Vốn FDI tăng 57% so với cùng kỳ
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương, 10 tháng năm 2022, Bình Dương đã thu hút được hơn 2,7 tỷ USD vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), tăng 57% so với cùng kỳ.
Các nhà đầu tư nước ngoài đã đầu tư vào các lĩnh vực, trong đó công nghiệp chế biến, chế tạo tiếp tục thu hút được nhiều sự quan tâm của nhà đầu tư nước ngoài với tổng số vốn đầu tư đạt 1,66 tỷ USD, chiếm 63,5% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Hoạt động kinh doanh bất động sản đứng thứ 2 với tổng vốn 939 triệu USD, chiếm 35,82% tổng vốn đầu tư đăng ký.
Tiếp theo là các lĩnh vực bán buôn và bán lẻ; sửa chữa ôtô, môtô, xe máy; hoạt động hành chính và dịch vụ hỗ trợ; hoạt động chuyên môn, khoa học công nghệ và sản xuất, phân phối điện, khí, nước, điều hòa…
Đan Mạch đứng thứ nhất với tổng vốn đầu tư là 1,32 tỷ USD, chiếm 50,4% tổng vốn đầu tư đăng ký. Hà Lan đứng thứ hai với tổng vốn đầu tư là 609 triệu USD, chiếm 23,3% tổng vốn đầu tư đăng ký. Trung Quốc đứng thứ ba với tổng vốn đầu tư là 258 triệu USD, chiếm 9,9% tổng vốn đầu tư đăng ký...
Theo Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương Võ Văn Minh, với môi trường đầu tư thông thoáng và hấp dẫn, trong những năm gần đây, Bình Dương luôn là một trong số những tỉnh, thành dẫn đầu cả nước về thu hút đầu tư trực tiếp nước ngoài.
Lũy kế đến ngày 31/10/2022, Bình Dương đứng thứ hai cả nước (sau Thành phố Hồ Chí Minh) về thu hút FDI với 4.053 dự án được cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư còn hiệu lực với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 39,6 tỷ USD, chiếm hơn 9,3% tổng vốn FDI cả nước. Quy mô trung bình dự án khoảng 9,8 triệu USD.
Đã có 65 quốc gia và vùng lãnh thổ đăng ký đầu tư tại Bình Dương. Trong đó 10 quốc gia và vùng lãnh thổ là Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Singapore, Samoa, Hàn Quốc, Hong Kong (Trung Quốc), Cayman Islands, Trung Quốc và Đan Mạch có tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 32,5 tỷ USD, chiếm hơn 82% tổng vốn đầu tư toàn tỉnh.
Đài Loan (Trung Quốc) đứng đầu với 859 dự án có tổng số vốn đăng ký hơn 6,27 tỷ USD, chiếm 26% về số dự án và 19% về số vốn. Kế đến là Nhật Bản đứng thứ hai với 333 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,86 tỷ USD, chiếm 10% về số dự án và 18% về số vốn. Singapore đứng top ba với 277 dự án, tổng vốn đăng ký là 5,4 tỷ USD, chiếm 8% về số dự án và 17% về số vốn.
Về ngành, lĩnh vực, thu hút đầu tư các ngành, lĩnh vực công nghệ cao, tiên tiến, thân thiện với môi trường, ít thâm dụng lao động, tạo ra giá trị gia tăng cao đang có xu hướng rót mạnh vào tỉnh.
Đáng chú ý là các dịch vụ tài chính, logistics và các ngành công nghiệp phụ trợ, nông nghiệp công nghệ cao và đặc biệt là thu hút đầu tư vào Khu công nghiệp Khoa học công nghệ Bình Dương trên nền tảng công nghiệp 4.0.
Các đối tác thực hiện đa dạng hóa thu hút đầu tư nước ngoài từ các thị trường và đối tác tiềm năng, chú trọng các nước phát triển hàng đầu thế giới, các tập đoàn xuyên quốc gia nắm giữ công nghệ tiên tiến và trình độ quản trị hiện đại.
