“2-3 tháng nữa khi các hợp đồng cung ứng sản phẩm cho khách hàng “cạn”, không có hợp đồng mới ký kết thì Nhà máy Dung Quất sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa” ông Nguyễn Hoài Giang -Chủ tịch HĐTV Nhà máy Lọc hoá dầu Bình Sơn (BSR) nói.
“Cho tới lúc này Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn hoạt động ổn định với 100% công suất, nhưng sắp tới nếu chính sách thuế nhập khẩu ưu đãi dành cho sản phẩm của nhà máy không thay đổi, nguy cơ đóng Dung Quất là có thật”.
Quan điểm này được ông Nguyễn Hoài Giang - Chủ tịch HĐTV Nhà máy Lọc hóa dầu Bình Sơn (BSR) - đơn vị quản lý Nhà máy Lọc dầu Dung Quất chia sẻ với Infonet chiều 22/2 trước thông tin về nguy cơ đóng cửa của nhà máy này trong tương lai.
Ông Hoài Giang cho biết, hiện tình hình sản xuất, kinh doanh của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất vẫn diễn ra bình thường với 100% công suất do vẫn còn hợp đồng ký với các khách hàng trong 2-3 tháng tới. Nhưng sau thời gian này tình hình sản xuất của nhà máy này ra sao thì chưa rõ.
Sản phẩm của Dung Quất bị chê đắt do "đội" thuế cao |
Đề cập cụ thể hơn về văn bản “cầu cứu” của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN) gửi tới Bộ Công thương, Bộ Tài chính, Văn phòng Chính phủ về chính sách thuế dành cho sản phẩm của Dung Quất, ông Giang cho rằng, văn bản của PVN “lo xa” nhưng là lo về thực tế có thể sẽ xảy ra.
Chủ tịch BSR thừa nhận, “2-3 tháng nữa khi các hợp đồng cung ứng sản phẩm cho khách hàng “cạn”, không có hợp đồng mới ký kết thì Nhà máy Dung Quất sẽ đứng trước nguy cơ đóng cửa”.
Trần tình về chuyện giá thành của Dung Quất lâu nay bị chê đắt nên khó bán, ông Giang cho rằng không hẳn đúng. “Giá của Dung Quất đâu phải do chúng tôi định giá, mà là do thị trường. Thêm nữa chính thuế suất phải chịu cao nên giá thành bị đội lên cũng là dễ hiểu...”- ông nói.
Hiện xăng của Dung Quất chịu áp lực cạnh tranh với mặt hàng cùng chủng loại nhập từ Hàn Quốc. Song với mức thuế suất mà xăng của Dung Quất đang bị áp là 20%, trong khi theo Thông tư 201/2015/TT-BTC thực hiện Hiệp định thương mại tự do – FTA Việt Nam – Hàn Quốc sản phẩm nhập từ Hàn Quốc chỉ phải chịu 10%, (tương đương 4,84 USD/thùng tính theo giá trung bình tháng 1/2016) dẫn tới tình trạng khách hàng nhập khẩu sản phẩm từ Hàn Quốc với chi phí và phụ phí cao. Còn sản phẩm của Dung Quất dù đã giảm giá đến 1,3 USD/thùng so với 6 tháng cuối năm 2015 nhưng vẫn khó cạnh tranh nổi.
Trước đó, trong văn bản của PVN gửi tới Bộ Tài chính, Bộ Công thương và Văn phòng Chính phủ do Phó tổng giám đốc Nguyễn Sinh Khang ký đề cập tới những khó khăn mà Nhà máy Dung Quất đang vấp phải. Theo lập luận của PVN, trong cơ cấu sản phẩm của Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, mặt hàng xăng dầu chiếm tới hơn 90% tổng lượng sản phẩm của toàn nhà máy. Vì thế, nếu các mặt hàng này không tiêu thụ được sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng tới vận hành an toàn của nhà máy, khả năng nhà máy có thể ngừng sản xuất.
Dù đã đàm phán với đối tác giảm giá bán nhưng hiện Dung Quất mới ký được hợp đồng bán hàng 2 tháng đầu năm 2016. Ngay chính khách hàng lớn nhất của Dung Quất là Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng chỉ “gật đầu” kí với nhà máy này hợp đồng cung ứng sản phẩm trong 2 tháng đầu năm 2016, nhưng khối lượng cũng giảm từ 120.000 m3/tháng xuống còn 80.000 m3/tháng.
Cách đây gần 1 năm (tháng 4/2015) lãnh đạo Dung Quất cũng đã từng “dọa” sẽ đóng cửa Dung Quất do sản phẩm bị áp thuế cao, khó cạnh tranh và đã kiến nghị điều chỉnh chính sách thuế đối với các sản phẩm của nhà máy này.
Ngay sau đề xuất của BSR, Bộ Tài chính đã xem xét và giảm thuế đối với mặt hàng xăng từ 35% xuống còn 20%, dầu diesel cũng giảm từ 30% xuống còn 20%.
Dù lọc dầu Dung Quất “kêu” sản phẩm khó bán và “cầu cứu” các cơ quan chức năng nhưng theo báo cáo của PVN, kết thúc năm 2015 tình hình sản xuất kinh doanh của BSR lại khá khả quan. Cụ thể, năm 2015 BSR đã đạt tổng doanh thu hợp nhất là 94.400 tỷ đồng, bằng 100% kế hoạch năm; lợi nhuận nhất sau thuế năm 2015 đạt 5.690 tỷ đồng, vượt 52% kế hoạch.
(Theo Infonet)