Đức Tuấn trả lời khi bị trong nghề nói ngông, chảnh: 

Phú Quang rất bảo thủ

- Kiểu làm dự án “tác giả - tác phẩm” không lạ gì với Đức Tuấn, nhưng so Phú Quang với những nhạc sĩ trước như Phạm Duy, Văn Cao, Trịnh Công Sơn… dường như không liên quan lắm?

Tôi hát nhạc Văn Cao, Phạm Duy từ năm cấp 1. Còn nhạc Phú Quang, tôi bắt đầu mê vào khoảng năm 1998, khi còn là một học sinh cấp 3 và trào lưu Làn sóng xanh đang thịnh hành. Tôi vẫn nhớ chính xác CD đưa nhạc Việt trở về thời hưng thịnh là cặp đĩa gồm những ca khúc về Hà Nội. Phú Quang cũng nhanh chóng tiếp cận ra mắt loạt bài về Hà Nội. Tôi mê lắm nhưng chỉ hát chơi rồi thôi vì còn đang đi học mà.

Đầu năm 2017, chú Phú Quang vào TP HCM chỉ đạo nghệ thuật cho show nhạc Phạm Duy – Văn Cao. Đó cũng là lần đầu tiên làm việc cùng chú. Xong chương trình, chính chú đã chủ động nói chuyện cùng tôi, bộc lộ ý thích có một ca sĩ hát nhạc chú với dàn giao hưởng. Sau đó, mấy lần tôi đi diễn Hà Nội đều hẹn chú café sáng. Chú kể tôi nghe về những sáng tác của mình. Hóa ra, có nhiều sự thật rất trần trụi đằng sau những bài đó chứ không hẳn thi vị như mọi người vẫn nghĩ.

Cho đến một lần tôi được mời hát bài “Hà Nội và em khi thu chớm đông sang” trong show của chú. Bài này người ta hát chỉn chu lắm rồi nhưng chú vẫn cần một giọng ngang tàng, bất cần hơn và nhất là ít học thuật hơn. Đây là một bài buồn nhưng không bi lụy mà buồn đầy kiêu hãnh. Chắc do tôi hay bị nói ngông, chảnh nên phần nào cũng hợp với bài. (cười)

Những ca sĩ hát nhạc Phú Quang trước đây có Thanh Lam, Hồng Nhung, Ngọc Anh, Ngọc Tân, Quang Lý… Tôi đoán chừng có lẽ một trong những cơ duyên đưa tôi đến với nhạc Phú Quang là những show của chú sau này là đã thiếu đi giọng hát chú Quang Lý. Bây giờ, dự án đã thành hiện thực, cuộc sống đúng là sự nối nhau của những cơ duyên.

{keywords}
Đức Tuấn gắn bó với Hà Nội nhiều nhất dù lập nghiệp trong Nam.

- Nhưng anh là người Sài Gòn, không sợ bị nói “biết gì về Hà Nội mà hát” sao?

Không biết có trùng hợp không mà sự nghiệp và âm nhạc của tôi toàn gắn với các thành phố lớn. Trong đó, tôi gắn bó với Hà Nội nhiều nhất, tháng nào cũng ra đi diễn 3 - 4 lần. Lần đầu tiên tôi đến Hà Nội khoảng năm 1999, trời rét 8 độ.

Tôi mê ăn ở Hà Nội kinh khủng, lần nào đến cũng cũng lùng sục mọi ngóc ngách kiếm món ngon. Rồi lúc nào chẳng hay, tôi thêm yêu văn hóa và con người Hà Nội, thuộc hết những con đường ở đây. Có thể tôi không nhớ tên đường nhưng biết đi hết, đến taxi Hà Nội còn thắc mắc vì sao người Sài Gòn lại rành đường như vậy.

- Trong album, anh kết hợp với nhạc sĩ Huyền Trung, Tetsuji Honna hay Trần Mạnh Tuấn… thay vì những cái tên đang hot?

Cái tên Vũ Huyền Trung nghe lạ lẫm quá phải không? Nhưng anh là một trong những người thuộc top nhạc sĩ vàng của Việt Nam đấy. Anh Trung là đời đầu 7x, cùng lứa với Anh Quân, Huy Tuấn, Đức Trí, Hoài Sa… nhưng anh thuần chất hơn, chỉ biết hòa âm phối khí trong phòng thu chứ không biết gì về thị trường hay truyền thông.