Môi trường đầu tư thuận lợi, hiệu quả
Vốn đầu tư FDI tiếp tục tăng trưởng cho thấy hoạt động sản xuất của khu vực kinh tế này tiếp tục hiệu quả. Đồng thời thể hiện sự phục hồi của hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Bình Dương.
Ông Preben Elnef, Phó Chủ tịch Tập đoàn Lego (Đan Mạch) cho hay, đầu tháng 11/2022, Tập đoàn sẽ động thổ Dự án Xây dựng nhà máy tại Khu công nghiệp VSIP III ở Thị xã Tân Uyên, tỉnh Bình Dương.
Đây là nhà máy thứ 6 của Tập đoàn Lego trên toàn cầu, thứ 2 tại châu Á và là dự án có số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam. Lego lựa chọn đầu tư tỉnh Bình Dương vì các bên đều có cùng định hướng phát triển mang tính bền vững, từ việc sử dụng năng lượng, nước, xử lý chất thải đến quản lý giao thông và an ninh.
Theo Ủy ban nhân dân tỉnh, đầu tư thuận lợi và hiệu quả là yếu tố quan trọng để các tập đoàn, doanh nghiệp ưu tiên lựa chọn đầu tư tại Bình Dương.
10 tháng năm 2022, Bình Dương đã thu hút thêm 58 dự án đầu tư mới, 18 dự án tăng vốn. Đầu tư trong nước cũng khởi sắc khi có hơn 5.300 dự án đầu tư mới, 18 dự án tăng vốn. Đáng ghi nhận là Bình Dương tiếp tục thể hiện lợi thế cạnh tranh, thu hút dòng vốn đầu tư FDI chất lượng cao, có công nghệ hiện đại, thân thiện với môi trường.
Ông Võ Văn Minh, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh cho rằng, có được kết quả ấn tượng trong thu hút vốn đầu tư FDI 10 tháng năm 2022 là nhờ sự nỗ lực của chính quyền Bình Dương quyết liệt thực hiện các giải pháp phục hồi kinh tế sau đại dịch Covid-19.
Bình Dương cũng thường tổ chức các hội nghị xúc tiến đầu tư, mời nhà đầu tư trên thế giới đến địa phương thông qua các sự kiện quốc tế để giới thiệu hạ tầng, môi trường đầu tư hấp dẫn.
Cùng với đó, Bình Dương không ngừng cải thiện môi trường đầu tư, nhất là đầu tư đồng bộ hệ thống cơ sở hạ tầng, cải cách hành chính phục vụ các nhà đầu tư. Đặc biệt, Bình Dương cũng tích cực mở rộng quan hệ hợp tác song phương và đa phương.
Tính đến nay, tỉnh Bình Dương đã thiết lập mối quan hệ hợp tác song phương với 11 tỉnh, thành phố nước ngoài và là thành viên chính thức, là đối tác đáng tin cậy của 3 tổ chức quốc tế, bao gồm: Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á Horasis và Hiệp hội Trung tâm thương mại thế giới (WTCA).
Trong những năm gần đây, tỉnh Bình Dương đã tích cực hợp tác với các bên đối tác nước ngoài xây dựng và triển khai Đề án Thành phố thông minh và Vùng đổi mới sáng tạo Bình Dương, đặc biệt trong đó có Dự án Khu công nghiệp Khoa học công nghệ Bình Dương với tầm nhìn trở thành Trung tâm đổi mới sáng tạo của Vùng kinh tế trọng điểm phía Nam.
Với định hướng phát triển phù hợp và bằng những nỗ lực của chính mình, tỉnh Bình Dương đã đạt được một số kết quả rất đáng khích lệ và là địa phương đầu tiên của Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Diễn đàn Cộng đồng thông minh thế giới (ICF).
Hạ Nhiên