Tình trạng dự án đội vốn diễn ra ở nhiều nơi, năm nào, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt dự án đội vốn gấp 2, gấp 3 lần phương án được duyệt ban đầu, cá biệt có dự án đội vốn tới 36 lần. Dự án đội vốn không kiểm soát nổi là một trong các lý do dẫn đến nhiều dự án lâm cảnh thiếu vốn, chậm trễ, kém hiệu quả.

Đội vốn chục ngàn tỷ: Đã quá quen rồi

Mới đây, một thông tin được Kiểm toán Nhà nước đưa ra đã gây xôn xao dư luận. Đó là dự án nạo vét, xây kè, bảo tồn cảnh quan sông Sào Khê của tỉnh Ninh Bình điều chỉnh mức vốn đầu tư tăng tới 36 lần, từ 72 tỷ lên 2.595 tỷ đồng.

{keywords}
Dự án đường sắt đô thị Cát Linh - Hà Đông đội vốn, chậm tiến độ nhiều năm.

Tuy nhiên, những trường hợp đội vốn như vậy không phải là cá biệt, nhưng tăng cao như vậy thì là hiếm thấy. Thậm chí đội vốn đã trở nên quen thuộc với các dự án đầu tư ở Việt Nam.

Cách đây ít lâu, VietNamNet đã phản ánh về các dự án đường sắt đô thị đang thực hiện với tổng mức đầu tư cả trăm ngàn tỷ đồng đội vốn chục nghìn tỷ. Đó là Tuyến số 1 Bến Thành Suối Tiên, Tuyến số 2 Bến Thành Tham Lương, Cát Linh - Hà Đông, Nhổn - ga Hà Nội… Các dự án này đều chung một “kịch bản” là đội vốn, “đói vốn”, chậm tiến độ nhiều năm trời.

Dự án Cát Linh – Hà Đông đội vốn 7.000 tỷ, còn dự án Nhổn – ga Hà Nội đội vốn từ mức 18,4 nghìn tỷ lên gần gấp đôi, với số vốn là 32,9 ngàn tỷ đồng.

Còn tại TP.HCM, Dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị số 1 TP.HCM tuyến Bến Thành - Suối Tiên có tổng mức đầu tư ban đầu vào năm 2007 là hơn 17,3 nghìn tỷ đồng. Nhưng sau đó năm 2011 được điều chỉnh lên hơn 47,3 nghìn tỷ đồng (tăng thêm 30 nghìn tỷ đồng).

Một  dự án đường sắt đô thị khác ở TP.HCM lâm cảnh tương tự là Dự án xây dựng tuyến tàu điện ngầm số 2 TP.HCM, tuyến Bến Thành - Tham Lương dài 9,2km. Dự án đội vốn từ 26,1 nghìn tỷ đồng lên hơn 48,7 nghìn tỷ đồng, tức đội vốn lên đến hơn 22 nghìn tỷ đồng.

Số vốn tăng thêm quá lớn nên 2 dự án này ở thành phố Hồ Chí Minh không bố trí đủ vốn, đang phải làm các bước xin ý kiến Quốc hội.

Tình trạng này cũng xảy ra ở loạt dự án nghìn tỷ đắp chiếu, thua lỗ của ngành Công Thương như gang thép Thái Nguyên mở rộng giai đoạn II, đạm Hà Bắc, đạm Ninh Bình, các dự án ethanol… khi liên tục điều chỉnh, tăng vốn đầu tư. Ví dụ, tính đến cuối 2016, tổng vốn đầu tư của 12 dự án ban đầu được phê duyệt chỉ là 43,6 nghìn tỷ đồng. Thế nhưng đến nay đã được đội vốn lên tới 63,6 nghìn tỷ đồng, tăng tới 45% so với ban đầu.

Dự án đội vốn không kiểm soát nổi là một trong các lý do dẫn đến phương án tài chính của các dự án kể trên bị phá vỡ, khiến lâm cảnh đắp chiếu, thua lỗ.

Theo ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính), có nhiều nguyên nhân dẫn đến "đội vốn", có thể do khách quan và chủ quan. Với các nguyên nhân khách quan theo luật định thì việc điều chỉnh dự án và tăng vốn là cần thiết. Đối với các nguyên nhân chủ quan cần có phân tích đánh giá cụ thể đối với từng dự án để xác định rõ trách nhiệm cá nhân, tổ chức trong quá trình thực hiện, từ đó quy đúng trách nhiệm.

Từ trước đến nay, rất nhiều ý kiến đã đặt dấu hỏi về việc “Phải chăng địa phương cố tình đưa ra dự án ban đầu với mức đầu tư thấp để dễ dàng được thông qua, rồi sau sẽ điều chỉnh dần”?

Trao đổi với PV.VietNamNet, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) thừa nhận thực tế có hiện tượng dự án lúc đầu phê duyệt mức thấp sau điều chỉnh tăng thêm vốn. Tuy nhiên cần phân tích từng dự án cụ thể, nếu việc điều chỉnh theo đúng pháp luật đầu tư công, xây dựng thì được cho phép. Còn nguyên nhân mang tính chất chủ quan thì thuộc về trách nhiệm từng cấp.

Nợ nần gia tăng, bí nguồn trả nợ

Năm nào, Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ ra hàng loạt dự án đội vốn gấp 2, gấp 3 lần phương án được duyệt ban đầu.

Hậu quả của việc này, theo ông Võ Thành Hưng, Vụ trưởng Vụ ngân sách nhà nước (Bộ Tài chính), là dự án bị chậm tiến độ, chi phí tăng lên, dự án kém hiệu quả, bị động về ngân sách.

