Trong tự nhiên, tồn tại vô vàn những sinh vật với diện mạo "ma chê quỷ hờn" nhưng bên trong lại sở hữu những "tố chất" đáng quý. Những sinh vật chui rúc như loài chuột chũi trụi lông thường bị chê bai và bị đặt cho biệt danh là "thứ đến từ ác mộng" hay "thứ kinh khủng nhất một người từng thấy".
Sự thật là nhiều loài động vật xấu xí trong tự nhiên lại có những phẩm chất đáng kinh ngạc, xứng đáng được ghi nhận. Dưới đây là một vài ví dụ về những kẻ kỳ quặc xinh đẹp mà bạn nên thử một lần yêu thương và tôn trọng.
9. Chuột chũi trụi lông
Tên khoa học: Heterocephalus glaber
Nơi sinh sống: Từ hàng triệu năm qua, loài gặm nhấm nhỏ xinh này đã sống trong những hang hốc lớn dưới lòng đất, chủ yếu tìm thấy ở vùng trung tâm phía bắc châu Phi. Trong mỗi hang như vậy có thể có tối đa 300 cá thể cùng chung sống.
Lối sống: Chuột chũi trụi lông ăn rễ cây, các loại củ, và cả...phân nữa.
Tại sao nó lại đáng yêu: chuột chũi trụi lông là một trong số những sinh vật ấn tượng nhất trên hành tinh. Bên cạnh việc không già đi và miễn nhiễm với ung thư, chúng còn có thể sống đến 18 phút mà không cần oxy. Nếu hiểu được làm cách nào chuột chũi trụi lông có thể sống sót lâu đến vậy mà không cần oxy, chúng ta sẽ có thể phát triển được những công nghệ để giữ cho các nạn nhân bị đau tim hoặc đột quỵ sống được lâu hơn.
Nhìn có vẻ xấu xí, nhưng những chú chuột chũi trụi lông thực sự khá đáng yêu.
"Tôi hay nghe người ta nói rằng 'chúng thật ngớ ngẩn, chúng thật gớm ghiếc', nhưng bất kỳ ai thực sự thấy những chú chuột chũi này ngoài đời thực đều khẳng định chúng dễ thương và đáng yêu" - Thomas Park, giáo sư sinh vật học tại Đại học Illinois ở Chicago nói. "Điều bị hiểu lầm nhiều nhất là chúng ngu ngốc. Tôi hiểu được tại sao người ta nghĩ vậy, bởi chúng trông quá kỳ quặc, nhưng nếu bạn hiểu chúng, chúng thực ra rất nhã nhặn, chúng là những sinh vật thân thiện".
8. Hươu ma cà rồng
Tên khoa học: Elaphodus cephalophus
Nơi sinh sống: Loài hươu nhỏ giống ma cà rồng này sống tại Trung Quốc và Myanmar (Burma).
Lối sống: Hươu ma cà rồng là động vật ăn cỏ. Bữa ăn của chúng bao gồm trái cây, cỏ dại, tre, và thảo mộc - không phải thịt người đâu nhé!
Tại sao chúng lại đáng yêu: Dù có vẻ ngoài khát máu, hươu ma cà rồng trên thực tế lại là những sinh vật khá rụt rè. "Loài sinh vật này rất bí ẩn, chủ yếu hoạt động lúc rạng đông và chiều tà, và chúng thường di chuyển theo đúng một tuyến đường đã định" - Imogene Cancellare, một nhà bảo tồn sinh vật và nghiên cứu sinh tiến sỹ tại khoa Côn trùng học và Sinh thái học hoang dã thuộc Đại học Delaware nói. "Khi giật mình, loài hưu ma cà rồng sủa rất to để báo động". Nó giống như chó vậy, nhưng lại có răng nanh dài ngoằng!
7. Chuột chũi mũi sao
Tên khoa học: Condylura cristata
Nơi sinh sống: Chuột chũi mũi sao sống ở phía Đông Bắc nước Mỹ và Canada, chủ yếu gần các đầm lầy, các vùng đồng bằng ngập nước, hay các vùng nước khác.
Lối sống: Kenneth Catania, một nhà sinh vật học tại Đại học Vanderbilt, cho biết chúng chủ yếu ăn các động vật không xương sống nhỏ, ấu trùng côn trùng và giun đất. "Cái mũi chính là trung tâm của hệ thống cảm giác của nó. Đó là một cơ quan dùng để chạm có tính nhạy cảm cao... chức năng của nó gần như giống một con mắt vậy". Chiếc mũi, nếu bạn vẫn chưa biết nằm ở đâu, chính là bộ phận màu đỏ trông như bông hoa với các xúc tu xung quanh nằm ngay trên mặt chú chuột đấy!
