Luật Đất đai là dự án Luật lớn, có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt trong đời sống chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo vệ môi trường của đất nước; có tác động sâu rộng đến các tầng lớp Nhân dân và cộng đồng doanh nghiệp; đồng thời cũng là dự án Luật rất khó và phức tạp.

Dự thảo đã được thảo luận, cho ý kiến tại 3 Kỳ họp Quốc hội, 2 Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách, 6 phiên họp chính thức của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và được chỉnh lý, tiếp thu ý kiến của các chuyên gia, nhà khoa học và trên 12 triệu lượt ý kiến của Nhân dân.

Tại kỳ họp Quốc hội hồi tháng 1 vừa qua, thảo luận tại hội trường về dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi). Sau khi được tiếp thu, chỉnh lý, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) trình Quốc hội tại Kỳ họp bất thường lần thứ 5 gồm 16 chương, 260 điều. Dự thảo đã bỏ 5 điều, sửa đổi, bổ sung tại 250 điều (cả về nội dung và kỹ thuật) so với dự thảo Luật trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 6.

W-minhhoa.png
Ảnh minh hoạ

Báo cáo giải trình trước phiên thảo luận, Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho hay tiếp thu ý kiến đại biểu Quốc hội và các cơ quan, dự thảo Luật quy định theo hướng kế thừa quy định của Luật Đất đai năm 2013, chỉ thu hồi đất để thực hiện dự án nhà ở thương mại, dự án hỗn hợp nhà ở và kinh doanh thương mại, dịch vụ khi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị”. Về thiết kế kỹ thuật chính sách, quy định tại dự thảo Luật làm rõ hơn tính chất của dự án khu đô thị thuộc trường hợp xem xét thu hồi là “dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội với nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng”.

Theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh, thiết kế kỹ thuật như trên tương tự và đồng nhất với cách thiết kế kỹ thuật tại các khoản khác của Điều 79. Điều 79 chỉ quy định về các trường hợp thu hồi đất thực hiện dự án để phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng. Khi thực hiện thu hồi đất đối với các trường hợp quy định tại Điều 79 sẽ phải đáp ứng các căn cứ, điều kiện quy định tại Điều 80 về “Căn cứ, điều kiện thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế-xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng”.

Đại biểu Tạ Văn Hạ, Đoàn Đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Nam cho rằng khoản 27 quy định “thực hiện dự án đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ” nhưng khi nói đến khu đô thị thì đã có hỗn hợp. Ông Hạ nhấn mạnh: “Chỉ có công trình có công năng sử dụng phục vụ hỗn hợp chứ không có khu đô thị. Khu đô thị gồm có đơn vị nhà ở, có đơn vị hạ tầng, có các đơn vị về thương mại, dịch vụ, có các đơn vị về giáo dục, y tế, xã hội, phúc lợi... Nói đến khu đô thị là đã có đầy đủ những hàm ý này.”

Theo đó, ông Hạ cho rằng quy định dự thảo là chưa đúng, phải có tiêu chuẩn, tiêu chí. “Có những khu đô thị hiện nay chủ yếu do chủ đầu tư trình duyệt; có những khu đô thị chỉ một vài hecta, có khu đô thị vài trăm hecta. Tôi đề nghị quy định theo hướng đô thị phải thay đổi hiện đại, nâng cao đời sống của những đô thị đó, đang khuyến khích,” ông Hạ nêu ý kiến.

Nhìn ở góc độ khác, đại biểu Hoàng Văn Cường, Đoàn Đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội đề nghị sửa khoản 27 Điều 79 cho phù hợp với quy định tại điểm a khoản 1 Điều 126 và yêu cầu của Nghị quyết 18.

 Cụ thể, điểm a khoản 1 Điều 126 quy định "Nhà nước giao đất có thu tiền sử dụng đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư sử dụng đất theo dự án được quy định tại khoản 27 Điều 79 của luật này mà được Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định giao đất, cho thuê đất thông qua đấu thầu, lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất" và cũng quy định Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quy định tiêu chí để quy định các dự án được lựa chọn theo hình thức đấu thầu cho phù hợp với tình hình của địa phương.

Ông Cường cho rằng quy định của điểm a khoản 1 Điều 126 là rất phù hợp với tinh thần của Nghị quyết 18 và cũng phù hợp với điều kiện của địa phương.

“Khoản 27 Điều 79 quy định chỉ có dự án thực hiện đầu tư xây dựng khu đô thị có công năng phục vụ hỗn hợp, đồng bộ hệ thống hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội, nhà ở theo quy định của pháp luật về xây dựng. Nếu thực hiện theo khoản 27, rất nhiều dự án xây dựng khu đô thị không thỏa mãn tiêu chí của khoản 27 thì cũng không được đấu thầu hay dự án sử dụng đất không phải đất ở thì không được phép thỏa thuận và cũng không được đấu thầu. Vậy thì dự án đấy sẽ đưa ra bằng cách nào?”, ông Cường đặt câu hỏi. Theo ông Cường, khi đó sẽ có một khoảng trống của pháp luật, có nhiều dự án sẽ không thể thực hiện được, không đấu thầu, không được thỏa thuận và cũng không phải giao trực tiếp.

 “Chính vì vậy tôi đề nghị sửa khoản 27 Điều 79 là 'các dự án sử dụng đất thuộc đối tượng phải đấu giá quyền sử dụng đất và đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư theo quy định của pháp luật',” ông Cường nói