Tuy nhiên, chỉ trong vòng 6 tháng, Pharmacity đã lỗ ròng gần 200 tỷ đồng, chuỗi nhà thuốc Long Châu và An Khang cũng đang thua lỗ.
Theo IBM, quy mô thị trường dược phẩm Việt Nam có tốc độ tăng trưởng kép lên tới 11%/năm. Hãng dự báo quy mô thị trường năm 2021 sẽ đạt 7,7 tỷ USD và tiếp tục tăng lên 16,1 tỷ USD trong 5 năm tiếp theo. Cùng với tác động của dịch Covid-19, dược phẩm càng trở nên hấp dẫn nhưng thực tế "miếng bánh" này không hề dễ ăn.
Pharmacity lỗ gần 200 tỷ đồng
Chuỗi Pharmacity của Công ty CP Dược phẩm Pharmacity đang là chuỗi nhà thuốc có nhiều cửa hàng nhất trên thị trường. Có mặt vào cuối năm 2011, hiện Pharmacity có tổng cộng 477 nhà thuốc, nhiều gấp 2,8 lần so với doanh nghiệp giữ vị trí thứ hai.
Nửa đầu năm, Pharmacity đã lỗ ròng gần 200 tỷ đồng. Ảnh: Hồng Phúc. |
Từ đầu năm đến nay, khi nhu cầu dược phẩm, chăm sóc sức khỏe có xu hướng tăng, Pharmacity đã nhanh chóng mở rộng thần tốc. Tại TP.HCM, nhiều khu vực tập trung đông dân cư như quận Bình Thạnh, Phú Nhuận, nhiều nhà thuốc Pharmacity liên tiếp mọc lên, thậm chí chỉ cách nhau 200-300 mét.
Chỉ trong tháng 10, Pharmacity đã mở mới hơn 30 nhà thuốc trên toàn quốc, tức trung bình mỗi ngày có 1 cửa hàng mới. Mục tiêu ngắn hạn của "ông lớn" này là đến cuối năm nay sẽ cán mốc 600 nhà thuốc.
CEO Pharmacity - ông Chris Blank, đặt mục tiêu đến hết năm 2021, Pharmacity chính thức cán mốc 1.000 nhà thuốc và cho doanh thu kỳ vọng 3.000 tỷ đồng. Khoản đầu tư 31,8 triệu USD, tương đương 730 tỷ đồng được Pharmacity gọi vốn thành công và công bố đầu năm nay sẽ được đổ vào cho tham vọng này.
Tuy nhiên, báo cáo tóm tắt kết quả kinh doanh 6 tháng đầu năm do Pharmacity công bố mới đây cho thấy, hệ quả của việc tăng tốc mở rộng là doanh nghiệp đang gánh khoản lỗ trăm tỷ.
Cụ thể, nửa đầu năm, Pharmacity lỗ ròng đến 194 tỷ đồng, trong khi khoản lỗ cùng kỳ năm ngoái là 122 tỷ. Đáng chú ý, năm 2019, Pharmacity cũng đã lỗ ròng 265 tỷ đồng dù doanh nghiệp chưa tăng tốc mở chuỗi.
Kết thúc quý II/2020, vốn chủ sở hữu của Pharmacity tăng gấp 4 lần cùng kỳ, đạt 408 tỷ đồng nhưng tỷ suất lợi nhuận sau thuế/vốn chủ sở hữu giảm từ 1,2 xuống còn 0,48.
Chuỗi Long Châu, An Khang kinh doanh ra sao?
Sau Pharmacity, Long Châu thuộc sở hữu của Công ty CP Bán lẻ Kỹ thuật số FPT (FPT Retail) là chuỗi nhà thuốc đang giữ vị trí thứ hai về số lượng điểm bán. Cũng xác định dịch Covid-19 là thời điểm và cơ hội để tăng tốc, từ giữa tháng 5, Long Châu khai trương nhiều điểm bán mới, chính thức cán mốc 100 nhà thuốc, đến nay đã tăng lên 172 cửa hàng.
Tại Đại hội đồng cổ đông thường niên, Ban lãnh đạo FPT Retail đặt mục tiêu cuối năm nay, chuỗi Long Châu có 220 nhà thuốc. Với tốc độ mở rộng vài tháng qua, dường như Long Châu sẽ dễ dàng cán đích và hướng đến những tham vọng lớn hơn.
FPT Retail kỳ vọng 3-4 năm tới sẽ chiếm khoảng 30% thị phần kênh bán lẻ dược phẩm qua nhà thuốc, dược sẽ góp khoảng 40% tổng doanh thu của công ty, tương đương 5.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, tương tự Pharmacity, chuỗi Long Châu cũng đang lỗ nặng. Báo cáo tài chính hợp nhất nửa đầu năm 2020 của FPT Retail tiết lộ lợi nhuận sau thuế 6 tháng đầu năm giảm 90%, còn gần 16 tỷ đồng. Giải thích về kết quả trên, Ban lãnh đạo cho rằng ngoài mảng điện thoại bị ảnh hưởng do dịch Covid-19 thì chuỗi Long Châu đang trong giai đoạn đầu tư mở rộng dẫn đến chi phí tăng. Theo tiết lộ, chi phí mở 1 nhà thuốc Long Châu từ 0,4-1 tỷ đồng.
Một "ông lớn" khác trong ngành bán lẻ cũng nhòm ngó thị trường dược phẩm những năm qua là Thế Giới Di Động (TGDĐ). Thâu tóm nhà thuốc Phúc An Khang hồi cuối năm 2017, sau hơn 2 năm bất động, TGDĐ cũng vừa tuyên bố sẵn sàng tấn công dược phẩm.
Cụ thể, TGDĐ sẽ tận dụng lợi thế mặt bằng Bách Hóa Xanh mô hình lớn, dùng 20-30 m2 cho nhà thuốc An Khang. Đến nay đã có 6 cửa hàng "mẹ bồng con" này. TGDĐ dự tính sẽ tiếp tục phát triển mô hình trong thời gian tới để nhân rộng chuỗi nhà thuốc An Khang.
Chưa biết kết quả mảng dược của TGDĐ trong tương lai sẽ ra sao nhưng báo cáo tài chính hợp nhất quý II/2020 của TGDĐ, đã tiết lộ lũy kế đến hết tháng 6/2020, tổng lỗ của chuỗi nhà thuốc An Khang là hơn 8 tỷ đồng và nhiều khả năng sẽ tiếp tục "đốt" khoản đầu tư 62 tỷ TGDĐ đã rót.
Theo dự báo của Chứng khoán Bản Việt (VCSC), các ông lớn bán lẻ gia tăng tốc độ mở rộng chuỗi nhà thuốc sẽ khiến lỗ trong 2 năm tới tăng cao do chi phí ban đầu như logistics, đào tạo và đầu tư vào công nghệ thông tin. Tuy nhiên, về dài hạn, các khoản lỗ sẽ dần được cắt giảm và hỗ trợ tăng trưởng trong tương lai.
(Theo Dân Việt)