Tại sao chúng lại đáng yêu: Dù khuôn mặt kỳ quái trông như một vết thương bung toe toét (ghê quá!), chuột chũi mũi sao có tốc độ cực nhanh. "Chúng là những kẻ sục sạo nhanh nhất thế giới. Chúng được đưa vào sách Kỷ lục Guinness với tư cách loài có vú sục sạo nhanh nhất". Theo thông tin từ cuốn sách này, thời gian trung bình để loài vật này xác định xem một loại đồ ăn có ăn được không, và "xực" nó, là 230 mili-giây. Con nhanh nhất chỉ tốn...120 mili-giây mà thôi.
6. Tatu tiên hồng
Tên khoa học: Chlamyphorus truncates
Nơi sinh sống: anh chàng nhỏ nhắn, ngọt ngào, rụt rè này là sống ở trung tâm Argentina, trên những đồng cỏ khô và những vùng đồng bằng trù phú.
Lối sống: Lối sống của chú tatu tiên hồng này vẫn là bí ẩn với nhiều người, bởi những nghiên cứu về nó là rất ít. "Chúng ta biết rằng chế độ ăn uống và thói quen của nó tương tự như những loài tatu sống về đêm khác. Được xếp vào loại thích ăn côn trùng nói chung, loài tatu dài 3-4.5 inch này thích sử dụng những móng vuốt lớn, giống chuột chũi, để đào cát tìm côn trùng, sâu, và giun." - Cancellare nói.
Tại sao chúng lại đáng yêu: Thực ra người ta chưa phát hiện ra lý do gì để yêu thương loài tatu tiên hồng này cả... chỉ có một sự thật đáng buồn mà thôi. Theo Cancellare, loài tatu tiên hồng trông như một "cục bông phủ sashimi" này cực kỳ phổ biến trên thị trường mua bán thú cưng bất hợp pháp. "Nó rất dễ chết khi bị nuôi nhốt và không phù hợp để làm thú cưng, giống như mọi loài động vật hoang dã khác" - cô nói. Dù IUCN không thực sự xem tatu tiên hồng là loài đang bị đe dọa - bởi "thiếu dữ liệu", nguyên nhân là do có rất ít nghiên cứu về loài vật này - nhưng tổ chức này lưu ý rằng tatu tiên hồng đang gặp nhiều nguy cơ vì bị mua bán trên chợ đen.
Có lẽ chỉ riêng việc nó là loài tatu nhỏ nhất hành tinh cũng đã là lý do để chúng ta thấy chúng đáng yêu rồi!
5. Axolotl
Tên khoa học: Ambystoma mexicanum
Nơi sinh sống: Axololt khác thường ở chỗ chúng chỉ tồn tại ở đúng một nơi trong tự nhiên: một cái hồ tên Xochimilco, ở phía Nam thành phố Mexico.
Lối sống: Theo Stephane Roy, một nhà sinh vật học tại Đại học Montreal, axololt sẽ ăn bất kỳ thứ gì di chuyển trước mặt nó, nhưng chủ yếu là những loài động vật giáp xác nhỏ và cá. "Chúng là kỳ nhông, do đó chúng đực xếp vào nhóm động vật lưỡng cư. Nhưng axololt ở dưới nước cả đời. Nó không biến đổi để sống được trên mặt đất" - Roy nói.
Tại sao chúng lại đáng yêu: nhìn chung, axololt khá..."phởn" - chúng không có phương thức nào cụ thể để phòng vệ bản thân, có lúc quá dễ dãi. "Về cơ bản nó là loài động vật không biết phòng bị. Cơ chế phòng vệ tốt nhất của nó là đứng im trong bùn và không di chuyển, với hi vọng nó sẽ không bị các loài ăn thịt thấy được".
Một lý do nghe khá...thảm hại, nhưng vẫn khá đáng yêu đấy chứ.
4. Aye-aye
Tên khoa học: Daubentonia madagascariensis
Nơi sinh sống: Aye-aye sống trên đảo Madagascar, nằm tại bờ biển phía Đông Mozambique.
Lối sống: Theo trung tâm Duke Lemur, aye-aye là một loài khá kén chọn về mặt ăn uống. "Thức ăn của loài này rất đặc biệt, bao gồm chủ yếu là phần ruột của quả hạch Ramy, mật hoa của cây cọ Traveller, một số loài nấm và ấu trùng sâu bọ. Loài vật này còn nổi tiếng với việc càn quét các đồn điền trồng dừa, ăn vải thiều và xoài - những thứ trồng trong các đồn điền". Một nghiên cứu khoa học gần đây cho thấy aye-aye, cũng như con người, thích những loại đồ uống hoa quả với cồn.
