Tối 4/4, TAND cấp cao tại TPHCM tuyên giảm án 3 tháng tù đối với bà Nguyễn Phương Hằng. Những đồng phạm còn lại trong vụ án được tòa tuyên giảm 6 tháng so với án sơ thẩm.
Trước đó, bà Hằng bị TAND cấp sơ thẩm tuyên phạt mức án 3 năm tù về tội Lợi dụng các quyền tự do dân chủ xâm phạm lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân.
Bà Nguyễn Phương Hằng hối hận về hành vi mình đã thực hiện, hoàn thành các nghĩa vụ về trách nhiệm dân sự, nên HĐXX cấp phúc thẩm quyết định giảm nhẹ hình phạt.
"Bị cáo chỉ mong tòa giảm cho bị cáo 1 ngày, 1 tháng. Dù 1 ngày bị cáo cũng thấy hạnh phúc", bà Phương Hằng vừa khóc vừa trình bày dù không có đơn kháng cáo.
Bà Phương Hằng bị bắt tạm giam vào ngày 24/3/2022. Tính từ ngày bị bắt tạm giam đến nay (5/4), bà Hằng đã chấp hành án được 2 năm 11 ngày. Như vậy, bà Hằng còn phải chấp hành bản án trên đến ngày 24/12/2024, tức còn 8 tháng 19 ngày là hết thời gian phạt tù.
Theo quy định của pháp luật về thi hành án, người thi hành án còn được giảm án nếu chấp hành án tốt. Do đó, bà Hằng có thể còn được giảm án vào các đợt giảm án nữa.
Việc tha tù trước hạn có điều kiện được quy định tại Điều 66 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017. Theo đó, người được tha tù cần có các điều kiện như có nhiều tiến bộ, có ý thức cải tạo, phạm tội lần đầu, có nơi cư trú rõ ràng, chấp hành được ít nhất 1/3 thời hạn đối với hình phạt tù từ 30 năm trở xuống hoặc 12 năm đối với án tù chung thân…
Với việc bà Nguyễn Phương Hằng không có đơn kháng cáo, nhưng vẫn được giảm án, nhiều người đặt câu hỏi tòa cấp phúc thẩm có thẩm quyền hay không.
Theo quy định tại Khoản 3, Điều 357 Bộ luật Tố tụng hình sự hiện hành, trường hợp có căn cứ HĐXX phúc thẩm có thể sửa án sơ thẩm theo hướng giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo không kháng cáo hoặc không bị kháng cáo, kháng nghị.
Trên thực tế, việc tòa cấp phúc thẩm quyết định giảm án cho các bị cáo không kháng cáo không hiếm. Đơn cử trong vụ án Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba do Nguyễn Thái Luyện và đồng phạm thực hiện.
Trong vụ án trên, mặc dù không có kháng cáo, Huỳnh Thị Tú Trinh (nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) được tòa giảm nhẹ 1 năm tù (sơ thẩm 12 năm tù). Ngoài Trinh, trong vụ án này cấp phúc thẩm cũng giảm nhẹ hình phạt cho 6 người khác khi không có kháng cáo.
Theo nội dung vụ án, từ tháng 3/2021 đến tháng 3/2022, bà Phương Hằng và 4 bị cáo đã lợi dụng quyền tự do dân chủ, xâm phạm lợi ích hợp pháp của 10 cá nhân.
Cụ thể, bà Hằng là Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đại Nam (tỉnh Bình Dương) được nhiều người trên mạng xã hội biết đến. Từ tháng 3/2021, bà Hằng đã sử dụng điện thoại di động, máy tính xách tay và máy quay phim, đăng nhập vào 12 tài khoản mạng xã hội do bà này quản lý. Bà thực hiện nhiều buổi livestream, phát ngôn trực tiếp trên Internet với nội dung bịa đặt, sai sự thật, xúc phạm nghiêm trọng uy tín, danh dự các cá nhân.
Bà Hằng còn đưa lên không gian mạng những thông tin thuộc bí mật cá nhân, bí mật gia đình và đời sống riêng tư của nhiều người, trái quy định của pháp luật.
Theo Dân Trí