Sôi động

Tháng 11/2022, tập đoàn LEGO khởi công nhà máy 1 tỷ USD. Đây là dự án số vốn đầu tư lớn nhất do một doanh nghiệp Đan Mạch thực hiện tại Việt Nam. Dự kiến, nhà máy tạo ra 4.000 việc làm khi đi vào hoạt động năm 2024.

Ông Niels B.Christiansen, Tổng Giám đốc điều hành Tập đoàn LEGO, cho biết, nhà máy tại Bình Dương giúp củng cố chiến lược phát triển lâu dài tại châu Á cũng như đa dạng hóa chuỗi cung ứng của LEGO.

Julie Sandlau, nhà sản xuất trang sức Đan Mạch, đã ký kết thỏa thuận hợp tác chiến lược FPT Software tư vấn, triển khai nhà máy thông minh sản xuất trang sức tại Việt Nam. Nhà máy dự kiến đưa vào hoạt động năm 2023. 

Theo ông Soren Roed Pedersen, Tổng Giám đốc Julie Sandlau, doanh nghiệp đặt chiến lược dài hạn để phát triển đa lĩnh vực tại Việt Nam.

Ông Trương Gia Bình, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT, cho biết, FPT tự tin giúp Julie Sandlau thực hiện mục tiêu chuyển đổi số và mở rộng hoạt động tại thị trường Việt Nam cũng như Đông Nam Á.

Việt Nam thu hút nhà đầu tư nước ngoài. (Ảnh: Hoàng Hà)

Việt Nam còn đón nhận nguồn vốn bổ sung, mở rộng quy mô của những doanh nghiệp vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) lớn đang hoạt động. Samsung có kế hoạch giải ngân các khoản đầu tư thêm, như khoản 1,2 tỷ USD của nhà máy Samsung Electro-Mechanics Việt Nam tại Thái Nguyên. Trung tâm Nghiên cứu và Phát triển (R&D) của Samsung tại Hà Nội dự kiến hoàn thành vào cuối năm nay.

Tương tự, LG, Foxconn, Panasonic không chỉ sản xuất, lắp ráp mà còn triển khai hoạt động nghiên cứu và phát triển (R&D) tại Việt Nam. Trước đó, Intel đã rót thêm 475 triệu USD vào nhà máy tại Việt Nam, nâng tổng mức đầu tư sau 16 năm hoạt động lên gần 1,5 tỷ USD.

Trong một cuộc khảo sát của Công ty nghiên cứu Cushman&Wakefield, hơn 200 đại diện cấp cao từ các công ty đầu tư hàng đầu đã chọn Việt Nam là điểm đến đầu tư ưu tiên nhất và đứng thứ 2 trong nhóm các thị trường mới nổi.

Tờ Financial Times đánh giá, Việt Nam đang trở thành điểm sáng trong thu hút sự chuyển dịch dòng vốn đầu tư FDI và lần đầu tiên Việt Nam lọt vào Top 20 nền kinh tế về thu hút FDI trên thế giới. Với nhiều lợi thế, các nhà đầu tư nước ngoài đang đặt niềm tin rất lớn vào mắt xích Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu.

Trở ngại

Ông Mark Ridley, Tổng Giám đốc điều hành Công ty tư vấn bất động sản Savills Global, đánh giá, Việt Nam đang nhận được nhiều sự quan tâm hơn bao giờ hết từ các nhà đầu tư trên khắp thế giới. 

Mức tăng trưởng toàn cầu vào năm 2023 sẽ ở mức 2,5%, và các thị trường như Anh và châu Âu dự báo sẽ suy thoái trong hai quý tiếp theo. Điều này tiếp tục thúc đẩy sự quan tâm từ các nhà đầu tư nước ngoài khi Việt Nam đang sở hữu những cơ hội tăng trưởng như hiện tại.

Thách thức nguồn nhân lực và hạ tầng giao thông. (Ảnh: Hoàng Hà)

Ông đánh giá, bất chấp sự sụt giảm trong chi tiêu của người tiêu dùng trên toàn cầu, xu hướng gia tăng sản xuất ở Việt Nam vẫn tiếp tục, điển hình như sự dịch chuyển công nghiệp sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam sau đại dịch.

Để thu hút nguồn vốn ngoại, ông Matthew Powell, chuyên gia tư vấn quốc tế, cho rằng, khó khăn của nhà đầu tư còn liên quan đến chất lượng đầu tư và khả năng tiếp cận. 

Với các nhà đầu tư nước ngoài, cơ sở hạ tầng chất lượng như đường sá, hải cảng và hệ thống đường sắt vô cùng quan trọng. Các tỉnh có nhiều không gian kinh tế lại gặp hạn chế về cơ sở hạ tầng, gây ra khó khăn trong việc tiếp cận nguyên vật liệu hoặc gặp nhiều vấn đề trong việc vận chuyển sản phẩm. 

“Việt Nam đang cần nhiều hơn các giải pháp công nghiệp 4.0 cho các dự án thông minh, chất lượng cao và rõ ràng để có thể dễ dàng đầu tư vào”, ông kiến nghị.

Bên cạnh đó, giá thuê bất động sản công nghiệp tăng là trở ngại lớn. Nghiên cứu của Chứng khoán SSI dự báo, giá thuê đất dự kiến sẽ tăng 8% tại các khu công nghiệp phía Nam Việt Nam và 6% tại khu phía Bắc.