Ông Cao Văn Tứ (SN 1957, một cựu chiến binh, trú tại đường Lê Văn Tám, phường 10, TP Đà Lạt) gần chục năm qua gửi đơn khiếu nại tới chính quyền các cấp của tỉnh Lâm Đồng.

Cuối năm 2009, UBND tỉnh ra quyết định thu hồi 2 lô đất nông nghiệp của gia đình ông với diện tích gần 13.000m2 (trong đó gần 9.000m2 có sổ đỏ) để triển khai xây dựng dự án khu đô thị số 6 Trại Mát (KĐT Trại Mát). 

{keywords}
Ông Cao Văn Tứ nhiều năm khiếu kiện, yêu cầu thu hồi dự án treo, hủy quyết định thu hồi đất đối với 1,3ha đất trồng hoa của gia đình

Từ đó đến nay, gia đình ông Tứ chưa được phía chủ đầu tư thỏa thuận và tính toán bồi thường đất và tài sản, hoa màu trên đất.

Khi nhận quyết định thu hồi, gia đình ông Tứ vừa đầu tư nhà kính rộng 7.000m2 để trồng hoa hồng theo mô hình công nghệ cao nên dự án đổ bể. Ông Tứ cho biết, dự án treo khiến mỗi năm gia đình ông thiệt hại hàng tỷ đồng.

Nhiều năm qua, ông đã gửi đơn khiếu nại tới các cơ quan chức năng đề nghị hủy quyết định thu hồi đất do dự án đã hết thời hạn triển khai theo luật định, để gia đình yên tâm sản xuất.

Hiện gia đình ông Tứ trồng cây atiso - loại cây cho hiệu quả kinh tế thấp hơn nhiều so với trồng các loại rau, hoa công nghệ cao trong nhà kính.

Ngoài gia đình ông Tứ, 161 hộ dân khác cũng bị thu hồi hơn 58ha đất nông nghiệp cho dự án này. Dự án không triển khai, đất bị quy hoạch treo, các hộ dân đã nhận đền bù phải bỏ hoang. Các hộ dân chưa nhận đền bù chỉ sản xuất cầm chừng dù những năm qua, mô hình trồng hoa hồng, rau màu trong nhà kính khiến các nông dân Đà Lạt trở thành tỷ phú.

Các hộ dân đồng loạt gửi đơn khiếu kiện yêu cầu chính quyền hủy dự án KĐT Trại Mát, hủy quyết định thu hồi đất của các hộ dân.

Dự án KĐT Trại Mát (phường 11, TP Ðà Lạt) được UBND tỉnh Lâm Đồng cấp giấy chứng nhận cho công ty TNHH Đầu tư và xây dựng Kiên Trung (trụ sở tại TP Đà Lạt) làm chủ đầu tư. Tổng diện tích dự án là 75,8ha chủ yếu là đất nông nghiệp; 162 hộ dân và 3 tổ chức bị thu hồi đất.

Các quyết định thu hồi đất được UBND tỉnh Lâm Đồng ban hành từ năm 2009.

Xem xét thu hồi dự án

Trước những lá đơn khiếu kiện của người dân, UBND tỉnh chỉ đạo các ban ngành chức năng họp để tìm hướng giải quyết.

Tại cuộc họp liên ngành ngày 4/1/2017 với sự tham dự của các bên lên quan, Sở TN&MT cho biết, chủ đầu tư đã 4 lần điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án. 

{keywords}
Dự án KĐT Trại Mát sau 10 năm vẫn là những khu đất bỏ hoang, cỏ mọc xanh ngút và dân mất tư liệu canh tác

Trường hợp của gia đình ông Tứ, trung tâm Phát triển quỹ đất tỉnh đã đo đạc, kiểm kê hiện trạng nhưng đến nay vẫn chưa được tính toán bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

Cho rằng công ty Kiên Trung không đủ năng lực cũng như tài chính để thực hiện dự án, ông Cao Văn Tứ đề nghị tỉnh thu hồi dự án; hủy các quyết định thu hồi đất đối với các hộ dân. Ông cũng không đồng ý giao đất cho một dự án treo quá lâu, kiến nghị giữ lại đất để canh tác nông nghiệp, trồng hoa và rau màu.

Tại biên bản cuộc họp, ông Cao Tất Thành, TGĐ công ty Kiên Trung cho biết, đến nay đã có nguồn lực tài chính để chi trả cho hộ dân bị thu hồi. Nhưng ông Tứ vẫn chưa nhận được một đồng tiền đền bù của chủ đầu tư.

Cuộc họp liên ngành nói trên không đưa ra được phương án cụ thể, ông Tứ tiếp tục gửi đơn khiếu nại. Tại các văn bản trả lời giải quyết đơn thư công dân, UBND, HĐND tỉnh đều nêu quan điểm, giao các sở chức năng kiểm tra tiến độ dự án, năng lực của chủ đầu tư. Trường hợp chủ đầu tư không đủ kinh phí để triển khai thì xem xét thu hồi dự án theo quy định.

Tuy nhiên, hàng loạt các văn bản trả lời, phiếu tiếp nhận/chuyển đơn thư khiếu nại của công dân… được ban hành, dự án vẫn treo cho đến thời điểm hiện tại, và ông Cao Văn Tứ vẫn tiếp tục đi gõ cửa các cơ quan chức năng của tỉnh Lâm Đồng.

Phó chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Văn Yên cho biết, đã giao Sở TN&MT phối hợp với Sở KH-ĐT kiểm tra, báo cáo và đề xuất UBND tỉnh hướng xử lý, thời hạn trước ngày 31/7/2018.

Tuy nhiên, ông Cao Tất Thành xác nhận, thời điểm hiện tại vẫn chưa có phương án đền bù đối với 1,3ha đất thu hồi của gia đình ông Cao Văn Tứ do cơ quan chức năng chưa đưa ra được đơn giá bồi thường.

Chủ dự án 10 năm bỏ hoang cũng thừa nhận, hiện tại mới thi công được một đoạn đường nội bộ dẫn vào dự án (là đường đất, chưa thảm nhựa), còn lại chưa triển khai bất kỳ hạng mục gì.

Thông tin với VietNamNet, Giám đốc Sở TN&MT Huỳnh Ngọc Hải cho hay, đã giao cho Thanh tra Sở thụ lý, giải quyết đơn thư khiếu nại của công dân. 

47 dự án đón đầu về Hà Nội, 2.000ha đất hoang bò nhẩn nha ăn cỏ

47 dự án đón đầu về Hà Nội, 2.000ha đất hoang bò nhẩn nha ăn cỏ

47 dự án chiếm hơn 2.000ha đất nông nghiệp của huyện Mê Linh bỏ hoảng hơn chục năm qua. Người dân xót của biến đất hoang thành trại chăn thả gia súc.

Thái Bình