổ sung để hoàn thiện chính sách, hành lang pháp lý nghiên cứu sửa đổi Nghị định Thanh toán không dùng tiền mặt; đặc biệt là quy định pháp lý về dịch vụ mobile money. Đến nay, các văn bản pháp lý cần thiết đã hoàn thành dự thảo trình cơ quan có thẩm quyền xem xét.

Hiện nội dung chi tiết trong dự thảo các văn bản pháp lý vẫn chưa được tiết lộ. Trong khi nhiều vấn đề pháp lý liên quan đến dịch vụ mobile money cần được giải quyết, ví dụ như lo ngại của cơ quan thuế trong việc kiểm soát các giao dịch không qua hệ thống ngân hàng; hạn mức thanh toán và giới hạn tiền nạp vào tài khoản viễn thông là bao nhiêu; kiểm soát, phòng ngừa, ngăn chặn hoạt động rửa tiền qua loại hình dịch vụ này như thế nào; trách nhiệm bảo mật thông tin khách hàng của các nhà mạng đến đâu; cơ chế giải quyết khiếu nại trong hoạt động này như thế nào…?.

Bên cạnh đó, thách thức về tính đồng bộ, sự liên kết giữa hệ thống dịch vụ sẽ như thế nào, từ các tiệm rửa xe, quán cafe, quán phở…, có cho phép thanh toán qua tài khoản viễn thông không? Đặc biệt, trong tình trạng người VN vẫn dùng sim rác khá nhiều thì đặt ra những vấn đề gì trong kiểm soát thông tin?

Thực tế phát triển và những vấn đề đặt ra nêu trên đòi hỏi có một khuôn khổ pháp lý rõ ràng, cụ thể, chặt chẽ để thể chế hoá chủ trương được Chính phủ đặt ra. Một văn bản pháp lý đủ sức mạnh sẽ tạo nền tảng thúc đẩy loại hình dịch vụ này, vừa kiểm soát chặt chẽ các đơn vị cung cấp dịch vụ, ngăn ngừa cạnh tranh không lành mạnh cũng như phòng ngừa tính rủi ro của một phương thức mới trong một hoạt động có tính nhạy cảm cao là lưu thông tiền tệ.

Hoài Sơn