Khai thác các con số, dữ liệu đó để phục vụ tốt công tác quản lý

Với tinh thần, chuyển đổi số là tư duy chứ không phải số hóa dữ liệu, mục tiêu cuối cùng là khai thác các con số, dữ liệu đó như thế nào để phục vụ tốt công tác quản lý, theo ông Nguyễn Quốc Toản, Giám đốc Trung tâm Chuyển đổi số và Thống kê nông nghiệp (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho rằng, chuyển đổi số chỉ thành công khi mọi người cùng làm có trách nhiệm tương tác và chia sẻ. 

Hiện nay, Chính phủ đang chuyển trọng tâm từ quản lý sang quản trị, từ hành chính nhà nước sang phục vụ doanh nghiệp, do đó, để số hóa trong truy xuất nguồn gốc nông sản thực sự đi vào thực tiễn, có tính hiệu quả cao, rất cần sự tham gia, phối hợp của tất cả các bên, từ Nhà nước tới doanh nghiệp, hợp tác xã và nông dân. 

Bên cạnh đó, quản lý nhà nước trong vấn đề truy xuất nông sản với vai trò phục vụ, đáp ứng yêu cầu của hội nhập quốc tế sẽ nâng cao tính minh bạch, giải trình cho ngành hàng, quyền lợi của nông dân,… "Với những giá trị to lớn trên, Hệ thống truy xuất nguồn gốc không chỉ là cái tem, mà đó còn là trách nhiệm của nhà sản xuất, niềm tin của người tiêu dùng và suy rộng ra là tính giải trình của nền nông nghiệp", ông Nguyễn Quốc Toản nhấn mạnh.

Đáp ứng nhu cầu thu thập thông tin dữ liệu hàng hoá nông sản, truy xuất nguồn gốc là một trong 8 trọng tâm chuyển đổi số ngành nông nghiệp.

Người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất

Vừa qua, dự án Thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam. Dự án đang được triển khai với 40.000 ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng các loại rau ôn đới vào mùa hè. 

W-rauhuuco.png

Dự án Thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số được triển khai với 40.000 ha tại huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La, nơi có điều kiện khí hậu phù hợp để trồng các loại rau ôn đới vào mùa hè. 

Theo đó, người dân ứng dụng ghi chép điện tử để nhập thông tin sản xuất; in tem nhãn tại trang trại với thông tin sản phẩm, mã QR và mã vạch cho các nhà bán lẻ và người tiêu dùng.

Ngoài ra, với phần mềm mới có thể liên kết tất cả, người tiêu dùng chỉ cần quét mã QR sẽ được cung cấp thông tin về nông dân và cây trồng. Nhà bán lẻ chỉ cần quét mã QR sẽ có thông tin về VietGAP và sự tuân thủ, truy xuất nguồn gốc, nhiệt độ và độ ẩm trong quá trình vận chuyển. Nhật ký truy xuất việc tuân thủ VietGAP cho từng chuyến hàng cũng được hệ thống xây dựng báo cáo tuân thủ cho từng lô hàng được lưu trữ bằng điện toán đám mây.

Cũng tại huyện Mộc Châu, HTX rau an toàn Tự Nhiên- xã Đông Sang- cơ sở chuyên sản xuất rau trái vụ phục vụ chủ yếu thị trường Hà Nội và các thị trường bên ngoài. HTX Tự Nhiên cũng tham gia dự án thí điểm kiểm soát việc tuân thủ quy trình VietGAP và chất lượng bằng kỹ thuật số trong chuỗi giá trị rau Việt Nam. Theo đó, các thành viên nữ của HTX đã từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất rau với mã QR cùng nhật ký số để truy xuất nguồn gốc, đáp ứng tiêu chuẩn VietGAP và nhu cầu của thị trường. 

Việc triển khai các công cụ kỹ thuật số đã phần nào đáp ứng yêu cầu VietGAP và hữu cơ đã giúp HTX truyền thông hiệu quả thông tin đầu vào sản xuất, đáp ứng nghiêm ngặt các tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm. Người tiêu dùng tìm kiếm các sản phẩm được chứng nhận VietGAP có nhãn QR và dữ liệu truy xuất nguồn gốc, từ đó sẵn sàng chi trả cao cho các loại rau có nguồn gốc rõ ràng từ HTX.