Tại sao chúng lại đáng yêu: "Aye-aye là loài linh trưởng duy nhất sử dụng định vị bằng tiếng vọng để tìm thức ăn. Để làm điều này, nó sử dụng cặp tai to và một thứ gọi là móng vuốt toilet. Còn được gọi là ngón tay chải chuốt, ngón tay thứ ba của con aye-aye mảnh khảnh hơn nhiều so với 4 ngón còn lại và được dùng như một công cụ đi săn. Aye-aye sử dụng ngón tay này để gõ vào cây để lắng nghe hoạt động của ấu trùng sâu bọ. Một khi nó đã nghe thấy gì đó, aye-aye sẽ sử dụng các móng vuốt còn lại để đào vào vỏ cây, sau đó lôi các nạn nhân ra bằng móng toilet dài" - Cancellare nói.
Dù móng vuốt toilet nghe không mấy dễ thương, nhưng nhìn chung con aye-aye khá đáng yêu đấy.
3. Cá giọt nước (cá Blobfish)
Tên khoa học: Psychrolutes marcidus
Nơi sinh sống: Chú cá khốn khổ này sống ngoài khơi Australia và Tasmania, ở độ sâu từ 330 đến 9.200 feet.
Lối sống: cá giọt nước khá ngu ngốc. Bữa ăn của nó chủ yếu bao gồm các loài nhuyễn thể, cua, và nhím biển - có lẽ còn có...nỗi buồn nữa. Thực ra cá giọt nước không thực sự đi săn, nó chỉ nằm ở đáy đại dương và mở mồm cho đến khi có thứ gì đó ngon lành bơi ngang qua.
Tại sao chúng lại đáng yêu: "Linh vật" cho cá giọt nước được tìm thấy vào năm 2003 bởi một đội gồm các nhà nghiên cứu đang nghiên cứu về vùng biển quanh New Zealand. Mẫu vật này được đội đặt tên là "Mrr Blobby". Đáng buồn là Mr Blobby nay đã chết và được lưu giữ trong bộ sưu tập cá của bảo tàng Úc ở Sydney.
"Quá trình nằm im một chỗ đã khiến da của Mr Blobby chặt lại và khiến miệng nó sập xuống. Nó nay đã 85 tuổi" - Mark McGrouther, quản lý cá tại viện bảo tàng cho biết. Nói công bằng thì, có lẽ việc phải ở và sinh tồn dưới đáy đại dương đã khiến anh bạn của chúng ta suốt ngay cau có như vậy.
2. Ếch mưa đen
Tên khoa học: Breviceps fuscus
Nơi sinh sống: chú ếch cau có này chỉ sống tại vùng núi ở Nam Phi.
Lối sống: Những chú ếch đào hang này dành hầu hết thời gian ở dưới lòng đất. Chúng ta vẫn chưa biết nhiều về món ăn yêu thích của chúng.
Tại sao chúng lại đáng yêu: Có một lý do chính đáng giải thích tại sao ếch mưa đen lại trông như một cục bướu giận dữ như vậy "Nhiều người biết về loài ếch mưa qua các video nổi như cồn trên Internet. Phồng lên là một tư thế phòng thủ hữu hiệu khi một kẻ săn mồi tìm cách kéo một con ếch ra khỏi hang. Những chú ếch nhỏ này là sản phẩm của hàng triệu năm sinh tồn trong một thế giới khắc nghiệt!" - Nicole F. Angeli, một nhà sinh học bảo tồn cho biết.
1. Chim Potoo
Tên khoa học: Nyctibius griseus
Nơi sinh sống: Những chú chim kinh dị này sống trong các khu rừng ở Trung và Nam Mỹ.
Lối sống: Potoo là loài chim sống về đêm, bạn có thể thấy điều đó qua đôi mắt to bự của chúng. "Mắt to giúp chú chim này tìm thấy các loài sâu bọ bay trong đêm" - Cancellare giải thích.
Tại sao chúng lại đáng yêu: Đôi lúc, Potoo thích giả vờ như nó là một cái cây. "Ban ngày, loài vật này hoàn toàn bất động, đậu thẳng như một bức tượng, nhắm mắt lại, và hòa vào các nhánh cây mà nó đang ẩn mình." - Cancellare nói.
Theo GenK