Ngày 28/7, Thứ trưởng Y tế Trần Văn Thuấn, Tổ trưởng Tổ công tác đặc biệt của Bộ Y tế hỗ trợ chống dịch Covid-19 tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ đã làm việc với tỉnh Đồng Nai.

Nguy cơ bùng dịch từ chợ đến khu công nghiệp

Theo báo cáo của tỉnh Đồng Nai, dịch Covid-19 tại địa phương đã lây lan thứ phát với nhiều ổ, đa số liên quan đến TP.HCM, Bình Dương. Số ca mắc toàn tỉnh đã vượt 3.100 ca.

Đặc biệt, nhiều điểm dịch lớn xuất hiện tại các chợ dân sinh, khu công nghiệp AMATA, Long Bình, Thạnh Phú, Sông Mây, Long Thành, Lộc An - Bình Sơn, Nhơn Trạch 2.

Các công ty Pouchen (TP. Biên Hòa), Changshin (huyện Vĩnh Cửu) là 2 doanh nghiệp có quy mô 17.000 - 40.000 công nhân cũng phát hiện nhiều ca dương tính.

Ngay tại huyện Nhơn Trạch, dù công ty đã thực hiện “3 tại chỗ”, sinh hoạt và làm việc ngay tại phân xưởng nhưng vẫn xuất hiện ca bệnh.

Nhiều khu nhà trọ công nhân, khu dân cư ở TP. Biên Hòa, huyện Nhơn Trạch, huyện Vĩnh Cửu, Long Thành, Trảng Bom, Thống Nhất và các địa phương khác vẫn tiếp tục ghi nhận các ca dương tính mới qua xét nghiệm tầm soát. Đặc biệt khu nhà trọ công nhân xã Long Tân - huyện Nhơn Trạch đã ghi nhận gần 200 ca nhiễm.

{keywords}

Thứ trưởng Trần Văn Thuấn làm việc với lãnh đạo tỉnh Đồng Nai

Do vậy tỉnh đánh giá, tình hình Covid-19 trên địa bàn vẫn đang diễn biến phức tạp, khó kiểm soát, nguy cơ lây lan rộng trong các khu chợ, khu nhà trọ công nhân, khu dân cư, các cơ sở sản xuất trong và ngoài các khu công nghiệp là rất cao.

Đồng Nai hiện có 4 phòng xét nghiệm được Bộ Y tế cho phép thực hiện xét nghiệm khẳng định với công suất tối đa là 6.000 mẫu đơn/ngày, tương ứng 30.000 mẫu gộp/ngày.

Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Đồng Nai cho rằng, năng lực xét nghiệm của địa phương chưa đáp ứng đủ nhu cầu chống dịch.

Ông Hồ Thanh Sơn, Phó Bí thư thường trực Tỉnh ủy Đồng Nai chỉ ra thêm nhiều hạn chế trong công tác chống dịch của địa phương, đặc biệt còn xuất hiện tâm lý chủ quan.

“Năng lực xét nghiệm còn hạn chế, trong dự báo tình hình dịch chưa sát thực tế hiện nay. Đồng Nai vẫn đang chạy theo dịch. Tỉnh đã không lường trước được diễn biến tốc độ lây lan của dịch”, ông Sơn lo lắng.

Ông Sơn thông tin, Thường vụ Tỉnh ủy Đồng Nai đã huy động toàn bộ lực lượng, phân công các thành viên thường vụ tỉnh ủy giám sát. Nếu lãnh đạo địa phương không quyết liệt sẽ rút về, sẵn sàng phân công người khác.

Ông Hồ Thanh Sơn đề nghị Bộ Y tế giúp địa phương nâng cao năng lực xét nghiệm và cùng Đồng Nai tiếp tục triển khai các hoạt động chống dịch.

Phải bảo vệ bằng được “vùng xanh”

Hiện tại Đồng Nai có 4.280 giường điều trị bệnh nhân Covid-19. Tuy nhiên với tốc độ gia tăng ca bệnh hiện nay, tỉnh đang triển khai tiếp Bệnh viện dã chiến số 8, quy mô trên 2.000 giường tại huyện Xuân Lộc.

Số giường hồi sức tích cực của tỉnh hiện có 100 giường. Bệnh viện khu vực Long Thành đang khẩn trương cải tạo, sửa chữa để có thêm 200 - 300 giường điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng.

PGS.TS Nguyễn Lân Hiếu, Phó trưởng đoàn công tác công tác đặc biệt của Bộ Y tế tại các tỉnh miền Đông Nam Bộ, Giám đốc Bệnh viện Đại học Y Hà Nội khuyến cáo, Đồng Nai cần phấn đấu không để bệnh nhân tử vong trong các bệnh viện dã chiến.

Đặc biệt phải thực hiện chiến lược “tháp 3 tầng”, dựa trên phân loại tình trạng của bệnh nhân, không để bệnh nhân tuyến huyện phải thở máy.

Để kiểm soát dịch, GS Trần Văn Thuấn đề nghị Đồng Nai thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 trên toàn địa bàn, thậm chí áp các biện pháp mạnh hơn để bảo vệ bằng được “vùng xanh” khoanh chặt các điểm dịch.

Thứ trưởng cho biết, Bộ Y tế sẽ tiếp tục huy động các địa phương, đơn vị hỗ trợ tỉnh Đồng Nai. Tuy nhiên tỉnh cũng cần phát huy nội lực của mình và để chủ động trong công tác phòng chống dịch, đẩy nhanh xét nghiệm nhanh kháng nguyên để tách F0 ra khỏi cộng đồng.

Thứ trưởng Thuấn giao Viện Pasteur TP.HCM hàng ngày hỗ trợ Đồng Nai xét nghiệm 5.000 mẫu để nhanh chóng phát hiện F0 trong cộng đồng, kịp thời có biện pháp kiểm soát.

Đối với việc điều trị, Thứ trưởng Trần Văn Thuấn đề nghị tỉnh Đồng Nai thực hiện phân tầng, không chuyển bệnh nhân quá sớm gây quá tải tuyến trên cũng như không chuyển quá muộn làm tăng nguy cơ tử vong.

Song song đó cần mở rộng thêm hệ thống giường ICU và khu thu dung, điều trị bệnh nhân Covid-19.

 >>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất

Thúy Hạnh 

Ghi nhận 4.992 ca Covid-19 mới, thêm 208.041 người được tiêm vắc xin

Ghi nhận 4.992 ca Covid-19 mới, thêm 208.041 người được tiêm vắc xin

Sáng 30/7, Bộ Y tế công bố 4.992 bệnh nhân mắc mới Covid-19, gồm 4.987 trường hợp ghi nhận trong nước, 5 ca nhập cảnh. Tổng số mắc tại nước ta hiện đã lên tới 133.405 người.

Bộ trưởng Y tế cùng lãnh đạo 10 bệnh viện lớn nhất nước vào TP.HCM chống dịch

Bộ trưởng Y tế cùng lãnh đạo 10 bệnh viện lớn nhất nước vào TP.HCM chống dịch

Bộ trưởng Y tế cùng 10 lãnh đạo của các bệnh viện lớn nhất nước có mặt tại TP.HCM chỉ đạo chống dịch, yêu cầu lập khẩn cấp 3 trung tâm hồi sức tích cực.