ASCC là một trong ba trụ cột của Cộng đồng ASEAN với 15 cơ quan chuyên ngành, phụ trách nhiều lĩnh vực liên quan trực tiếp đến người dân như: phúc lợi xã hội và phát triển, lao động – việc làm, phát triển nông thôn và xóa đói giảm nghèo, biến đổi khí hậu…

Thời gian qua, với nguyên tắc đặt người dân là trung tâm, phục vụ cho người dân, khẳng định vị trí quan trọng của mình trong tiến trình phát triển của từng quốc gia cũng như khu vực, ASCC đã chủ động và tích cực hợp tác với hai trụ cột chính trị – an ninh và kinh tế để giải quyết những thách thức đối với phát triển bền vững, hòa bình và thịnh vượng trong khu vực ASEAN.

Bộ trưởng Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Indonesia, ông Muhadjir Effendy, cho biết vấn đề lao động nhập cư được đề cập tại Hội nghị Cộng đồng Văn hóa-Xã hội ASEAN lần thứ 30 (ASCC-30) diễn ra ngày 29/8 sẽ được thảo luận tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 vào đầu tháng 9.

W-anhminhhoa-6.png
Ảnh minh hoạ

Hợp tác văn hoá xã hội vẫn luôn đóng vai trò quan trọng để ASEAN thúc đẩy phát triển toàn diện, đồng đều, bao trùm, bền vững, không để ai bị bỏ lại phía sau. Phát biểu họp báo ngày 29/8, ông Muhadjir cho hay ASCC-30 đã thảo luận các vấn đề thuộc trụ cột văn hóa-xã hội dự kiến được thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43, trong đó có các vấn đề liên quan đến điều dưỡng viên hoặc nhân viên chăm sóc.

Về phần mình, Tổng Thư ký ASEAN Kao Kim Hourn cho biết hội nghị đã thảo luận về định hướng chiến lược của ASCC trong việc thúc đẩy một ASEAN tự cường, bao trùm và bền vững. Đây cũng là nơi trao đổi quan điểm về việc hình thành một ASCC vững mạnh và bao trùm sau năm 2025.

Theo người đứng đầu Ban Thư ký ASEAN, ASCC-30 đánh giá cao sự lãnh đạo của Indonesia trên cương vị Chủ tịch ASEAN năm 2023 và Hội đồng ASCC, đồng thời khẳng định cam kết ủng hộ Lào đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN năm 2024.

Trong khi đó, Cố vấn đặc biệt của Bộ trưởng Điều phối Phát triển Con người và Văn hóa Indonesia Joko Kusnanto Anggoro cho rằng các tuyên bố và văn kiện liên quan đến các vấn đề văn hóa-xã hội tại ASEAN trong năm nay được đánh giá là rất thiết thực, như xóa đói giảm nghèo, giải quyết tình trạng suy dinh dưỡng, phát triển công bằng, các vấn đề về giới...

Ông Joko khẳng định Chủ tịch ASEAN Indonesia năm 2023 cũng nỗ lực đưa các vấn đề liên quan đến văn hóa và xã hội trở thành một trong những trụ cột quan trọng tiếp tục được triển khai trong các nhiệm kỳ Chủ tịch ASEAN tiếp theo.

Dưới sự chủ trì của Indonesia, trụ cột văn hóa-xã hội ASEAN có 5 trọng tâm chính, bao gồm trao quyền cho người khuyết tật, ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường khả năng thích ứng của gia đình, nâng cao chất lượng giáo dục mầm non và khả năng thích ứng bền vững trước các thảm họa thiên tai.

Các vấn đề ưu tiên của Năm Chủ tịch ASEAN Indonesia 2023 trên trụ cột văn hóa-xã hội sẽ được nêu trong một số văn kiện dự kiến được các nhà lãnh đạo ASEAN thông qua tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 43 diễn ra từ ngày 5-7/9 tới tại Jakarta.

Trước đó, tại Hội nghị Cấp cao ASEAN lần thứ 42 (Indonesia, tháng 5/2023), các Nhà lãnh đạo ASEAN đã thông qua Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về sáng kiến Một Sức khoẻ; Tuyên bố ASEAN về bảo vệ lao động di cư và thành viên gia đình trong tình huống khủng hoảng; Tuyên bố ASEAN về bố trí việc làm và bảo vệ lao động di cư làm việc trên tàu cá; Tuyên bố của các lãnh đạo ASEAN về thành lập Mạng lưới Làng xã ASEAN.

Văn Điệp và nhóm PV, BTV