Một trong những vấn đề làm nóng diễn đàn của Hội thảo “Vai trò của Hán Nôm trong văn hóa đương đại” là cuộc tranh luận có nên hay không đưa tiếng Tiếng Hán vào dạy trong trường phố thông ở nước ta.

Ý kiến của phần đông những nhà nghiên cứu tham gia hội thảo đều thiên về hướng đề xuất để chữ Hán xuất hiện trở lại trong chương trình học sau quãng thời gian dài vắng bóng. Vậy liệu những luận điểm đưa ra đã thực sự thuyết phục chưa?

{keywords}
Ảnh Đinh Quang Tuấn

Thiếu chữ Hán làm nước ta nghèo nàn, lạc hậu?

Thực ra đây không phải là một vấn đề mới vì cách đây hơn 20 năm, đã có những đề xuất đầu tiên về việc này. Tiêu biểu là bài viết của nhà ngôn ngữ học Cao Xuân Hạo trên tạp chí Kiến thức ngày nay năm 1994. Kế sau đó, hàng loạt bài viết khác của các tác giả như Nguyễn Đình Chú, Nguyễn Cảnh Toàn, Lê Văn Quán v.v… cũng đã tán thành với quan điểm mà Cao Xuân Hạo nêu ra: cần phải đưa chữ Hán vào dạy và học trong trường phố thông.

Đến hôm nay, sau hơn 20 năm án binh bất động, vấn đề này một lần nữa được khơi lại. Để chứng minh cho tính cấp thiết của việc học chữ Hán đối với học sinh phổ thông, nhiều nhà khoa học trong hội thảo đã đưa ra những lí lẽ của riêng mình.

Một trong những lí lẽ đầu tiên là việc từ bỏ hoàn toàn chữ Hán đưa tới một hệ luỵ là thế hệ sau ít hiểu biết về quá khứ dân tộc. Quả đúng là việc không nắm được chữ Hán khiến cho thế hệ ngày nay có thể có ít cơ hội hơn để hiểu biết về lịch sử dân tộc.

Nhưng xét cho cùng, chữ Hán cũng chỉ là một công cụ để cho ta tìm hiểu về quá khứ dân tộc này. Không biết chữ Hán dứt khoát không thể đồng nghĩa với việc khiến cho kiến thức về văn hoá lịch sử dân tộc bị kém đi. Trong xã hội học tập hiện đại, ta có rất nhiều những phương tiện khác nhau để tìm hiểu về quá khứ dân tộc, chứ đâu nhất nhất cần phải biết chữ Hán. Vấn đề là ở chỗ chúng ta tổ chức học tập các môn khoa học xã hội như thế nào cho hiệu quả.

Sẽ là một ảo tưởng lớn khi cho rằng học sinh học chữ Hán trong trường phổ thông để đọc được và hiểu trực tiếp các văn bản mà cha ông đã viết ra hàng trăm, thậm chí hàng nghìn năm trước. Chẳng nói đâu xa, xin cứ hỏi ngay nhiều sinh viên học Khoa học xã hội và Nhân văn đã ra trường, những người đã từng phải kinh qua hàng trăm tiết của môn chữ Hán và chữ Nôm, xem họ còn giữ được bao nhiêu chữ trong đầu, xem họ có đọc nổi câu đối trong các đình đền miếu mạo hay không.

Lại có luận điểm cho rằng không biết chữ Hán khiến cho giới trẻ bị người nước ngoài “chê” là “vong bản”, “mù chữ” ngay trên quê hương của mình vì chẳng ai đọc nổi và hiểu nổi những gì mà ông cha ta đã viết.

Về luận điểm này, chỉ xin mượn lại ý kiến của nhà ngôn ngữ học Lê Xuân Thại trong Hội thảo Ngôn ngữ học toàn quốc năm 2009 khi ông phản bác lại “những người nước ngoài nào đó” rằng “Thứ chữ này (chữ Hán) không phải là chữ của Việt Nam mà là chữ Hán trước đây cha ông chúng tôi dùng, bây giờ chữ của Việt Nam là chữ quốc ngữ. Cho nên thứ chữ này bây giờ ít người đọc được là chuyện bình thường”.

Một lí do hấp dẫn khác cũng được nêu ra: “Từ bỏ chữ Hán cũng là lý do khiến thanh niên Việt Nam đơn giản nhất, học hành hời hợt nhất, các nhà khoa học xã hội của Việt Nam cũng kém nhất so với học giả các nước và nước ta nghèo nhất, lạc hậu nhất so với Nhật, Hàn hay Trung Quốc”.

Ở đây, rõ ràng không có bằng cứ gì để khẳng định như vậy.  Đối với các nhà khoa học xã hội thì việc không biết chữ Hán cũng quyết không phải là nguyên nhân làm cho chúng ta trở nên “kém nhất”. Nếu cái sự “kém nhất” đó là đúng thì nó hẳn phải bắt nguồn từ nhiều nguyên do khác nhau, trong đó việc đào tạo về kĩ năng nghiên cứu, về ngoại ngữ, về kiến thức chuyên môn sâu, về bản lĩnh nghiên cứu… phải là những căn nguyên quan trọng nhất.

{keywords}

Ảnh Đinh Quang Tuấn

Về cái sự lạc hậu của Việt Nam so với các xã hội Nhật, Hàn hay Trung thì tôi cũng chưa tài nào hình dung được rằng chữ Hán lại sắm vai trò là một tác nhân quan trọng.