Thực tế, báo cáo của Ủy  ban Tài chính ngân sách của Quốc hội cho thấy tại nhiều địa phương vẫn còn tình trạng dự án kéo dài thời gian thực hiện hoặc chậm đưa vào sử dụng, làm giảm hiệu quả sử dụng vốn như Hòa Bình 78 dự án; Yên Bái 61 dự án; Lai Châu 07 dự án; Lạng Sơn 5 dự án; Lâm Đồng 37 dự án; Kiên Giang 8 dự án; Đồng Nai 7 dự án.

Dự án tràn lan, cân đối vốn khó khăn khiến nhiều tỉnh lâm cảnh nợ nần. Đơn cử, kết quả giám sát của Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cho thấy địa phương có dự án “đội vốn” 36 lần từ 72 tỷ lên hơn 2.500 tỷ là Ninh Bình cũng có số nợ đọng lớn. Ninh Bình nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến 31/12/2014 là 5,9 nghìn tỷ đồng, số vốn kế hoạch bố trí cho việc thanh toán nợ đọng trong cả giai đoạn 2016-2020 là 2 nghìn tỷ đồng, chiếm khoảng 34% tổng nợ. Phần nợ xây dựng cơ bản còn lại (khoảng trên 65%) chưa có phương án bố trí nguồn để thanh toán.

Thanh Hóa nợ đọng xây dựng cơ bản tính đến 31/12/2014 là 4,1 nghìn tỷ đồng song tính đến 31/12/2017 vẫn còn 603 tỷ đồng nợ khối lượng thực hiện chưa được bố trí nguồn thanh toán.

Đánh giá rằng các dự án đội vốn đã hạn chế nhiều sau khi có Chỉ thị 1792 và Luật Đầu tư công, ông Lê Tuấn Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Đầu tư (Bộ Tài chính) cho rằng, pháp luật về đầu tư và xây dựng hiện hành (Luật Đầu tư công, Luật Xây dựng) đã quy định rõ thẩm quyền, trách nhiệm của của từng cấp trong lập, thẩm định và quyết định đầu tư dự án; đồng thời cũng đã quy định rõ điều kiện được điều chỉnh dự án. Đối với đầu tư công, Bộ trưởng và Chủ tịch UBND là người quyết định đầu tư.

“Do vậy, quá trình thực hiện nếu có điều chỉnh không đúng thì trách nhiệm đầu tiên thuộc chủ đầu tư, cơ quan thẩm định và người phê duyệt điều chỉnh; các cá nhân, tổ chức nào sai phạm sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật”, đại diện Bộ Tài chính chia sẻ.

Lương Bằng

Chi tiêu tùy tiện, hàng loạt tỉnh thành lộ sai sót ngàn tỷ

Chi tiêu tùy tiện, hàng loạt tỉnh thành lộ sai sót ngàn tỷ

Kiểm toán Nhà nước đã chỉ ra nhiều địa phương sử dụng ngân sách sai mục tiêu, mục đích, số tiền phải xử lý lên đến hàng ngàn tỷ.

Hà Giang: Tỉnh nghèo phải cứu trợ, xây trụ sở ngàn tỷ

Hà Giang: Tỉnh nghèo phải cứu trợ, xây trụ sở ngàn tỷ

Hà Giang là tỉnh nghèo, khả năng cân đối nguồn lực hạn chế, đang có nợ đọng xây dựng cơ bản lớn... cần cân nhắc sự cần thiết xây trung tâm hành chính. Vậy Hà Giang nghèo đến mức nào?

12 dự án 'đắp chiếu': Nặng nợ 58 ngàn tỷ, ôm lỗ 18 ngàn tỷ

12 dự án 'đắp chiếu': Nặng nợ 58 ngàn tỷ, ôm lỗ 18 ngàn tỷ

Tổng nợ và tổng lỗ của 12 dự án thua lỗ, kém hiệu quả ngành Công Thương vẫn đang tăng lên từng ngày do nhiều dự án đắp chiếu không trả được nợ.

Siêu dự án vô thời hạn: Xin thêm chục ngàn tỷ, chưa biết ngày nào xong

Siêu dự án vô thời hạn: Xin thêm chục ngàn tỷ, chưa biết ngày nào xong

Các dự án đường sắt đô thị đang thực hiện với tổng mức đầu tư cả trăm ngàn tỷ đồng cũng đội vốn, “đói vốn”, chậm tiến độ nhiều năm trời.

Siêu dự án đắp chiếu nợ chục ngàn tỷ, không biết bao giờ trả hết

Siêu dự án đắp chiếu nợ chục ngàn tỷ, không biết bao giờ trả hết

Hàng chục nghìn tỷ vốn vay ngân hàng “chôn” vào các dự án ngàn tỷ thua lỗ, đắp chiếu, kém hiệu quả của ngành Công Thương chưa biết bao giờ thu hồi hết được. 

‘Kho thóc’ ngàn tỷ: Ai may thì hưởng, ai khôn thì được

‘Kho thóc’ ngàn tỷ: Ai may thì hưởng, ai khôn thì được

Tại Việt Nam, ô tô đang sử dụng biển 5 số, mỗi series có trên 10.000 biển số đẹp. Kho biển số đẹp có thể xem như một 'kho thóc' hàng ngàn tỷ đồng mà như cách hiện nay ai may thì hưởng, ai 'khôn' thì được.