Cụ thể, theo phê duyệt Quy hoạch tỉnh Đồng Nai thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050, tỉnh Đồng Nai sẽ là một trong các cực tăng trưởng quan trọng của cả nước, hướng tới đi đầu trong phát triển công nghiệp tạo giá trị cao, trở thành đầu mối giao thương quốc tế, và phát triển du lịch dịch vụ gắn với văn hóa tâm linh, xác định lấy kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn là trọng tâm và hoàn thành mục tiêu phát thải “Net Zero 2050”.
Quy hoạch tỉnh Đồng Nai đưa ra 5 quan điểm trong quá trình lập quy hoạch, trong đó lấy người dân làm trung tâm; phát triển có chọn lọc; phát huy thế mạnh, tiềm năng; hướng tới tương lai và phát triển bền vững. Về phát triển đô thị, tỉnh đặt mục tiêu trở thành một đô thị đẳng cấp quốc tế với mô hình đô thị thông minh, bền vững và đáng sống, nơi tập trung trí thức và nhân tài.
Theo Quy hoạch tỉnh, đến năm 2030, trên địa bàn tỉnh sẽ có 19 đô thị. Trong đó có 1 đô thị loại I là thành phố Biên Hòa; 2 đô thị loại II là các thành phố Long Khánh và Nhơn Trạch, 1 đô thị loại III là thị xã Long Thành; 7 đô thị loại IV gồm thị xã Trảng Bom và các đô thị Dầu Giây, Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Long Giao, Gia Ray; 8 đô thị loại V là các đô thị Hưng Lộc, Gia Kiệm, Quang Trung, Gia Tân 1, La Ngà, Phú Túc, Thạnh Phú, Sông Ray.
Đến năm 2045, toàn tỉnh có 26 đô thị, trong đó có 3 đô thị loại I là các TP. Biên Hòa, Long Khánh, Nhơn Trạch; 1 đô thị loại II là TP. Long Thành; 1 đô thị loại III là TP. Trảng Bom; 7 đô thị loại IV gồm thị xã Thống Nhất và các đô thị Định Quán, Tân Phú, Vĩnh An, Thạnh Phú, Long Giao, Gia Ray; 14 đô thị loại V gồm: La Ngà, Phú Túc, Bình Lợi, Tân Bình, Phú Lý, Thiện Tân, Bảo Bình, Sông Nhạn, Phú Lâm, Sông Ray, Suối Cát, Xuân Định, Xuân Hưng, Xuân Thọ.
Trên cơ sở Quy hoạch được phê duyệt, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo các sở, ngành, địa phương đẩy nhanh việc lập các quy hoạch chung đô thị, quy hoạch phân khu trên địa bàn. Ngoài việc đảm bảo tiến độ, UBND tỉnh lưu ý các đơn vị, địa phương phải hết sức chú trọng chất lượng của các đồ án quy hoạch. Quan điểm của tỉnh Đồng Nai là các cấp, ngành, địa phương phải thay đổi tư duy, nhận thức, tạo bước đột phá trong công tác quy hoạch. Quy hoạch phải có tầm nhìn dài hạn, đồng bộ, phát huy giá trị. Từ đó hình thành khu đô thị, khu dân cư hiện đại, xanh, có điểm nhấn, có nét độc đáo, có sự khác biệt, có tính đến phát triển bền vững và lâu dài cho tương lai.
Theo Sở Xây dựng, với các quy hoạch của ngành xây dựng đang được lập cho giai đoạn đến năm 2045, có thể phân chia 26 đô thị này thành 2 nhóm gồm: nhóm những đô thị phải lập quy hoạch phân khu (gồm có 6 đô thị) và nhóm những đô thị không lập quy hoạch phân khu (là các đô thị còn lại). Vì vậy, trong giai đoạn từ nay đến năm 2030, tỉnh Đồng Nai phải lập quy hoạch chung cho 19 đô thị và 60 quy hoạch phân khu đô thị. Giai đoạn sau năm 2030 đến năm 2045, tiếp tục lập quy hoạch chung các đô thị còn lại phù hợp chương trình phát triển đô thị, nâng tổng số quy hoạch chung đô thị thành 26 đô thị.
Để thuận lợi cho việc phát triển đô thị, công nhận đô thị, Sở Xây dựng kiến nghị UBND tỉnh chỉ đạo các địa phương sớm lập, trình phê duyệt để “phủ kín” các quy hoạch chung đô thị đối với 19 đô thị được xác định hình thành trong giai đoạn từ nay đến năm 2030 trước năm 2026.
Trong đó ưu tiên đối với các đô thị Biên Hòa, Nhơn Trạch, Long Thành và Trảng Bom, là những đô thị quy hoạch chung thuộc thẩm quyền phê duyệt của Thủ tướng Chính phủ để nâng cấp, công nhận đô thị. Ngoài 19 đô thị nói trên, cũng cần có kế hoạch lập quy hoạch chung cho một số đô thị dự kiến hình thành sau năm 2045 phù hợp theo chương trình phát triển đô thị của tỉnh.
Theo Giám đốc Sở Xây dựng - ông Hồ Văn Hà, từ thực tế tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh còn thấp, sau khi quy hoạch tỉnh được phê duyệt, việc đẩy nhanh công tác lập quy hoạch đô thị sẽ giúp cho tỉnh hoàn thành mục tiêu nâng cấp đô thị, tăng tỷ lệ đô thị hóa trên địa bàn tỉnh. Cùng với đó, hoàn thành sớm các quy hoạch đô thị gồm quy hoạch chung, quy hoạch phân khu cũng là cơ sở để tỉnh thực hiện thu hút đầu tư.
Đình Sơn