Khi người dân là chủ thể hướng tới
Việc thành lập và đưa vào hoạt động các Tổ công nghệ số cộng đồng để hỗ trợ người dân địa phương tham gia chuyển đổi số đã được huyện miền núi Định Hóa, (tỉnh Thái Nguyên) triển khai từ tháng 4/2022. Toàn huyện hiện có 228 tổ với hơn 1.500 thành viên, trong đó nòng cốt là các Đoàn viên, thanh niên và hội viên Hội Phụ nữ.
Theo chia sẻ của bà Hoàng Thị Ngà, Trưởng Phòng Văn hóa - Thể thao huyện Định Hóa, sau khi được tập huấn nghiệp vụ, các Tổ công nghệ số cộng đồng trên địa bàn huyện đã có nhiều buổi hướng dẫn cài đặt và hướng dẫn dùng các dịch vụ, nền tảng số thiết yếu. Với những hộ dân chưa đến nhà văn hóa xóm để được hướng dẫn, các Tổ đều phân công thành viên trực tiếp đến từng nhà để tuyên truyền, hỗ trợ người dân.
Hoạt động của các Tổ công nghệ số cộng đồng tại Định Hóa đã đạt kết quả tích cực ban đầu, thể hiện qua tỷ lệ người dân dùng dịch vụ công trực tuyến tăng. Cụ thể, số người dân trong huyện có smartphone đã cài ứng dụng công dân số C-Thái Nguyên đạt hơn 4.000 người; 28.000 người cài app bảo hiểm xã hội VssID và 17.000 người cài app định danh điện tử VNeID…
Cùng với 8 huyện, thành phố khác của Thái Nguyên và các tỉnh, thành trên toàn quốc, trong các tháng 10 và 11/2022, theo định hướng của Bộ Thông tin và Truyền thông, các Tổ công nghệ số cộng đồng tại Định Hóa đã tập trung “đi từng ngõ, gõ từng nhà” để hướng dẫn từng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, tạo lập tài khoản thanh toán trực tuyến, biết cách mua sắm online và có kỹ năng đảm bảo an toàn thông tin mạng mức cơ bản.
Qua hơn 8 tháng kể từ thời điểm Bộ Thông tin và Truyền thông có hướng dẫn các địa phương triển khai mô hình Tổ công nghệ số cộng đồng, mô hình này được ghi nhận là đã phát huy hiệu quả. Đến nay, toàn bộ 63 tỉnh, thành phố đều đã thành lập các Tổ công nghệ số cộng đồng, trong đó 46 địa phương hoàn thành việc lập 100% Tổ công nghệ số cộng đồng đến cấp xã, với phương châm người dân phải là chủ thể hướng tới.
Còn nhiều việc phải làm
Đến nay, các Tổ công nghệ số cộng đồng đã và đang đóng vai trò then chốt trong việc hướng dẫn, làm mẫu để giúp đưa người dân lên không gian số, sử dụng các dịch vụ số và nền tảng số. Đại diện Ban chỉ đạo Chuyển đổi số tỉnh Lạng Sơn nhận định: “1.680 Tổ công nghệ số cộng đồng với 7.856 thành viên đã là cánh tay nối dài của Ban Chỉ đạo về chuyển đổi số các cấp, đóng vai trò then chốt đưa công nghệ số, kỹ năng số đến với người dân”.
Đặc biệt, sáng kiến phát triển Tổ công nghệ số cộng đồng để phát triển công dân số cũng đã được Việt Nam chia sẻ với các tổ chức quốc tế tại Hội thảo “Phổ cập hiểu biết số: Tăng cường kỹ năng số cho cộng đồng” hồi tháng 10/2022. Đại diện Bộ Thông tin và Truyền thông khẳng định, sứ mệnh của Tổ công nghệ số cộng đồng là đưa công nghệ số vào mọi ngóc ngách của cuộc sống. Tuy nhiên, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng nhận thấy việc hoạt động của các Tổ này tại một số địa phương còn mang tính hình thức.
Do vậy, nhằm thúc đẩy triển khai hiệu quả mô hình này, Bộ Thông tin và Truyền thông (trực tiếp là Cục Tin học hóa - nay là Cục Chuyển đổi số quốc gia) đã tích cực phối hợp chặt chẽ với các địa phương có những hướng dẫn, định hướng cụ thể cho các Tổ công nghệ số cộng đồng. Không những thế, trên nền tảng học trực tuyến OneTouch, tài liệu biên soạn cho Tổ công nghệ số cộng đồng đã được xây dựng đầy đủ các định dạng từ slide, bài giảng, áp phích, tệp âm thanh tuyên truyền, dễ dàng truy cập, xem, tải về và chia sẻ từ 1 đường link duy nhất.
Từ tháng 9/2022, qua 2 hình thức trực tiếp và trực tuyến, hơn 255.500 thành viên Tổ công nghệ số cộng đồng đã được bồi dưỡng, tập huấn, giúp họ có đủ kiến thức, kỹ năng cần thiết để tuyên truyền vận động người dân lên môi trường số, trở thành công dân số. Dẫu vậy, đến nay trải nghiệm của người dùng trên Internet vẫn chủ yếu tập trung ở những thành phố lớn, các đô thị. Do đó, các Tổ công nghệ số cộng đồng thời gian tới còn rất nhiều việc phải làm.
Bộ Thông tin và Truyền thông xác định, trong thời gian tới sẽ tiếp tục tập trung hướng dẫn, hỗ trợ, đôn đốc triển khai hiệu quả hoạt động của Tổ công nghệ số cộng đồng tại các địa phương, nhất là các khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa để phổ cập kỹ năng số, hướng dẫn người dân tham gia các nền tảng số Việt Nam.
Minh Tú