Thông qua việc hỗ trợ, người nghèo được tiếp cận và tham gia các loại hình chăn nuôi hiệu quả, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Thực hiện Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, từ nguồn vốn hơn 18 tỷ đồng trong 3 năm, huyện Thanh Bình (Đồng Tháp) đã triển khai thực hiện các dự án như: đa dạng hóa sinh kế, phát triển mô hình giảm nghèo; hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng... Các dự án mang giá trị thiết thực này góp phần giải quyết việc làm, nâng cao thu nhập cho các hộ thụ hưởng.
Thông qua việc hỗ trợ, người nghèo được tiếp cận và tham gia các loại hình chăn nuôi hiệu quả, tiếp thu kiến thức khoa học kỹ thuật cơ bản áp dụng vào thực tiễn sản xuất.
Điển hình như trường hợp ông Trần Văn Tẹo, ở ấp 1, xã Bình Tấn. Ông kể, vợ ông thường xuyên đau ốm, không đủ sức lao động. Bản thân ông làm phụ hồ, công việc rất bấp bênh. Gia cảnh đông người lại khó khăn, các con trong tuổi đến trường khiến cuộc sống đói nghèo cứ quanh quẩn.
Cách đây mấy năm, khi con trai út vốn làm công nhân tự do quyết tâm khởi nghiệp bằng nghề nuôi chồn hương giống, ông Tẹo lúc đó dù đã lớn tuổi vẫn quyết tâm đồng hành cùng con phấn đấu, tiếp thu kỹ thuật mới.
Gia đình ông được chính quyền địa phương giới thiệu cho vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội, vốn từ Dự án 2 Đa dạng hoá sinh kế, phát triển mô hình sản xuất (Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững) để đầu tư, mở rộng làm chuồng nuôi chồn giống.
Lúc mới chăn nuôi, do kinh nghiệm còn khiêm tốn, khó khăn, lúng túng còn nhiều, thu nhập gia đình chưa cải thiện mấy. Nhưng rồi nhờ chí thú làm ăn, ông và con trai chịu khó tìm tòi, học hỏi kỹ thuật nuôi, dần dần, năng suất tăng lên, thu nhập của gia đình ông Tẹo ổn định.
Công thức, thức ăn cho chồn hương không phức tạp, nhưng chăm sóc phải kỹ càng. Từ ba con chồn đầu tiên (2 con cái, 1 con đực), hai bố con ông Tẹo từ từ gây giống, nay khu chuồng trại của gia đình có hơn 40 con chồn hương, mỗi con có chuồng riêng, chưa kể số chồn con mới sinh sản.
Trung bình mỗi tháng, gia đình xuất bán được 1 đợt chồn con. Sau khi trừ chi phí, lợi nhuận gia đình thu được hơn 50 triệu đồng/năm. Mới đây, ông Tẹo đã tự nguyện xin trả lại sổ hộ cận nghèo. "Giờ gia đình làm ăn được, phát triển được, phải trả lại sổ hộ nghèo để nhường sự hỗ trợ nhân văn lại cho các hộ khó khăn", ông Tẹo nói.
Không chỉ tự nguyện thoát cận nghèo, mô hình sinh kế của ông Tẹo còn hỗ trợ nhiều hộ dân trong xóm phát triển kinh tế, chủ yếu là phân phối con giống và hợp tác thu mua lại, nhân rộng mô hình, liên kết giá trị.
Đánh giá cao tinh thần, ý chí vươn lên của hộ cận nghèo Trần Văn Tẹo, lãnh đạo UBND xã Bình Tấn cho biết thực hiện Chương trình việc làm và giảm nghèo, xã Bình Tấn đã tích cực tham mưu thực hiện các chính sách, dự án, tiểu dự án, xem đây là nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt.
Đối với Dự án 2 thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, toàn xã có 19 hộ tham gia thực hiện với tổng kinh phí giải ngân là 778 triệu đồng. Qua tiếp cận nguồn vốn, các hộ đã tiếp tục đầu tư cơ sở vật chất, con giống, mua thêm hàng hóa để mua bán, chăn nuôi, sản xuất.
Đến cuối năm 2024, xã chỉ còn 14 hộ nghèo, 30 hộ cận nghèo. Công tác giảm nghèo được quan tâm thực hiện tốt thông qua việc hỗ trợ vay vốn, sinh kế, động viên tinh thần các hộ vươn lên. Xã cũng được huyện đánh giá đã thực hiện tốt việc đưa chính sách giảm nghèo đến thực chất với đời sống bà con. Các dự án, mô hình giảm nghèo, những sự hỗ trợ từ Chương trình MTQG của xã triển khai không chỉ giúp người nghèo cải thiện thu nhập một cách bền vững để tự tin làm chủ cuộc đời, mà còn tạo ra sự chuyển biến mạnh mẽ trong nhận thức người dân.
Trên toàn huyện Thanh Bình, đầu năm 2024, huyện còn 565 hộ nghèo (1,46%) và 712 hộ cận nghèo (1,84%). Đến nay, số hộ nghèo giảm chỉ còn 490 hộ (chiếm 1,29%); hộ cận nghèo giảm còn 627 hộ (chiếm 1,65%).
Ngoài tạo điều kiện cho hộ nghèo tiếp cận các nguồn vốn từ các chương trình, dự án, UBND huyện quan tâm đến việc đào tạo nghề, tạo việc làm cho các lao động nông thôn, cũng như đưa lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Mỗi năm, huyện phấn đấu có khoảng 3.100 lao động có việc làm mới, trong đó có 193 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài theo hợp đồng. Về hỗ trợ nhà ở, thời gian qua, huyện hỗ trợ xây mới, sửa chữa cho gần 900 căn nhà từ nhiều nguồn kinh phí vận động được trên 32 tỷ đồng.