Điều hòa là thứ cần đặc biệt quan tâm, học cách sử dụng đúng và phù hợp với nhu cầu nhất để tránh tình trạng tiêu tốn điện năng. Tuy nhiên, hầu hết mọi người vẫn chỉ nghĩ đơn giản là mua về bật lên thấy mát là được, những cái khác không quan trọng.
Đây thực ra là quan niệm vô cùng sai lầm có thể khiến máy vừa không hoạt động hiệu quả, kéo theo chi phí điện hàng tháng tăng cao vô cùng phí phạm, đặc biệt trong khoảng thời gian mà chúng ta đang thực sự cần tiết kiệm điện năng cho cả bản thân mình và xã hội.
Dưới đây là những quan niệm vô cùng sai lầm khi dùng điều hòa, nếu thấy mình hay người nhà mắc phải, cứ thử thay đổi thói quen xem, khả năng cao là các tháng mùa hè tới hóa đơn tiền điện sẽ giảm đáng kể đấy.
“Nhiệt càng thấp càng nhanh mát”
Quan niệm này cũng đúng, nhưng không phải lúc nào cũng đúng. Các loại điều hòa khi mới bật lên thường sẽ hoạt động hết công suất để cố gắng giảm nhiệt xuống mức mà người dùng cài đặt.
Tuy nhiên, đôi khi trời quá nóng, máy không thể đạt mức nhiệt mong muốn dù đã bật cả tiếng đồng hồ, vừa không đem lại hiệu quả làm mát mà vừa tốn điện năng. Lúc này, người dùng nên xem xét lại, chỉ bật mức nhiệt vừa phải, không chênh lệch quá nhiều so với nhiệt ngoài trời để đảm bảo độ bền cho máy cũng như giảm tiêu tốn điện.
Ví dụ, nếu ngoài trời đang nóng đến 40 độ mà bạn bật điều hòa 18 độ thì nhiệt trong phòng không bao giờ giảm được đến mức ấy. Thay vào đó, hãy chỉnh điều hòa lên 25 - 27 độ sẽ vẫn mang lại hiệu quả giảm nhiệt tương tự mà không gây áp lực quá nhiều lên hệ thống điện. Khi đã thấy đủ mát, nên tiếp tục chỉnh nhiệt cao hơn 1 - 2 độ nữa và duy trì ở mức này khi điều hòa đã bắt đầu hoạt động ổn định.
Đảo gió không đúng chỗ
Nhiều khu chung cư hiện nay lắp điều hòa ở giữa gian bếp và phòng khách, đối diện hành lang ra lô gia hoặc khu +1. Khi bật điều hòa lên, gió thổi thẳng vào khu vực này mà không tỏa ra 2 phía khiến bếp và phòng khách vẫn nóng. Ai không biết sẽ tưởng điều hòa hỏng hoặc cố gắng giảm thêm nhiệt bù lại, vô tình gây tốn điện hơn một cách phí phạm.
Lúc này, chỉ cần tự chỉnh tay phần cánh gió phụ bên trong điều hòa, hướng sang 2 bên thay vì phả thẳng về phía trước sẽ đảm bảo gió lạnh tỏa đều hơn là được.
Lắp điều hòa quá sát trần
Đây cũng là 1 trong những sai lầm khi lắp điều hòa của nhiều khu chung cư. Vì cửa hút gió của điều hòa thường nằm ở mặt trên nên nếu để sát trần nhà, khả năng hút gió sẽ giảm đi đáng kể, kéo theo đó là thổi gió cũng không được tối ưu.
Hầu hết các nhà sản xuất đều lưu ý khi lắp đặt dàn lạnh cách ít nhất khoảng 20 - 30cm so với trần để hạn chế ảnh hưởng khi hoạt động.
Thấy mát thì tắt, nóng lại mới bật
Đây là quan niệm vô cùng sai lầm của không ít người, vô tình khiến máy lạnh phải hoạt động công suất cao nhiều hơn gây tốn điện hơn. Hầu hết các máy lạnh hiện đại bây giờ đều dùng máy nén biến tần (inverter), tự động điều chỉnh cường độ hoạt động so với mức nhiệt cài đặt, đảm bảo nhiệt trong phòng không biến thiên quá nhiều nên tự nó đã tiết kiệm điện giúp mình, không cần lo lắng nữa.
Điều quan trọng mà chúng ta có thể thay đổi được là hạn chế giảm nhiệt quá nhiều, giữ mức vừa phải (khoảng 25 - 28 độ là tốt nhất) để cảm thấy mát mẻ dễ chịu nhất mà không lo hóa đơn điện tăng đến mức giật mình.
