Cục Đường bộ Việt Nam vừa có văn bản gửi UBND tỉnh Quảng Trị về việc tạm bàn giao nguyên trạng dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ cảng Cửa Việt đến QL1A (dự án nâng cấp, mở rộng QL9) sử dụng vốn dư của Dự án quản lý tài sản đường bộ Việt Nam (VRAMP) sau gần 1 năm thi công.
Dự án nâng cấp, mở rộng QL 9 đoạn đi qua huyện Gio Linh, Cam Lộ sử dụng vốn dư của Dự án VRAMP vay vốn Ngân hàng Thế giới (WB) có thời gian thực hiện đến ngày 31/12/2022.
Do khó khăn về mặt bằng, dự án đã không hoàn thành đúng tiến độ. Ngày 12/1/2023, WB đã có ý kiến chính thức việc không gia hạn hiệp định vay. Với quyết định trên của WB, dự án nâng cấp, mở rộng QL 9 đã kết thúc thời gian thực hiện.
Cục Đường bộ Việt Nam đang nghiên cứu, báo cáo Bộ GTVT và các cơ quan có thẩm quyền phương án sử dụng nguồn vốn khác, điều chỉnh chủ trương đầu tư để tiếp tục thực hiện dự án.
Trong thời gian chờ các cơ quan có thẩm quyền xem xét, chấp thuận phương án thay đổi nguồn vốn, điều chỉnh chủ trương đầu tư, Cục Đường bộ Việt Nam đề nghị UBND tỉnh Quảng Trị chỉ đạo các cơ quan liên quan thống nhất phương án tạm tiếp nhận lại phạm vi mặt bằng chưa thi công trong thời gian dự án chờ điều chỉnh chủ trương đầu tư.
Sở GTVT Quảng Trị thống nhất phương án với Ban quản lý dự án 3 tạm bàn giao nguyên trạng đoạn tuyến đang khai thác thuộc phạm vi dự án nâng cấp, mở rộng QL9 để quản lý, khai thác.
Dự án nâng cấp, mở rộng QL9 đoạn từ QL1A đến cảng Cửa Việt có tổng chiều dài 13,8km, tổng mức 440,368 tỷ đồng, tương đương 19,05 triệu USD (trong đó, vốn vay WB là 387,31 tỷ đồng và vốn đối ứng 53,05 tỷ đồng).
Phần giải phóng mặt bằng do UBND tỉnh Quảng Trị bố trí vốn ngân sách của tỉnh thực hiện.
Dự án gồm 2 gói thầu xây lắp, do Cục Đường bộ Việt Nam làm chủ đầu tư, đơn vị quản lý dự án là Ban quản lý dự án 3. Thời gian thực hiện từ năm 2021 đến 31/12/2022.
Theo UBND tỉnh Quảng Trị, nguyên nhân không đảm bảo tiến độ để hoàn thành trong năm 2022 là do thời gian từ lúc dự án được Chính phủ phê duyệt đến lúc được chấp thuận cho rút vốn để giải ngân kéo dài.
Bên cạnh đó, phạm vi giải phóng mặt bằng một số đoạn tăng, tình hình giá đất trên địa bàn tỉnh năm 2022 tăng đột biến cũng khiến tổng giá trị bồi thường giải phóng mặt bằng tăng từ 75 tỷ đồng lên 345,5 tỷ.
Trong khi đó, điều kiện ngân sách địa phương còn khó khăn, tỉnh phải điều chuyển vốn từ các dự án khác để bố trí đủ 345,5 tỷ cho công tác giải phóng mặt bằng cũng ảnh hưởng rất lớn đến tiến độ, khiến dự án bị chậm.