"Tôi từng chinh phục nhiều hang động ở Việt Nam. Song từ Hà Nội, di chuyển hơn 2 tiếng đồng hồ lên Lạng Sơn, đến hang Khuôn Bồng, tôi thực sự choáng ngợp trước khung cảnh kỳ vĩ, mang nét đẹp khác biệt của hệ thống hang động nơi đây.
Ngoài các hoạt động mạo hiểm như đu dây trong hang, bò trườn qua những khe nứt, bơi trong sông ngầm và ngụp lặn để sang bên kia cửa hang, tôi còn cảm nhận được vẻ đẹp của thiên nhiên qua mỗi trải nghiệm, từ các góc nhìn khác nhau.
Điều này cũng giúp tôi khai phá bản thân, trau dồi kỹ năng sinh tồn. Đồng thời giải tỏa tinh thần, tái tạo năng lượng, hướng tới cuộc sống tích cực, mạnh khỏe”, chị Minh Hiếu (Hà Nội) – thành viên đoàn thám hiểm hang Khuôn Bồng hôm 15/12 chia sẻ.
Hang Khuôn Bồng (thuộc địa phận xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, tỉnh Lạng Sơn) nằm trên tuyến du lịch Công viên địa chất (CVĐC) Lạng Sơn số 02.
CVĐC Lạng Sơn trải dài qua địa phận các huyện, thành phố như Bắc Sơn, Chi Lăng, Hữu Lũng, TP Lạng Sơn..., với tổng diện tích gần 4.900km2. Tháng 9/2024, CVĐC Lạng Sơn được công nhận là CVĐC toàn cầu UNESCO.
Chị Minh Hiếu cho biết, chuyến đi thám hiểm hang Khuôn Bồng của nhóm chị gói gọn trong ngày, mang tính khảo sát, vào hang từ 9h và kết thúc lúc 17h30.
Hơn 8 tiếng trong lòng hang, đoàn di chuyển qua nhiều địa hình: Trekking chiêm ngưỡng hệ thống thạch nhũ tráng lệ; đắm mình trong những hồ canxi trong vắt; bơi lội trong sông ngầm; ngụp lặn qua những khe nứt bí mật trong lòng đất để đến hang Phượng Hoàng (Thái Nguyên).
Trước chuyến thám hiểm này, các thành viên trong đoàn cũng có 1 ngày trải nghiệm đu dây mạo hiểm 120m, chinh phục “cổng trời Yên Sơn” (còn gọi là hang Hổng, tọa lạc tại xã Yên Sơn, huyện Hữu Lũng, tỉnh Lạng Sơn).
Để tiếp cận miệng hang Khuôn Bồng, đoàn thám hiểm phải trekking qua những con đường mòn, tiến vào sâu trong rừng.
Hang có vị trí khá đặc biệt. Cửa hang là một vết nứt nhỏ của khối núi đá vôi với đường kính khoảng 60cm, chỉ vừa một người chui vào, nằm ở thôn Khuôn Bồng, xã Vũ Lễ, huyện Bắc Sơn, Lạng Sơn. Còn cửa ra là hang Suối Mỏ Gà thuộc xã Phú Thượng, huyện Võ Nhai, tỉnh Thái Nguyên.
Để vào được trong hang, du khách cần sử dụng dây và đai an toàn. Lọt qua cửa hang là hố sâu tầm 3m. Tiến vào thêm 20m nữa là vách sâu, du khách phải dùng dây để đu xuống 60m thì mới tiếp cận được tầng hang có thể đi bộ.
Sau khoảng 2 giờ di chuyển, các thành viên dừng chân ăn trưa trong hang rồi tiếp tục trekking, bơi khoảng 3km xuyên lòng hang.
“Lòng hang như một cung điện với đủ dạng địa hình độc đáo. Chúng tôi phải đu dây, bơi, thậm chí là trườn bò dưới đất hay chèo SUP để có thể di chuyển qua những khu vực đặc thù khác nhau”, chị Hiếu kể lại.
Ông Phạm Văn Mạnh - giám đốc công ty du lịch thám hiểm chuyên nghiệp cho biết, đơn vị này đang hoàn tất hồ sơ xin cấp phép khai thác tour thám hiểm hang Khuôn Bồng.
“Khuôn Bồng là hang động rất đẹp với cấu tạo hóa thạch, thạch nhũ tự nhiên, có nhiều hồ và thác nước nhỏ chảy theo chiều dọc và hình bậc thang trong lòng hang, hội tụ đa dạng các yếu tố phục vụ cho du lịch mạo hiểm, thám hiểm hang động.
Về cuối hang, hệ thống thạch nhũ đa đạng và còn nguyên vẹn nên có nhiều tiềm năng để khai thác và phát triển du lịch mạo hiểm”, ông Mạnh cho hay.
Trao đổi với PV VietNamNet, bà Phạm Thị Hương - Phó Trưởng phòng quản lý CVĐC Lạng Sơn cho biết, hang Khuôn Bồng trải dài qua Lạng Sơn và Thái Nguyên nên việc khai thác sẽ phải có sự phối hợp từ 2 tỉnh.
“Hiện tại, cửa hang ra phía suối Mỏ Gà có trần rất thấp, gần như chạm mặt nước nên còn khá khó để di chuyển, cần có đội ngũ chuyên gia và nhiều kinh nghiệm để hướng dẫn khi đi qua để đảm bảo an toàn”, bà Hương thông tin thêm.
Dự kiến CVĐC Lạng Sơn sẽ được khai thác du lịch theo 4 tuyến với 38 điểm đến. Hành trình khám phá các tuyến chủ yếu đi qua trục Quốc lộ 1A, 1B, 4B và 279. Mỗi tuyến có từ 7 đến 11 điểm tham quan với trải nghiệm đa dạng.
Ảnh: Việt Nam Expeditions