Thực ra, Cao Xuân Hạo đã nhắc đến luận điểm này khi ông nhấn mạnh lại ý kiến của nhà Hán học người Pháp Léon Vandermeersch cho rằng những con rồng châu Á như Nhật Bản, Hàn Quốc hay Singapore sở dĩ lớn mạnh được là do dùng chữ Hán. Nhưng đây thực tế cũng chỉ là một nhận định chủ quan, phiến diện của một vài học giả chứ chưa ai có thể chứng minh được một cách nghiêm túc và khoa học về mối liên hệ giữa sự phát triển hay lạc hậu của một đất nước với việc dùng hay bỏ chữ Hán cả.

Còn việc các nước như Nhật Bản vẫn đưa chữ Hán vào học là chuyện đương nhiên không phải bàn cãi vì người Nhật vẫn sử dụng Hán tự (Kanji) với tư cách là một trong ba loại văn tự để ghi chép tiếng Nhật hiện đại.

Dạy chữ Hán có giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt?

Điều không thể phủ nhận trong vốn từ vựng tiếng Việt đương đại, có rất nhiều từ ngữ gốc Hán. Trong giao tiếp hàng ngày, chúng ta sử dụng rất nhiều các từ Hán – Việt. Và cũng có một thực tế là một số từ ngữ đang bị sử dụng “sai”.

Sở dĩ tôi đặt từ “sai” trong ngoặc kép là vì cái “sai” ở đây là đứng trên góc độ của một người nghiên cứu ngôn ngữ hay Hán Nôm.

Tôi cho rằng chẳng có câu chuyện gì khủng khiếp trong việc sử dụng tiếng Việt hiện nay cả. Nếu "cứu cánh" được dùng như "cứu giúp", nếu “bao biện” không còn nghĩa là “làm thay” nữa thì đó cũng là sự phát triển về ngữ nghĩa rất bình thường của tiếng Việt.

Nên nhớ đây là tiếng Việt trong bối cảnh cộng đồng ngôn ngữ Việt, chứ không phải tiếng Hán hay chữ Hán. Khi người ta cất lên lời hát rằng “nhưng lòng quyết tâm còn cao hơn núi” thì mấy ai săm soi rằng đã có “tâm” rồi thì cần gì phải “lòng” nữa. Mà xin nói ngay rằng, tác giả của lời hát nổi tiếng trên trong bài “Hò kéo pháo” là nhạc sĩ Hoàng Vân, một người khá am tường về Hán tự. Liệu có ai nói ông “sai” trong trường hợp này không?

Thực chất, đối với những người bình thường sử dụng ngôn ngữ, thứ cốt yếu nhất không phải là cần phải hiểu cặn kẽ từ này, yếu tố này nọ mang nghĩa gốc gì cả. Đối với họ, ngôn ngữ là một công cụ giúp cho họ giao tiếp, tương tác với nhau. Trong giao tiếp thường nhật, điều quan trọng nhất là sự “hiểu nhau” giữa những người tham gia. Những thứ gì “sai” sớm muộn sẽ bị áp lực số đông đào thải và biến mất khỏi đời sống ngôn ngữ.

{keywords}

Ảnh Đinh Quang Tuấn

Với tôi, việc một cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ra sao còn quan trọng hơn rất nhiều so với việc các nhà nghiên cứu nhìn nhận và áp đặt nó như thế nào. Miễn là cộng đồng ngôn ngữ đó chấp nhận thì những từ ngữ kia sẽ dần trở thành chuẩn mực, bất kể gốc gác nghĩa của nó có thế nào đi chăng nữa.

Do đó, vấn đề là không phải cứ biết chữ Hán là mới biết cách dùng đúng tiếng Việt. Ngược lại, biết chữ Hán thì nguy cơ dùng “sai” tiếng Việt nhiều hơn.

Học sinh cần học gì?

Nói thế không có nghĩa là tôi phủ định vai trò của chữ Hán và tiếng Hán. Với số lượng chiếm tới quá nửa vốn từ vựng tiếng Việt, các từ ngữ có nguồn gốc từ tiếng Hán có một vị trí đặc biệt quan trọng đối với tiếng Việt, kể cả trong lịch sử lẫn đương đại. Thế nhưng, cần phải tách biệt rõ vị trí của kiểu loại từ này với việc có dạy chữ Hán cho học sinh hay không.

Ở trường phổ thông hiện nay, trong bộ môn Ngữ văn, không phải người ta không quan tâm đến các yếu tố gốc Hán này. Học sinh vẫn được học về ngữ nghĩa từ Hán Việt, về các yếu tố Hán Việt và việc mở rộng vốn từ Hán Việt. Học sinh được học “bất” có nghĩa là “không” trong cụm từ “bất lịch sự” hay “bất tài”. Theo tôi, như thế đã là đủ với bậc học phổ thông, chứ không nhất thiết phải biết từ “bất” có hình thù ra làm sao.

Trong xu thế giảm tải chương trình học phổ thông hiện nay thì việc bắt học sinh phải cõng thêm một môn chữ Hán nữa là không cần thiết. Nếu muốn học sinh giao tiếp và viết lách tốt hơn, nếu muốn học sinh hiểu biết nhiều hơn về lịch sử, về quá khứ thì việc thiết kế các bộ môn khoa học xã hội trong trường phổ thông cần phải thay đổi tận gốc theo hướng tinh giản, hiện đại, và thiết thực.

Cụ thể, trong môn Ngữ văn, muốn học sinh nói và viết chuẩn hơn thì cần tăng cường kĩ năng thuyết trình trước đám đông, loại bỏ các bài văn mẫu, khuyến khích học sinh viết luận một cách sáng tạo, tạo cho học sinh thói quen đọc sách hàng ngày…

Hào Hiệp (Australia)