- Hợp tác xã (HTX) kiểu mới chỉ có thể tồn tại nếu có sự gắn kết DN - người sản xuất. Nếu chỉ có một bàn tay thì không thể vỗ lên tiếng, nhưng đủ hai bàn tay mà không tiếp xúc được với nhau thì cũng không thành tiếng.

Đây là ví von của Chủ tịch HĐQT công ty CP Bảo vệ thực vật An Giang Huỳnh Văn Thòn để nói về tầm quan trọng của mô hình HTX kiểu mới.

MTTQ Việt Nam đang khảo sát tại một số tỉnh miền Tây Nam Bộ để tìm lời giải cho bài toán “được mùa mất giá”, nâng cao thu nhập cho nông dân.

Nhiều người làm nhất, thu nhập thấp nhất

Theo Chủ tịch UB TƯ MTTQ Việt Nam Nguyễn Thiện Nhân, nông nghiệp của nước ta có nhiều sản phẩm đứng trong top 5 thế giới. Nhưng ông băn khoăn về mối quan hệ đầu vào và đầu ra, tức hiệu quả, thu nhập của nông dân. "Lâu nay chúng ta nói sản lượng tăng mà không nói chi phí đầu vào. Không nói việc để có một ký lúa thì chi phí đầu vào chiếm bao nhiêu phần trăm”.

{keywords}
Chủ tịch MTTQ Nguyện Thiện Nhân đi khảo sát mô hình tổ hợp tác sản xuất lúa Nhật tại huyện Mỹ Hòa, An Giang

Hiện nông dân chiếm 47% lao động cả nước, lớn hơn dịch vụ và công nghiệp nhưng thu nhập lại thấp nhất. Nông nghiệp cũng là lĩnh vực tăng trưởng chậm nhất. “Chỗ nhiều người làm việc nhất lại thu nhập thấp nhất. Nếu không có đột phá thì khoảng cách thu nhập ngày càng tăng, nông dân sẽ bỏ ruộng ngày càng nhiều”, ông Nhân lưu ý.

Theo ông, vấn đề là mô hình nào sẽ bao phủ được 13 triệu hộ nông dân hiện nay.

Hộ nông dân có thể liên kết với HTX hoặc liên kết trực tiếp với DN. Tuy nhiên, qua khảo sát các mô hình liên kết, Chủ tịch MTTQ cho rằng nếu nông dân liên kết với DN thì cũng chỉ liên kết được nhiều lắm 1.000 hộ. Ngoài ra, việc nông dân liên kết trực tiếp với DN vừa có thuận lợi vừa có rủi ro. DN có thể cung cấp giống, bao tiêu đầu vào, đầu ra nhưng nông dân phải phụ thuộc vào DN.

Cụ thể như mô hình tổ sản xuất lúa Nhật tại huyện Mỹ Hòa (An Giang), DN Nhật thông qua tổ hợp tác cung cấp giống và kỹ thuật chăm sóc lúa và bao đầu ra cho nông dân với giá cao hơn bên ngoài 100 đồng/kg. Đây là mô hình được đánh giá khá hiệu quả, nhưng liên kết cũng chỉ dừng lại ở mức vài trăm hộ và giá mua còn phụ thuộc nhiều vào DN.

Vì vậy, theo ông Nguyễn Thiện Nhân, mô hình liên kết có thể phủ được nhiều hộ nông dân hơn và đảm bảo được đầu ra là mô hình liên kết giữa nông dân và DN thông qua HTX. HTX làm trung gian gom các hộ nông dân thành từng nhóm và có tư cách pháp nhân để kí hợp đồng với DN, do đó có thể thương lượng giá cả với DN, tránh bị ép giá. Nông sản không bán được cho DN này thì bán cho DN khác.

DN chưa mặn mà liên kết

Điển hình cho mô hình liên kết này chính là những cánh đồng mẫu lớn tại ĐBSCL. Phó chủ tịch tỉnh An Giang Lê Văn Nưng cho biết cả tỉnh có 20 HTX nông nghiệp liên kết với DN xây dựng cánh đồng lớn với diện tích 3.000 ha/vụ. Đây là mô hình cần được nhân rộng để nâng dần thu nhập của xã viên và giải quyết việc làm cho nhiều người lao động.

{keywords}
Hỏi thăm tình hình sản xuất của bà con nông dân huyện Mỹ Hòa

Tuy nhiên, tại cuộc khảo sát mô hình HTX Long Bình (An Giang), bà Trần Thị Yến Châu, Phó chủ tịch UBND huyện Chợ Mới cho rằng vấn đề đáng lo ngại hiện nay là không ít DN lợi dụng việc tham gia cánh đồng lớn để đủ hồ sơ, đủ quota xuất khẩu chứ không thực sự hỗ trợ, giúp đỡ nông dân.

Trao đổi với VietNamNet, bà Châu cho biết 2 năm qua, huyện đã ký hợp đồng tiêu thụ với 5 DN.

“Tuy nhiên chỉ có 2-3 DN kí hợp đồng với nông dân tương đối chặt chẽ. Ngoài ra, nhiều DN kí hợp đồng để muốn có quota xuất khẩu gạo theo chỉ tiêu của Bộ Công thương”, bà Châu kể.

Cụ thể, những DN muốn xuất khẩu gạo phải kí hợp đồng liên kết với tổng diện tích 500 ha và mua lúa cho nông dân cao hơn bên ngoài 100 đồng/kg. Nhưng chỉ có 30% diện tích lúa của bà con nông dân kí kết với DN được mua với giá cam kết ban đầu.

HTX phải mạnh lên

Trả lời VietNamNet lí do vì sao DN chưa mặn mà với mô hình cánh đồng mẫu lớn, nhất là trong việc giúp nông dân tiêu thụ sản phẩm, Giám đốc Sở Công thương An Giang Mai Thị Ánh Tuyết cho rằng đây là do vai trò của HTX và khâu tổ chức thực hiện trong liên kết chứ không hẳn do DN không quan tâm.

“Người nông dân sản xuất nhỏ lẻ, do đó muốn có vùng nguyên liệu cho DN tham gia thì phải gắn kết nông dân. Việc gắn kết này cần có vai trò của HTX làm đầu mối pháp lý chứ DN không đảm đương vấn đề này. HTX nào làm tốt thì DN và người dân sẽ liên kết tốt. HTX nào không phát huy được vai trò là đầu mối thì sự gắn kết giữa DN và người dân gặp nhiều khó khăn”, bà Tuyết giải thích.

Theo Chủ tịch MTTQ Nguyễn Thiện Nhân, để liên kết có hiệu quả, tạo đầu ra tốt cho nông dân, HTX phải có năng lực quản lí, nhất là vai trò của giám đốc (chủ nhiệm) HTX. “Chủ nhiệm HTX mà trình độ lớp 5 đến lớp 9 khó làm được vì họ không có khả năng nghiên cứu thị trường”.

Ông Nhân cho rằng cần nghiên cứu cơ chế lương để thu hút những người có trình độ vào HTX chứ với mức lương 2 triệu đồng như hiện nay thì không kĩ sư nào muốn về. Phó Chủ tịch tỉnh An Giang cũng đề nghị thực hiện việc nhà nước trả lương thuê cán bộ quản lí giỏi làm việc trong các HTX từ 3-5 năm, sau đó HTX tự trả lương thì mới hút được người có trình độ quản lí HTX.

Thu Hằng - Ảnh: Hoàng Long