Theo kế hoạch, Hệ sinh thái nông nghiệp số tỉnh Đồng Tháp sẽ sớm được đưa vào vận hành chính thức tại tỉnh, sau đó nhân rộng trên toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long. Trong tiến trình chuyển đổi số ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn đang diễn ra mạnh mẽ, nền tảng này không những đóng vai trò là một bộ công cụ hữu ích cho ngành nông nghiệp mà còn hỗ trợ đắc lực nông dân và các doanh nghiệp sản xuất hiệu quả hơn, tiết kiệm chi phí và nguồn lực, tạo ra nhiều giá trị gia tăng.
Đồng Tháp là đơn vị tiên phong trong việc tổ chức triển khai, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp, nền tảng truy xuất nguồn gốc.
Theo đó, tỉnh đã phát triển và vận hành thử nghiệm Nền tảng dữ liệu số ngành nông nghiệp tại địa chỉ VDAPES.COM từ tháng 5/2023; Dần tiến đến tích hợp các thiết bị IoTs vào tất cả hoạt động để có thể thu thập dữ liệu tự động; Quản lý tất cả hoạt động với công cụ số như phần mềm SaaS và ứng dụng di động Apps,…;Quản lý nông nghiệp số và phát triển kinh tế nông nghiệp số dựa trên nền tảng thu thập thông tin và xây dựng cơ sở dữ liệu lớn hướng đến tự động hoá trong thu thập - xử lý - báo cáo - lưu trữ hệ thống dữ liệu thống kê thuộc các phân hệ.
Khi người dùng đăng nhập vào nền tảng dữ liệu số về nông nghiệp sẽ mặc định hiển thị giao diện “Tổng quan toàn ngành”. Tại đây, nền tảng sẽ thống kê dữ liệu của ngành nông lâm thủy sản dưới dạng biểu đồ theo các kỳ báo cáo quý, 6 tháng, 9 tháng như: giá trị sản xuất toàn ngành, giá trị tăng thêm toàn ngành, số lượng hợp tác xã, hội quán,…Hiển thị thông tin của các lĩnh vực: Trồng trọt và Bảo vệ thực vật; Chăn nuôi, Thú y và Thủy sản; Phát triển nông thôn, Thủy lợi, Lâm nghiệp, Tài nguyên môi trường.
Khung kiến trúc phân hệ thuộc Nền tảng dữ liệu số về Nông nghiệp gồm 06 phân hệ chính: Trồng trọt và BVTV; Chăn nuôi, Thú y; Thủy sản; Thủy lợi; Lâm nghiệp; Phát triển nông thôn. Ngoài ra tích hợp, chia sẻ dữ liệu ngành Tài nguyên và Môi trường.
Nền tảng trình bày trực quan thành các dạng thống kê: biểu đồ, bảng biểu, bản đồ số… để người dùng dễ dàng so sánh, đối chiếu kết quả thực hiện qua các mốc thời gian khác nhau thông qua 03 phương thức thu thập dữ liệu: Số hóa dữ liệu chuyên ngành sẵn có; Thông qua báo cáo định kỳ; Thông qua hệ thống thiết bị IoT lắp đặt trên địa bàn Tỉnh.
Các dữ liệu đầu vào được thu thập qua hệ thống báo cáo định kỳ ngành nông nghiệp, theo thứ tự quy trình bắt đầu từ cấp xã gửi đến cấp huyện và cấp huyện gửi đến cấp tỉnh, bao gồm 15 biểu mẫu báo cáo thuộc các lĩnh vực trồng trọt, chăn nuôi – thú y, thủy sản, lâm nghiệp và phát triển nông thôn. Các biểu mẫu báo cáo được thiết lập với các kỳ báo cáo tương ứng: tuần, tháng, quý, 6 tháng, 9 tháng, năm.
Sau quá trình vận hành thí điểm, tỉnh Đồng Tháp đã số hoá quy trình sản xuất an toàn, hình thành mạng lưới quan sát – quan trắc, truy xuất nguồn gốc theo chuỗi cung ứng sản phẩm nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hiệu quả sản xuất và đảm bảo thông tin truy xuất được thuận tiện, minh bạch, chính xác; dần tiến đến chuyển đổi số toàn diện trong sản xuất nông nghiệp, hình thành mạng lưới quan sát – quan trắc tự động phục vụ hoạt động hướng đến canh tác thông minh bền vững.
Nền tảng dữ liệu số về Nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp đáp ứng đầy đủ khung kiến trúc dữ liệu ngành nông nghiệp, cũng như khung kiến trúc Chính phủ điện tử 3.0. Với thiết kế mở, linh hoạt, dễ dàng điều chỉnh, mở rộng hoặc thu hẹp cho phép Nền tảng có khả năng tùy chỉnh phù hợp với tính chất đa dạng của đặc điểm sản xuất nông nghiệp, cơ cấu nông sản chủ lực của từng tỉnh trong khu vực ĐBSCL và cả nước. Đồng thời vẫn tối ưu được tài nguyên lưu trữ và băng thông dữ liệu. Cụ thể, khung kiến trúc được định nghĩa có khả năng tùy biến cao, ngoài 6 phân hệ chính đã hoàn thiện, các phân hệ quản lý khác có thể tùy chọn mở rộng để phù hợp với đặc thù của từng địa phương. Về mặt quản lý, nền tảng có cấu trúc phân quyền linh hoạt, cho phép quản lý cấp tỉnh có thể tùy chỉnh theo tình hình thực tế để phù hợp nhất với địa phương.
Theo xu hướng chung của cả nước về việc xây dựng cơ sở dữ liệu lớn, dùng chung, Nền tảng dữ liệu số về Nông nghiệp của tỉnh Đồng Tháp tạo không gian số mở, dễ dàng chia sẻ, kết nối, tích hợp với các nền tảng dữ liệu số khác của địa phương và trung ương, nhằm hình thành hệ cơ sở dữ liệu lớn, dùng chung cho toàn ngành nông nghiệp. Hoàn toàn không tạo môi trường độc quyền, gây khó khăn cho công tác quản lý và xây dựng cơ sở dữ liệu.