Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn cho rằng, áo dài cách tân là nhu cầu đương thời, câu chuyện đáng bàn hơn là quy chuẩn quốc phục nghi lễ. NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam quan niệm, người bảo thủ mới chê áo dài cách tân, tuy nhiên, anh không ủng hộ mẫu mã nhái theo hàng Trung Quốc.

“Áo dài cách tân là chuyện đã từ lâu”

“Tôi sinh ra ở Huế, trong kí ức của tôi, khi còn là chàng trai tuổi mới lớn, tôi thấy đẹp nhất vẫn là hình ảnh nữ sinh thời đó bước ra cổng trường với tà áo dài trắng. Đó là hình ảnh trong sáng của học sinh thời bấy giờ. Tuy nhiên áo dài thời đó cũng đã là áo dài cách tân, tà ngắn hơn so với thưở xa xưa”, nhà cổ học, nhà nghiên cứu lịch sử, văn hóa nghệ thuật Trần Đình Sơn chia sẻ cùng PV.

{keywords}

Nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn trình bày về sự ra đời của áo dài bằng những bộ áo dài ông đã sưu tầm được.

Là người rất tâm huyết và có nhiều năm nghiên cứu về áo dài Việt Nam, ông đã trình bày một cách cụ thể quá trình hình thành của tà áo dài truyền thống đặt trong bối cảnh hình thành và phát triển của văn hoá y phục của người Việt qua 4.000 năm lịch sử... Xin điểm qua một số dấu mốc.

Triều Minh Mạng (1820 - 1840), vua theo lời tâu xin của sĩ, dân Bắc hà, cuối năm 1828, ban lệnh từ sông Gianh trở ra Bắc kể từ mùa xuân sang năm phải đồng loạt thay đổi y phục.. Từ thời điểm này áo dài năm thân cổ đứng chít 5 khuy bên phải kèm với cái quần hai ống được chính thức công nhận là quốc phục của nước Việt Nam, phổ biến từ trong cung đình ra dân gian.

“Áo dài có đời sống riêng. Áo dài cách tân là chuyện lâu lắm rồi chứ không phải bây giờ mới có. Từ thời nhà Nguyễn thiết kế một loại áo dài quốc phục Việt Nam cho cả nam và nữ. Đến đầu thế kỉ XX, văn hóa phương Tây tràn vào rộng rãi thì bắt đầu có những thay đổi về quan điểm ăn, mặc.

Khi trường Mỹ thuật Đông Dương ra đời vào đầu thế kỉ XX, đến đầu thập niên 30, các họa sĩ trong trường Mỹ thuật Đông Dương như Lê Phổ, Cát Tường đã cách tân áo dài của thời Nguyễn thành một mẫu áo dài mới, phù hợp với quan điểm thẩm mỹ của phụ nữ thời đại đó, thời người ta bắt đầu thích phô diễn vẻ đẹp cơ thể. Kiểu áo dài tha thướt hơn, dài hơn, ôm sát người hơn chứ không quá nghiêm túc như áo dài truyền thống”, ông nói.

{keywords}

Những mẫu thiết kế áo dài của họa sĩ Cát Tường.

“Sau đó, từ năm 1930, hai mẫu áo dài của họa sĩ Cát Tường và Lê Phổ đã phổ biến dần dần khắp nước. Từ năm 1955, ở miền Nam cũng có rất nhiều kiểu áo dài cách tân. Mà tiêu biểu là áo dài của bà Lệ Xuân, áo dài hở cổ.

Điều đó cho thấy cách tân là chuyện đương nhiên, phục vụ nhu cầu, thị hiếu của người đương thời.

Từ ngày mở cửa giao lưu rộng rãi với quốc tế, tích cực bảo tồn, phát huy di sản văn hóa truyền thống, đậm đà bản sắc dân tộc, áo dài có cơ hội phục sinh mạnh mẽ.

Các nhà thiết kế thời trang, tạo mẫu, các nghệ nhân nghề đem hết tâm tình, cảm hứng tổ chức trình diễn nhiều bộ sưu tập áo dài muôn màu muôn vẽ. Chính những điều kiện thuận lợi này, giai nhân Việt Nam đăng quang với áo dài hết sức thẩm mỹ, sang trọng trên các sàn diễn thời trang ở trong nước cũng như ở nước ngoài”, nhà nghiên cứu Trần Đình Sơn chia sẻ.

Vòng đời áo dài cách tân là câu chuyện của cảm hứng

Trở lại câu chuyện áo dài cách tân đang gây xôn xao mạng xã hội những ngày qua, ông bày tỏ quan điểm: “Bất kể khi nào có cách tân đều có hai luồng dư luận, một bên tán thành, một bên phản ứng đối lại.

Đó là sự ngẫu hứng của các bạn trẻ, các nhà thiết kế trẻ. Giờ đây các bạn trẻ có thể mặc áo dài với quần bò hay váy đụp, váy ngắn,… Điều đó tùy thuộc vào sở thích, còn việc nó tồn tại được lâu hay ngắn thì lại là câu chuyện của cảm hứng, có thể một thời gian sau các bạn lại chán và đổi mới kiểu khác, không vấn đề gì cả.

Trang phục mặc thường ngày là câu chuyện thị hiếu, không phải quá ràng buộc, cứng nhắc theo chuẩn mực như áo dài mang tính nghi lễ. Các bạn trẻ mặc trang phục đi chơi, đi dạo phố cần nhanh nhẹn, vận động thì làm sao ép các bạn mặc áo dài truyền thống được. Nhìn nhận một cách tích cực thì việc đông đảo các bạn trẻ mặc áo dài là một tín hiệu đáng mừng.

