Hỗ trợ phát triển chè Shan tuyết vùng cao Hà Giang

Chiều 8/11, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) tổ chức Hội thảo khởi động hoạt động hỗ trợ phát triển chè Shan tuyết vùng cao Hà Giang, theo Dự án HTKT 6776 - VIE – Nâng cao năng lực thể chế cho thực hiện Đề án tổng thể phát triển KT – XH vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021 – 2030. 

Tại hội thảo, chuyên gia phát triển ngành hàng chè của ADB giới thiệu dự kiến nội dung đề xuất hoạt động hỗ trợ kỹ thuật cho ngành chè Shan tuyết vùng cao Hà Giang, giai đoạn 2023 - 2024 gồm 5 nhóm nội dung: Xây dựng và phát triển chính sách; xây dựng cơ sở dữ liệu, thông tin cho ngành chè Shan vùng cao Hà Giang; thúc đẩy hoạt động phát triển sản phẩm chè Shan tuyết giá trị cao; hỗ trợ thành lập và nâng cao năng lực cho Hiệp hội Chè Shan vùng cao Hà Giang; tăng cường năng lực cạnh tranh cho doanh nghiệp sản xuất, chế biến chè Shan vùng cao Hà Giang.

Tham gia thảo luận, các đại biểu tập trung xác định những nội dung ưu tiên hỗ trợ. Đồng thời đề xuất hỗ trợ mở rộng diện tích vùng sản xuất chè Shan hữu cơ theo tiêu chuẩn châu Âu; mở rộng phạm vi hỗ trợ cho vùng chè Shan tuyết ở huyện phía Bắc của tỉnh; thống nhất các đối tượng được hưởng hỗ trợ; có cơ chế hỗ trợ cải tạo, bảo tồn những vườn chè cổ thụ, già cỗi; hỗ trợ đánh giá, nâng cao chất lượng các sản phẩm OCOP chè Shan và năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp chế biến chè; hỗ trợ doanh nghiệp, HTX thay đổi công nghệ, dây chuyền, thiết bị sản xuất, chế biến mới…

Phát biểu tại hội thảo, đại diện ADB và lãnh đạo Sở Nông nghiệp và PTNT nhấn mạnh, nội dung, chương trình hội thảo nhằm thảo luận, trao đổi, đề xuất các nội dung thực hiện hỗ trợ phát triển chè Shan tuyết vùng cao Hà Giang, đưa vào xây dựng kế hoạch chi tiết các hoạt động triển khai dự án trong giai đoạn 2023 – 2024 trên địa bàn tỉnh. Đồng thời đánh giá cao các ý kiến đóng góp của các đại biểu. Với các ý kiến đề xuất của lãnh đạo các huyện và ngành chức năng, Sở Nông nghiệp và PTNT cùng ADB sẽ tổng hợp, tiếp thu để xây dựng dự thảo kế hoạch triển khai các hoạt động của dự án phù hợp với nhu cầu, điều kiện thực tiễn địa phương.

Xây dựng chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang hoàn thiện

Hà Giang được biết đến là vùng sản xuất chè trọng điểm của cả nước với tổng diện tích lên đến hơn 20.300 ha, đứng thứ 3 sau tỉnh Lâm Đồng và Thái Nguyên. Trong đó, diện tích chè Shan tuyết lên đến hơn 18.600 ha, chiếm 90,28% diện tích chè toàn tỉnh; diện tích chè Shan tuyết cho thu hoạch đạt gần 14.000 ha, sản lượng trên 55.000 tấn. Đặc biệt, tại đây có trên 7.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi trở lên. Tiêu biểu như: Quần thể chè cổ thụ tại xã Cao Bồ (Vị Xuyên), xã Nậm Ty, Hồ Thầu (Hoàng Su Phì), xã Lũng Phìn (Đồng Văn)... 

shantuyet.png

Từ năm 2019-2022 Hà Giang đã thực hiện nghiên cứu bảo tồn, khai thác và phát triển cây chè Shan tuyết cổ thụ bền vững, gắn với phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm, du lịch văn hoá cộng đồng nhằm nâng cao giá trị, tạo thu nhập cho người sản xuất chè trên địa bàn tỉnh. Theo đó, tỉnh đẩy mạnh phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng; thu hút đầu tư khu du lịch sinh thái tại các vùng có diện tích chè Shan tuyết cổ thụ ở các địa phương tổ chức các tua, tuyến cho khách du lịch trải nghiệm như: Hà Giang-Hoàng Su Phì tại xã Thông Nguyên thăm vườn chè Shan tuyết cổ thụ, ruộng bậc thang; Hà Giang - Xín Mần thăm chè Shan tuyết cổ thụ, thác Tiên, đèo Gió; Hà Giang - Vị Xuyên thăm chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Cao Bồ, suối khoáng Quảng Ngần…

Năm 2022, Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam công nhận 1.324 cây Chè Di sản Việt Nam, lũy kế đến nay toàn tỉnh có 1.629 cây tại các huyện Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên, Hoàng Su Phì, Xín Mần và trở thành địa phương có số lượng Cây Di sản Việt Nam nhiều nhất trong cả nước. Điều này có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trong việc bảo tồn và phát triển giống chè quý hiếm, là tiền đề quan trọng để nâng cao giá trị kinh tế từ chè, thúc đẩy phát triển du lịch trải nghiệm vùng chè. Bởi những cây Di sản này đều mang giá trị cảnh quan, văn hóa, lịch sử độc đáo, gắn liền với đời sống của đồng bào các dân tộc sinh sống trên địa bàn.

Nhằm phát triển bền vững chè Shan tuyết, Hà Giang đã có các chính sách đặc thù xây dựng chuỗi giá trị chè Shan tuyết hữu cơ trên quan điểm: Lấy doanh nghiệp là chủ thể và các hộ nông dân tham gia vào chuỗi giá trị thông qua các chuỗi liên kết, tạo nên chu trình khép kín từ sản xuất đến chế biến, kinh doanh sản phẩm. Đây là điều kiện thuận lợi để chuỗi giá trị sản phẩm chè Shan tuyết Hà Giang hoàn thiện, phát triển, khẳng định tiềm năng, thế mạnh, thương hiệu chè Shan tuyết Hà Giang trên thị trường trong và ngoài nước.

Thùy Chi và nhóm PV, BTV