Trao đổi với PV, đại diện Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp cho biết sau ngày 18/11, tức hạn cuối nhận tiền đặt trước đấu giá du thuyền FLC Albatross vẫn không có tổ chức, cá nhân nào đăng ký tham gia và cọc tiền.
Chiếc du thuyền được đấu giá ban đầu khoảng 35,7 tỷ đồng, hạ giá còn 34,6 tỷ đồng vẫn ế khách. Ảnh: Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp. |
Do đó, lần đấu giá thứ 2 du thuyền FLC Albatross được dự kiến diễn ra vào ngày mai (21/11) tiếp tục không thành và sẽ được tiếp tục đấu giá ở mức thấp hơn. Đại diện công ty đấu giá cho biết đơn vị đã thông báo kết quả cho Ngân hàng BIDV và chờ mức hạ giá mới từ nhà băng này.
Chiếc du thuyền FLC Albatross mang biển kiểm soát HN-2014 của Công ty Cổ phần Tập đoàn FLC được đóng mới ở Ba Lan năm 2017, sức chứa 12 người. Tài sản này đang thế chấp tại Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) chi nhánh Quy Nhơn, đã qua sử dụng, được đưa ra đấu giá để xử lý thu hồi nợ.
Du thuyền có chiều dài thiết kế 16,62 m; chiều dài lớn nhất 21,95 m; chiều rộng thiết kế 4,88 m; chiều rộng lớn nhất 5,25 m; chiều cao mạn 3,15 m; chiều chìm 1,15 m (mạn khô 2.000 m; vật liệu vỏ FRP).
Ban đầu, chiếc du thuyền này có mức giá khởi điểm 35,7 tỷ đồng. Do không có cá nhân, tổ chức đăng ký đấu giá, chiếc du thuyền này tiếp tục được rao bán lần 2 với mức giá khởi điểm mới thấp hơn là 34,6 tỷ đồng. Các tổ chức, cá nhân muốn tham gia đấu giá sẽ phải mua hồ sơ và nộp tiền đặt cọc khoảng 3,46 tỷ đồng. Song đến nay, tài sản này vẫn ế khách hỏi mua.
Chiếc du thuyền FLC Albatross. Ảnh: Công ty Đấu giá Hợp danh Minh Pháp. |
Trước đó, vào ngày 17/11, công ty đấu giá trên cũng không thể tổ chức phiên đấu giá thứ 3 xe Rolls-Royce Ghost của ông Trịnh Văn Quyết do không có người đăng ký tham gia. Hiện tại, đơn vị đấu giá tiếp tục rao bán xe Rolls-Royce Ghost nói trên lần thứ 4 với mức khởi điểm 9,1 tỷ đồng.
Tương tự, buổi đấu giá Rolls-Royce Phantom Lửa Thiêng của ông Trịnh Văn Quyết cách đây 5 ngày cũng thất bại do không có ai đến đặt cọc khoản tiền 5,605 tỷ đồng, tương ứng 20% giá khởi điểm của tài sản.
Theo báo cáo tài chính quý III mới công bố, lũy kế 9 tháng đầu năm, doanh thu thuần của FLC giảm 63%, đạt 2.090 tỷ đồng. Việc kinh doanh dưới giá vốn, lỗ nặng trong các công ty liên doanh liên kết và chi phí hoạt động cao khiến tập đoàn lỗ sau thuế hơn 1.891 tỷ đồng.
(Theo Zing)