Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang nằm trong Quy hoạch mạng lưới giao thông đường bộ, giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng phê duyệt.

Dự án đường bộ cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang là một trong 8 dự án được Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đồng ý bổ sung vào Danh mục dự án quan trọng quốc gia, trọng điểm ngành giao thông vận tải tại Quyết định số 1166/QĐ-TTg ngày 10/10/2023.

Tuyến cao tốc Tuyên Quang-Hà Giang có chiều dài 105 km, tổng mức đầu tư 10.000 tỷ đồng có ý nghĩa rất quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng an ninh, góp phần hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông khu vực miền núi phía bắc nói chung và hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang nói riêng.

Dự án cao tốc dài gần 105 km, trong đó 77 km thuộc tỉnh Tuyên Quang và 27,5 km thuộc tỉnh Hà Giang. Điểm đầu tại nút giao cao tốc Tuyên Quang - Phú Thọ với quốc lộ 2D, thuộc xã Nhữ Khê, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang.

Cuối tháng 2 vừa qua, Chủ tịch UBND tỉnh Hà Giang đã ký Tờ trình số 05/TTr - UBND gửi Thủ tướng Chính phủ về chủ trương đầu tư hoàn chỉnh quy mô 4 làn xe, Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang.

Theo đó, Hà Giang kiến nghị người đứng đầu Chính phủ cho chủ trương điều chỉnh dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang, mở rộng với quy mô đủ tiêu chuẩn 4 làn xe với chiều dài tuyến 27,48km, tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 5.073 tỷ đồng. Trong đó, Dự án giai đoạn 1 (2 làn xe) đã phê duyệt 3.198 tỷ đồng; giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh lên 4 làn xe 1.875 tỷ đồng.

Lãnh đạo tỉnh Hà Giang cũng đề nghị Chính phủ hỗ trợ bổ sung ngân sách Trung ương cho tỉnh Hà Giang 2.500 tỷ đồng để thực hiện dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang (trong đó: hỗ trợ cho giai đoạn 1 đã quyết định đầu tư 1.000 tỷ đồng và hỗ trợ cho giai đoạn mở rộng hoàn chỉnh lên 4 làn xe là 1.500 tỷ đồng).

Dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1) đã được đưa vào thực hiện trong Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khoá, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội.

Giai đoạn 1 của Dự án có mục tiêu đầu tư tuyến cao tốc với chiều dài 104 km, quy mô 2 làn xe, qua địa bàn hai tỉnh Tuyên Quang và Hà Giang. Trong đó, đoạn tuyến trên địa bàn tỉnh Hà Giang có chiều dài 27,48 km (điểm đầu của dự án tiếp giáp với địa phận tỉnh Tuyên Quang; điểm cuối của Dự án tại xã Tân Quang, huyện Bắc Quang, tỉnh Hà Giang) được Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Hà Giang là cơ quan chủ quản dự án.

Dự án đã được HĐND tỉnh Hà Giang phê duyệt chủ trương đầu tư tại Nghị quyết số 30/NQ-HĐND ngày 25/8/2022; UBND tỉnh Hà Giang quyết định đầu tư dự án tại Quyết định số 2198/QĐ-UBND ngày 5/12/ 2022 với quy mô 2 làn xe, chiều rộng nền đường 12m; phạm vi giải phóng mặt bằng theo phạm vi xây dựng đường cao tốc hoàn chỉnh 4 làn xe theo Quy hoạch mạng lưới đường bộ thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050.

Hiện nay, dự án cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang (giai đoạn 1), đoạn qua tỉnh Hà Giang đã được tổ chức khởi công tháng 5/2023. Các nhà thầu đã tập trung nhân lực, máy móc, thiết bị, vật tư, vật liệu, tăng ca, tăng kíp triển khai tổ chức thi công, phấn đấu hoàn thành dự án trước ngày 19/5/2025.

Tỉnh Hà Giang cũng mới đề xuất xây dựng đoạn tiếp nối từ cao tốc Tuyên Quang - Hà Giang đến TP Hà Giang dài 39 km. Dự án được đề xuất đầu tư quy mô 4 làn xe, nền đường rộng 25 m.

Đoạn đường sẽ được xây dựng theo tiêu chuẩn vận tốc thiết kế 100 km/h, một số đoạn tuyến qua địa hình khó khăn vận tốc 80 km/h, tổng mức đầu tư dự kiến 9.866 tỷ đồng từ nguồn vốn đầu tư công.

Ngoài ra, theo UBND tỉnh Hà Giang, đoạn tuyến quốc lộ 2 từ TP Hà Giang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy dài 20 km đã đạt tiêu chuẩn đường cấp 3, dân cư dọc tuyến thưa, không chịu áp lực giao thông, nên chưa đề xuất mở rộng.

Việc nối thông toàn tuyến cao tốc Phú Thọ - Tuyên Quang - Hà Giang đến cửa khẩu quốc tế Thanh Thủy sẽ góp phần giảm tải quốc lộ 2, phục vụ người dân đi lại, lưu thông hàng hóa và phát triển du lịch trong khu vực.

Dự án hoàn thành sẽ góp phần quan trọng trong việc hình thành hành lang phát triển kinh tế từ thủ đô Hà Nội và vùng đồng bằng sông Hồng, theo cao tốc Nội Bài-Lào Cai, cao tốc Tuyên Quang-Phú Thọ đến Hà Giang, đáp ứng nhu cầu đi lại, vận tải hàng hóa ngày càng tăng cao, giải quyết điểm nghẽn về giao thông liên kết giữa Hà Giang-Tuyên Quang, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế-xã hội địa phương gắn với bảo đảm an ninh quốc phòng và nâng cao quan hệ hợp tác toàn diện Việt Nam-Trung Quốc.

Hiện nay, Hà Giang kết nối với Thủ đô Hà Nội và các tỉnh lân cận bằng Quốc lộ 2, các loại hình vận tải khác chưa được đầu tư phát triển. Quốc lộ 2 có lưu lượng phương tiện lớn, là đường miền núi, đường cong có bán kính nhỏ, độ dốc lớn, thường xuyên xảy ra sạt lở đất.

Minh Yến