Đại diện Công ty TNHH Việt Nam Grand Prix (VGPC) cho biết, quyết định được đưa ra sau nhiều thảo luận với Liên đoàn Ô tô quốc tế (FIA) và Tập đoàn Formula 1, trong bối cảnh các nước lớn lần lượt rút khỏi cuộc đua, còn những nước tổ chức thì trong tình trạng khán đài trống rỗng. Ngay cả Mỹ, Mexico, Brazil, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… . cũng đã phải “tự gạch tên” ra khỏi cuộc đua năm nay để bảo toàn nguồn lực.

{keywords}
 

Động thái kịp thời

Không chỉ F1, phần lớn các sự kiện văn hóa thể thao giải trí lớn, các show thời trang đình đám trên thế giới đều phải chủ động hoãn, hủy hoặc tiến hành trực tuyến với những sân khấu không khán giả. Các doanh nghiệp kiệt quệ, thậm chí tuyên bố phá sản đóng cửa khắp mọi nơi.

Covid-19 đang làm thay đổi cục diện kinh tế xã hội trên toàn cầu. Việt Nam cũng không ngoại lệ.

Dù được coi là một trong những quốc gia kiểm soát Covid-19 tốt song những thiệt hại của dịch bệnh gây ra có thể đo đếm rõ nét.

Các yếu tố "thiên thời, địa lợi, nhân hòa" để tổ chức F1 như điều kiện an toàn, hiệu quả quảng bá và hiệu quả kinh tế giờ đây cũng không còn. Một giải đấu đẳng cấp và tốn kém như F1 có thể phù hợp trước đó nhưng đặt trong bối cảnh hôm nay đã hoàn toàn “lỗi nhịp”. Sau Covid, rất nhiều nhu cầu sống thực tế khác cần được ưu tiên hơn.

Ngay cả Mỹ, Mexico, Brazil, Canada, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore… . cũng đã phải “tự gạch tên” ra khỏi cuộc đua F1 để bảo toàn nguồn lực.

Vì thế, quyết định dừng chặng đua F1 của Hà Nội được nhiều người đánh giá là động thái kịp thời, đúng lúc, và hợp lòng dân, nhất là trong bối cảnh không chỉ Covid mà cả nước còn tang thương vì lũ quét miền Trung. Phản hồi của công luận đều cho thấy dù có chút nuối tiếc một sự kiện thể thao tầm cỡ nhưng cộng đồng đều ủng hộ việc dừng lại chặng đua.

Ở góc độ kinh tế, đây cũng được coi là một quyết định dũng cảm, một sự “hy sinh” của Hà Nội bởi thành phố và các chủ đầu tư đã dành nguồn lực không nhỏ cho công tác chuẩn bị. Dù những khoản đầu tư đã chi không thu hồi được, những khán đài đã sẵn sàng phải dỡ bỏ, toàn bộ công cuộc chuẩn bị công phu bị dừng lại… nhưng xét trên tầm nhìn và lợi ích quốc gia đó chính là cách “cắt lỗ” sáng suốt và kịp thời.

Nên dừng hẳn F1, tập trung nguồn lực tái thiết  

Ngay khi thông tin dừng chặng đua F1 năm 2020 công bố, nhiều ý kiến đã kêu gọi Hà Nội nên mạnh dạn dừng hẳn giải đua tại Việt Nam vì không còn giá trị văn hóa - kinh tế trong cả ngắn hạn và dài hạn.

TS Trần Minh An (TT Nghiên cứu và Tư vấn Kinh tế) khẳng định trong bối cảnh Chính phủ và cả nước đang phải thắt lưng buộc bụng, thực hiện các gói cứu trợ người lao động và doanh nghiệp thì việc đầu tư hàng chục triệu đô mỗi năm chỉ đổi lấy 3 ngày giải trí là hoàn toàn bất hợp lí.

“Chúng ta cần phân tích cả bức tranh tổng thể để thấy rằng, nên hủy tổ chức F1 ở Việt Nam không chỉ trong năm nay, mà ít nhất trong 7- 10 năm tới để tập trung nguồn lực cho những việc mang lại lợi ích thiết thực hơn cho đất nước, cho người dân”, TS An nhận định.

Theo các chuyên gia, thời điểm này, Chính phủ cần đánh giá lại cục diện kinh tế, xã hội; nhìn nhận và sắp xếp lại các thứ tự ưu tiên để tập trung tái thiết. Đặc biệt trong bối cảnh rất nhiều doanh nghiệp trong nước đang “kiệt sức”, hàng triệu lao động đang đứng trước nguy cơ thất nghiệp sau gần một năm gồng mình trước đại dịch.

“Người dân Việt Nam và các doanh nghiệp đã phải chịu thiệt hại quá lớn. Nếu cứ tổ chức một giải đua tốn kém như F1 sẽ đi ngược lại với lợi ích và cảm xúc của số đông người dân”, chuyên gia kinh tế Trần Đình Thiên bày tỏ.

Trên thực tế, Việt Nam đã từng rút đăng cai tổ chức ASIAD 18 vì bối cảnh chưa phù hợp nên việc Hà Nội chốt dừng hẳn giải đua tốn kém này để tập trung phát triển kinh tế là hoàn toàn hợp lý, thể hiện tư duy thức thời và trách nhiệm với đại cục. Bởi nếu thành phố cứ cố đâm lao tổ chức một giải đua không còn triển vọng lợi nhuận, không thu hút được du khách quốc tế, không quảng bá được giá trị đất nước thì mới thực sự là lỗi thời, lãng phí và gây phản cảm xã hội.

Minh Tuấn