Câu chuyện quan trọng hơn là các cơ quan văn hóa, các nhà nghiên cứu phải phối hợp để đưa ra mẫu áo dài truyền thống như một kiểu mẫu y phục, quốc phục để sử dụng trong nghi lễ quan trọng của Nhà nước, trong các nghi thức ngoại giao, những nơi tôn nghiêm… như thời nhà Nguyễn đã đưa ra. Điều đó rất cần thiết, quy định chuẩn mực rõ ràng mẫu áo dài cho nữ giới và nam giới.

Rất cần những cuộc hội thảo lớn đưa ra ý kiến, phản biện để các cơ quan văn hóa thu nhận, đúc kết các ý kiến để có một thống nhất chung về áo dài truyền thống mang tính nghi lễ để các bạn trẻ cũng có thể lựa chọn mặc những dịp đặc biệt như tốt nghiệp hay một cô gái trong lễ cưới của mình,… thể hiện sự kính cẩn, nghiêm trang”.

“Người bảo thủ mới chê áo dài cách tân”

Để rộng đường dư luận, PV cũng có cuộc trò chuyện với NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam. Anh là NTK có nhiều giải thưởng uy tín Việt Nam: giải Ba cuộc thi Mẫu Thời trang Việt Nam lần thứ 5; giải chất liệu trong Cuộc thi Grandprix 2004…

Từ năm 2005 đến nay, anh còn tham dự các sự kiện thời trang lớn trong nước và quốc tế như: VietNam Fashion Week, Festival Áo Dài Hà Nội… và anh thường xuyên tham dự các buổi hội thảo, triển lãm, giao lưu với các nhà thiết kế thời trang nổi tiếng trên thế giới đến từ Ý, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc. Anh đồng thời là thành viên hội đồng Ý - Việt 2014.

NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam bày tỏ quan điểm: “Người bảo thủ mới chê áo dài cách tân hay họ nhầm sáng tạo của giới trẻ là của riêng mình? Đó là câu hỏi tôi đặt ra và suy nghĩ mấy ngày qua.

Tết năm nay thay vì nhưng bộ đầm tây giới trẻ có những sáng tạo mới khi kết hợp váy với áo dài theo xu hướng thế giới, tôi cho rằng, đó là điều đáng mừng bởi trong tiềm thức vẫn có bản sắc dân tộc.

Từ xa xưa, dân ta đã thiết kế nhiều loại áo dài như áo dài truyền thống, áo dài tứ thân và áo dài giao lãnh, áo dài ngũ thân. Ngày nay, chiếc áo dài truyền thống được thiết kế thêm nhiều kiểu hơn, cổ chữ U, cổ trái tim, cổ tròn làm đa dạng và đó chính là sự vận động đổi mới của thời trang.

Với những học sinh của tôi là các NTK trẻ, tôi vẫn thường dạy cho các em biết gìn giữ văn hoá nhưng phải phát triển nó bởi chúng ta chỉ có thể lấy văn hoá để đối thoại với thế giới một cách công bằng nhất!

Vậy nên thay vì áp đặt, tôi thường động viên, khuyến khích các NTK kế thừa và phát triển văn hoa áo dài sao cho phù hợp xu hướng lứa tuổi phong cách không gian xuất hiện. Thời trang phải biết kế thừa nhưng theo xu hướng không sẽ bị tụt hậu. Như câu chuyện cách đây gân trăm năm, NTK họa sĩ Cát Tường đã cách tân áo dài và bị giới bảo thủ phản đối nhưng giờ đây như chúng ta thấy đó lại là một dấu mốc của lịch sử thời trang Việt Nam".

Không ủng hộ áo dài nhái theo hàng Trung Quốc

"Áo dài mặc với chân váy thì bản thân tôi cũng như nhiều nhà thiết kế đã làm gần 20 năm rồi nhưng là chân váy dài thay cho quần. Hơn nữa chúng ta đừng đặt nặng quá về vẻ bề ngoài của chiếc áo dài mà hãy nhìn vào cử chỉ, văn hóa của người mặc, điều đó mới góp phần làm áo dài đẹp hơn.

Tôi ủng hộ sự đổi mới của áo dài nhưng không ủng hộ một số trường hợp mặc phản cảm khi kết hợp quần tất hay nhái theo hàng Trung Quốc”, NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam khẳng định.

{keywords}

Hoa hậu Ngọc Hân mặc một trong những thiết kế áo dài của NTK Đỗ Trịnh Hoài Nam.

Mặt khác, NTK cũng cho rằng: “Phải nhìn nhận khách quan là văn hóa Việt Nam - Nhật - Hàn Trung Quốc luôn ảnh hưởng đến nhau. Tại sao chúng ta không nghĩ ngược là chính Trung Quốc cũng ảnh hưởng áo dài của Việt Nam. Điều đó, chứng tỏ văn hóa áo dài của Việt Nam đã có sức ảnh hưởng lớn, vì kiểu áo dài hai tà xẻ cao chỉ có ở Việt Nam”.

Khi được hỏi về quan điểm thiết kế áo dài của riêng mình, NTK chia sẻ, khách hàng đến với anh chủ yếu là các doanh nhân, chính khách, các bà, các mẹ đăt áo dài truyền thống mặc trong ngay cưới con cháu và mặc cho cả Tết nên với các mẫu thiết kế của mình, Đỗ Trịnh Hoài Nam đều giữ nét truyền thống còn đổi mới chủ yếu tập trung vào chất liệu và hoa văn hoạ tiết là chính. Tuy nhiên, anh không muốn áp đặt quan điểm thiết kế của mình với người khác vì theo anh, thời trang luôn đa dạng.

(Theo Dân trí)