Theo Thời báo Hoàn cầu, ngày 29/3, một khách hàng tên Du đã tới cửa hàng KFC ở Tô Châu dùng bữa và gọi một cốc nước đá. Tuy nhiên, ngay khi nhấp ngụm đầu tiên, cô Du đã cảm thấy như mùi của thuốc khử trùng. Nghĩ rằng điều đó là không thể, cô uống tiếp ngụm thứ hai và lập tức cảm thấy nóng ran từ cổ họng xuống.

Nhân viên của cửa hàng đã thừa nhận đưa nhầm cho khách cốc nước đá bị nhiễm chất khử trùng.

{keywords}
KFC "dính phốt" tại Trung Quốc, bị cư dân mạng "ném đá" (Ảnh: GT).

Ngay chiều hôm đó, Du cảm thấy khó chịu ở cổ họng, dạ dày và được một bệnh viện địa phương chuẩn đoán là viêm dạ dày cấp tính, co thắt dạ dày.

Mặc dù cửa hàng KFC này đã chi trả 1.500 Nhân dân tệ tiền viện phí của cô Du, khách hàng này vẫn cho rằng, KFC cần phải bồi thường tiền lương bị mất và chi phí bồi bổ sức khỏe trong thời gian cô nghỉ ốm.

Tuy nhiên, cửa hàng chỉ đồng ý bồi thường thêm 1.000 Nhân dân tệ (tương đương 3,5 triệu đồng) và yêu cầu cô Du ký thỏa thuận không phát tán thông tin về sự việc này.

Tức giận với cách xử lý trên, cô Du đã thông tin sự việc cho đài truyền hình Giang Tô.

Trải qua một cuộc điều tra và thương lượng từ cơ quan giám sát thị trường địa phương, cửa hàng KFC trên cuối cùng cũng đồng ý bồi thường cho cô Du 15.000 Nhân dân tệ (tương đương 53 triệu đồng) ngoài chi phí điều trị đã trả.

Tuy nhiên, cộng đồng mạng xã hội Trung Quốc Sina Weibo cho rằng, mức bồi thường này không thỏa đáng. "15.000 Nhân dân tệ để làm gì? Cơn đau sẽ kéo dài suốt đời nếu dạ dày của cô ấy bị tổn thương. Cửa hàng KFC đang bắt nạt một cô gái", một cư dân mạng bình luận.

Theo Thời báo Hoàn cầu, đây không phải là lần đầu tiên một chuỗi cửa hàng ăn nhanh tại Trung Quốc đối mặt với phản ứng dữ dội từ phía công chúng về vấn đề an toàn thực phẩm.

Tháng 7/2013, Đài truyền hình Trung ương Trung Quốc (CCTV) đã phát sóng một báo cáo cho thấy, tổng lượng vi khuẩn trong đá viên tại chuỗi cửa hàng KFC ở Bắc Kinh cũng như các chuỗi cửa hàng ăn nhanh của các thương hiệu khác như McDonald's và chuỗi của hàng thức ăn nhanh Trung Quốc Kung Fu, cao hơn nhiều so với mức cho phép.

Tháng 7/2014, nhà cung cấp nguyên liệu thực phẩm cho các nhãn hiệu đồ ăn nhanh ở Thượng Hải cũng bị Đài truyền hình Thượng Hải phanh phui đã đóng gói lại và sử dụng các sản phẩm thịt hết hạn 8 tháng trước đó.

(Theo Global Times/ Dân Trí)