Gần như show nào về Hà Nội hay show Phú Quang đều có dấu ấn của anh Trung. Chú Phú Quang cực kỳ bảo thủ với âm nhạc của mình, giai điệu hay intro đều không cho phép thay đổi nhiều. Nếu không nhờ bàn tay của người tài hoa lại rất hiểu Phú Quang như anh Trung thì không được.

Hiện nay, trend của rất nhiều ca khúc quốc tế mới, cả ca khúc hit, đều có version symphonic. Chính chú Quang đã cung cấp những bản giao hưởng viết tay cho nhạc sĩ Huyền Trung làm. Là người học chỉ huy nên nhạc Phú Quang đã có tính symphony rồi, chúng tôi cũng chỉ là trả bài hát về với bản chất vốn dĩ của nó thôi.

Chú Quang cũng lôi kéo con gái và con rể là Pianist Trinh Hương và Violin Công Duy. Hai nghệ sĩ đều rất giỏi, Duy thì đã ở tầm quốc tế rồi. Saxophone Trần Mạnh Tuấn càng không phải nói nhiều. Tôi tự hào khi các tinh hoa âm nhạc đều đã tập hợp trong album này. Một sự tập hợp không màu mè, phô trương mà là gắn kết bằng tình thân như gia đình vậy. 

- Anh hát nhạc Phú Quang gặp áp lực gì?

Đây không phải lần đầu tôi hát nhạc của một nhạc sĩ nổi tiếng nên không bị áp lực gì cả. Để được như thế, tôi đã làm việc rất chặt chẽ với nhạc sĩ hòa âm. Mặt sinh học và tâm lý của nghệ sĩ rất quan trọng. Mỗi người có mặt sinh học không giống nhau, từ hát, ngắt thở, xử lý cao trào… Nên khi hòa âm đã chuẩn thì bạn chỉ việc thoải mái tung tẩy trong không gian của riêng mình.

Tôi nghe các bản thu trước để thưởng thức chứ không học hỏi gì. Tôi chủ động tiếp cận bài hát từ nhạc sĩ chứ không theo các bản thủ trước. Ví dụ như lần này, nhờ tìm hiểu từ chính chú Phú Quang mà tôi phát hiện nhiều cung bậc cảm xúc rất khác mọi người tưởng tượng. Các bản thu trước không giúp ích nhiều cho việc dựng bài.

{keywords}
Đức Tuấn nhận xét Phú Quang là "cực kì bảo thủ với âm nhạc của mình".

Nhạc sĩ Phú Quang đưa bao nhiêu thì lấy bấy nhiêu

- Tôi trò chuyện với anh thấy khá hòa đồng nhưng trong nghề đồn Đức Tuấn “chảnh” có tiếng, thực hư thế nào?

Có lẽ vì tôi rất nguyên tắc. Tôi trong đời sống rất dễ chịu, thậm chí là hòa đồng tuyệt đối nhưng trong công việc thì không thế. Chúng ta đôi khi cần ngông, chảnh vì sẽ có những tình huống tôi không thể thỏa hiệp để bảo toàn nghệ thuật.

Mặt sinh học của nhạc sĩ và ca sĩ thường không giống nhau. Tôi từng bỏ rất nhiều hòa âm hoặc cãi nhau sống chết với nhạc sĩ. Nếu không đúng ý mình, tôi sẵn sàng bỏ hoàn toàn hòa âm đó vì không thấy thoải mái thì làm sao hát được. Tôi không biết lấy lòng người khác, có gì là nói nấy.

Khi tham gia các chương trình, nếu có phát sinh không hay thì tôi sẵn sàng chọn lựa không tiếp tục tham gia.

Ngoài ra, công việc cũng quá bận không cho phép tôi tiêu tốn năng lượng và thời gian vào các mối quan hệ. Nên tôi nghĩ bị nhận định “chảnh” là khó tránh khỏi.

- Đầu năm 2018, Phú Quang từng lời qua tiếng lại lùm xùm vì vấn đề cát-xê với “nàng thơ” Ngọc Anh. Anh thỏa thuận chuyện tiền nong thế nào để không rơi vào tình huống như vậy?