Chưa hỏng chưa thay
Nhiều gia đình đã lắp điều hòa từ rất lâu, hồi còn chưa có công nghệ inverter. Chúng có thể vẫn làm mát được thật nhưng chính vì không có inverter nên khi hoạt động tốn rất nhiều năng lượng không đáng có. Cụ thể là sẽ tự bật và tắt liên tục khi đạt ngưỡng nhiệt độ cài sẵn khiến dàn nóng và dàn lạnh phải hoạt động hết công suất để duy trì mức nhiệt.
Vì thế, nên cân nhắc thay mới để hạn chế tốn điện về lâu dài, ít nhất trong 7 - 10 năm nữa. Ngoài ra, nhiều dòng điều hòa mới cũng có các tính năng tiện lợi hơn, ví dụ như cảm biến iFeel, phát hiện người ra khỏi phòng để tự động tắt, chế độ gió coanda, gió tỏa đều hay điều khiển từ xa qua Wifi…
Không vệ sinh, bảo trì thường xuyên
Thường thì mỗi năm, chúng ta nên tự tháo lớp màng lọc bụi của dàn lạnh ra tự vệ sinh 1 - 2 lần khi chuyển mùa để hạn chế bụi bẩn, lông tóc dính lại, tăng hiệu quả hút gió và cũng hạn chế vi khuẩn, mùi hôi hay nấm mốc phát triển bên trong. Nhiều gia đình sống ở nơi bụi bặm nhiều nhưng không biết vệ sinh khiến máy hoạt động kém hiệu quả hơn và từ đó tốn nhiều tiền điện hơn.
Quá trình bảo trì thì nên thực hiện 1 - 2 năm 1 lần là đủ, hoặc khi thấy điều hòa hoạt động bất thường mà không rõ nguyên do. Tuy nhiên, nên chọn các dịch vụ bảo trì uy tín, có tiếng để tránh bị lừa.
Không tận dụng chế độ hút ẩm
1 trong những nguyên nhân gây nóng nực, khó chịu trong mùa hè, nhất là ở miền Bắc, là vì độ ẩm không khí quá cao khiến mồ hôi dính bết lại trên da, tạo cảm giác bí bách hơn kể cả khi nhiệt độ không quá cao.
Chế độ hút ẩm hay còn gọi là chế độ làm khô của điều hòa chỉ tập trung hút bớt độ ẩm trong không khí, từ đó giúp mồ hôi bay nhanh, khả năng tự làm mát của cơ thể hiệu quả hơn nên sẽ thấy đỡ nóng hơn mà không cần giảm nhiệt nhiều.
Tuy nhiên, rất nhiều điều hòa khi bật chế độ này không cho tăng giảm nhiệt độ theo ý muốn nên chỉ phù hợp với những ngày nhiệt độ không quá cao mà độ ẩm trên 70%. Các mẫu điều hòa có cho phép giảm nhiệt thêm khi hút ẩm thì tất nhiên sẽ tiêu tốn thêm điện năng, nhưng nhìn chung vẫn sẽ không quá nhiều như chế độ làm mát bình thường. Ngoài ra, bạn cũng nên mua thêm 1 chiếc nhiệt kế kèm đo độ ẩm để biết chắc nó nên dùng chế độ làm khô này hay không.
Không dùng kèm quạt
Vừa dùng điều hòa, vừa bật quạt mà lại đỡ tốn điện? Nghe có vẻ sai nhưng thực ra lại rất đúng.
Lý do là bởi quạt giúp phân bổ hơi mát nhanh hơn, rộng hơn và tạo cảm giác mát hơn khi thổi vào người. Vì thế, chúng ta sẽ không cần phải giảm nhiệt quá nhiều để cảm thấy dễ chịu như mong muốn.
Tuy nhiên, để tiết kiệm điện hơn nữa, bạn chỉ nên bật quạt ở mức nhỏ hoặc chọn mua các loại quạt công suất thấp sẵn hoặc loại quạt đối không khí rồi dùng kèm chế độ hút ẩm của điều hòa. Ví dụ như các mẫu quạt của Xiaomi dùng động cơ DC, công suất tối đa chỉ khoảng 25W là vừa đủ mà còn tích hợp pin để dùng khi mất điện và Wifi để điều khiển từ xa.
Theo Trí thức trẻ/ Báo Tổ quốc