Đó là ý kiến của TS Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam) gửi tới VietNamNet được thể hiện dưới bài viết dưới đây.

Những ngày gần đây, con đường hoa Phong linh dài khoảng 400m trong khuôn viên khu đô thị Park City, phường La Khê, quận Hà Đông trở thành địa điểm thu hút nhiều người tới tham quan, chụp ảnh bởi hoa Phong linh và hoa Gạo đang vào mùa nở rộ.

Dù tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp nhưng người dân diện áo dài và nhiều mẫu thời trang khác nhau để ghi lại những bức ảnh đáng nhớ. Nhiều thời điểm con đường hoa này trở nên "thất thủ".

Lượng người tới chụp ảnh rất đông, xe máy, ôtô chật kín bãi đỗ. Nhiều người thuê cả ê kíp thợ chụp ảnh, thợ trang điểm, mang theo rất nhiều áo dài, váy, chuẩn bị thang, ghế cao để dễ dàng chụp ảnh cùng hoa, đồng thời hạn chế vướng người qua lại.

{keywords}
Nhiều người mong muốn ghi lại khoảnh khắc đẹp ở đường hoa phong linh ở Hà Nội (Ảnh: Đình Hiếu)

Qua sự việc này cho thấy một bộ phận người dân Hà Nội sớm có tâm lý chủ quan trước diễn biến phức tạp của dịch bệnh. Cảnh tượng người dân kéo đến chật kín con đường hoa Phong linh dài khoảng 400m khi Hà Nội vẫn đang liên tục dẫn đầu cả nước về số ca nhiễm Covid-19 khiến nhiều người lo ngại.

Bài học đắt giá

 Bản thân tôi cũng đi cùng hai người bạn thử ra con đường này xem có đẹp như dân tình khen ngợi trên khắp các báo hay không và đã được chứng kiến một biển người không đeo khẩu trang chen lấn, tranh nhau chụp ảnh, trong đó không ít gia đình đưa theo cả con nhỏ - đối tượng chưa được tiêm chủng. Chúng tôi đã quay xe đi về luôn khi chứng kiến biển người đông đúc thi nhau chụp ảnh bằng mọi giá. Hình ảnh này một lần nữa lại nhắc chúng ta cần nhớ lại bài học đắt giá của Ấn Độ - đó là bài học về hành vi cộng đồng, bài học về coi thường dịch bệnh.

 Chúng tôi thực sự có cảm giác ớn lạnh khi nghĩ về Hà Nội suốt nhiều tháng qua căng mình chống dịch, số ca nhiễm tăng cao, luôn dẫn đầu cả nước. Sau hơn 2 năm chống dịch thì có lẽ đến bây giờ, không ai không biết về cơ chế lây lan chóng mặt của loại dịch bệnh này. 

Trong khi dịch vẫn diễn biến phức tạp, khó lường, các quy định về phòng chống dịch chỉ mới được “nới lỏng” chứ chưa hoàn toàn được “gỡ bỏ”. Một số người dân vẫn chủ quan trong công tác phòng, chống dịch, vẫn bất chấp khả năng nguy cơ nhiễm bệnh để chụp được những tấm ảnh đẹp như vậy thì không biết đến khi nào Hà Nội mới giảm được số ca nhiễm Covid-19?.

Phải chăng, người dân Hà Nội đã sớm "ngủ quên" trước đại dịch? Liệu người dân có nghĩ rằng việc chống dịch không thế phó mặc cho chính quyền, các lực lượng chức năng, đội ngũ y bác sĩ tuyến đầu mà điều căn bản nhất lại nằm ở ý thức phòng và chống dịch của bản thân mỗi người?

Vui nhưng phải có ý thức

Nới lỏng trong bình thường mới không có nghĩa là buông xuôi, phải luôn kiểm soát tình hình dịch. Bởi nếu 1 ca F0 xâm nhập vào thành phố, dịch Covid-19 tại Hà Nội hoàn toàn có nguy cơ bùng phát trở lại và tạo ra nhiều chùm lây nhiễm nghiêm trọng. 

Nhiều người lấy lý do sau nhiều tháng dịch bệnh, ít được đi chơi, việc ra ngoài cảm nhận vẻ đẹp của con đường ngập hoa là nhu cầu chính đáng, là một cách để giảm stress sau những tháng ngày tù túng chỉ quanh quẩn trong nhà. Nhưng liệu người dân có nghĩ nếu trong đám đông hàng nghìn người đến chụp ảnh ở con đường hoa phong linh có một ai đó là F0 chưa được phát hiện thì con đường chống dịch phía trước tiếp tục dài thêm và những tháng ngày phong tỏa, hạn chế đi lại sẽ bắt buộc phải áp dụng lại?

Cũng có người lý do rằng, Hà Nội đã hoàn thành việc tiêm phủ vắc xin mũi 3 cho người dân từ 18 tuổi trở lên và có thể tạm yên tâm với dịch. Tuy nhiên, cần ý thức rằng việc tiêm vắc xin chỉ giúp chúng ta hạn chế diễn biến nặng khi mắc Covid-19 chứ không phải hoàn toàn miễn nhiễm. Rất nhiều người dân đã được tiêm đủ 3 mũi vắc xin nhưng vẫn bị nhiễm bệnh…

{keywords}
Rất nhiều người chụp ảnh tại vỉa hè của đường hoa phong linh (Ảnh: Đình Hiếu)

Chúng ta có quyền làm những việc khiến mình vui vẻ nhưng phải luôn thường trực ý thức trong đầu rằng chúng ta đang sống trong giai đoạn dịch bệnh diễn biến phức tạp. Chúng ta đang nỗ lực khống chế dịch để đưa cuộc sống sang giai đoạn “bình thường mới”. Chúng ta đang tìm cách thích ứng để kiểm soát và “sống chung với dịch” nhưng tuyệt đối không nên chủ quan “liều mình với dịch” như vậy...

Vui một cách có ý thức, mỗi người tự kiểm soát hành động của mình, việc hạn chế tập trung đông người và thực hiện nghiêm quy định 5K là điều kiện tiên quyết để chúng ta sớm khống chế được dịch bệnh - điều đó phụ thuộc rất nhiều vào ý thức của mỗi người. Đó cũng là cách hiệu quả nhất để giảm tải cho đội ngũ đang làm công tác chống dịch nơi tuyến đầu, giảm tải cho hệ thống y tế, các y bác sĩ.

Chỉ khi mỗi người dân có ý thức chấp hành các quy định về phòng, chống dịch; có tinh thần trách nhiệm cao, đồng lòng cùng Nhà nước chống dịch, mới tạo nên "lá chắn" vững chắc để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, sớm đưa xã hội trở lại trạng thái bình thường mới.

TS Vũ Thị Minh Huyền (Học viện Y-Dược học cổ truyền Việt Nam)

Nghìn người không đeo khẩu trang chụp ảnh, đường hoa phong linh bị đóng cửa

Nghìn người không đeo khẩu trang chụp ảnh, đường hoa phong linh bị đóng cửa

Từ ngày 19/3, con đường hoa phong linh và hoa gạo tại một khu đô thị (phường La Khê, quận Hà Đông, Hà Nội) sẽ đóng cửa để đảm bảo công tác phòng chống dịch Covid-19.