Về vấn đề cát-xê, tôi thiên về tình cảm chứ không phải lúc nào cũng tuyệt đối sòng phẳng. Đương nhiên, tôi sẵn sàng giảm mức cát-xê nếu quan hệ tốt. Tôi hát cho HTV hầu như không có cát-xê nhưng tôi chưa từng phàn nàn vì HTV là xuất phát điểm để có Đức Tuấn của hôm nay. Có những cái cần sòng phẳng thì sòng phẳng, không thì thôi, đừng tính toán nhiều.

Nhiều chương trình tôi chốt cát-xê vì cần chi phí nhất định để đảm bảo chất lượng nghệ thuật. Nhưng cũng có một số chương trình mà tôi biết sẽ tìm được ở đó những đồng cảm nghệ thuật, các bên giúp nhau cùng thăng hoa thì tôi không toan tính làm gì.

Nhạc sĩ Phú Quang đưa bao nhiêu tôi lấy bấy nhiêu. Chú nhìn thế thôi chứ rất hiểu thị trường, không thì làm sao làm show nào cháy vé show đó trong bao nhiêu năm qua được.

Tôi vẫn giữ quan điểm như vậy từ lúc mới đi hát đến giờ. Tôi không có nguồn thu nào ngoài ca hát.

- Đời sống tình cảm của anh sao rồi? Bao giờ thì Đức Tuấn hết “một mình” khi đã rất gần tuổi 40?

Cuộc sống hiện tại của tôi trọn vẹn với gia đình. Đây là giai đoạn thăng hoa trong cuộc sống lẫn sự nghiêp. Mọi thứ với tôi bây giờ đều không vội vã. Tôi thong thả, tận hưởng hạnh phúc trọn vẹn chứ không còn áp lực gì.

Người yêu cũng vậy, có thể có hoặc không nhưng vẫn trọn vẹn trong thời điểm hiện tại. Câu “Đức Tuấn nghiện công việc hơn tình yêu” có lẽ đúng lúc này. Nhưng tôi vẫn rất dễ rung động, dễ bị thu hút bởi nhiều dạng người khác nhau. Tôi cho là có tình cảm và đến được với nhau là hai chuyện hoàn toàn không liên quan. Vì rung động thì rất dễ còn đến với nhau hay không phải để tự nhiên.

Tôi cho rằng mọi thứ trong cuộc đời này đều tùy duyên. Khi không còn trẻ nữa, tôi thấy chúng vận hành một cách tùy duyên, vô thường lắm. Nói nghe hơi thiền nhưng sự thật là thế. Đến thời điểm phù hợp, tôi sẽ công bố. Tôi sống cho hiện tại, không nghĩ nhiều cho tương lai. Thậm chí, tôi không biết ngày mai như thế nào thì lấy gì công bố.

{keywords}
MV "Ly rượu mừng" được đầu tư hơn 2 tỷ sẽ phát hành vào đúng 3 tuần trước Tết Âm lịch.

- Dự án nhạc Tết của anh đầu tư hơn 2 tỷ, có gì đặc biệt?

Đó là dự án MV một bài của Phạm Đình Chương là “Ly rượu mừng”. Bài hát này gần gũi đến mức mọi người gọi là Tết ca nhưng chưa có MV chính thức. Không ai như tôi, quay MV hết 4 ngày vì khối lượng công việc quá lớn. Tôi hòa âm mới hoàn toàn, dĩ nhiên vẫn là giao hưởng hợp xướng.

Số người tham gia MV phải đến vài trăm, trong đó có nhiều nghệ sĩ như NSND Như Quỳnh, chị Ánh Tuyết… Nội dung kể về hành trình một nhân vật đi xuyên thời gian, cảm nhận cốt lõi giá trị Tết từ xưa tới nay. Tôi đã phải dựng bối cảnh toàn bộ Sài Gòn qua từng thời kỳ trong một không gian Tết rộng lớn với đầy đủ hương vị cổ truyền như múa lân, vẽ tranh, thư pháp… đặc biệt là pháo Tết. Tôi sẽ phát hành MV này 3 tuần trước Tết Âm lịch.

Gia Bảo

Phú Quang: Tôi xem bóng đá về bị cảm lạnh, tưởng mình sẽ… chết

Phú Quang: Tôi xem bóng đá về bị cảm lạnh, tưởng mình sẽ… chết

Bước từng bước chậm rãi có phần run rẩy, nhạc sĩ Phú Quang không giấu khi nói cách đây ít ngày ông phải nhập viện và tưởng mình sẽ… chết.