Giáo dục tài chính ngày càng phổ biến trên thế giới. Theo khảo sát của OECD (tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế), có 59 quốc gia đã xây dựng chiến lược quốc gia để giáo dục tài chính, khu vực Đông Nam Á có Singapore và Malaysia đã xây dựng chiến lược này.

Việt Nam là đất nước có tiềm năng phát triển rất mạnh mẽ, đặc biệt hướng tới xây dựng quốc gia khởi nghiệp nên cần giáo dục để học sinh hiểu biết về tài chính trong nước và thế giới, biết vận dụng hiệu quả kiến thức, kỹ năng đã học để giải quyết vấn đề trong học tập và đời sống.

Theo OECD, giáo dục tài chính cá nhân trong trường học được định nghĩa là: “Việc giảng dạy về kiến thức tài chính, sự hiểu biết, kỹ năng, hành vi, thái độ và giá trị mà sẽ giúp cho học sinh đưa ra quyết định tài chính khôn ngoan và hiệu quả trong cuộc sống hằng ngày và khi trở thành người lớn”.

Trong chương trình giáo dục phổ thông hiện hành tai Việt Nam (ví dụ hệ Cambridge), giáo dục tài chính được đưa vào sách giáo khoa thể hiện rõ nhất là môn Toán. Theo đó, chương trình sẽ cung cấp cho học sinh những hiểu biết và năng lực tài chính cốt lõi. Cụ thể, ở lớp 2, học sinh nhận biết được tiền thông qua hình ảnh một số tờ tiền USD; lớp 3: nhận biết được mệnh giá của các đồng tiền xu, mệnh giá tờ tiền giấy.

W-minhoa.jpg
Ảnh minh hoạ

Tại Việt Nam, đến nay đã có hơn 140 trường tiểu học của Việt Nam đưa nội dung giáo dục tài chính vào chương trình học, chủ yếu là các trường tiểu học ở Hà Nội và Hưng Yên. Giáo trình được sử dụng tại các trường tiểu học này là giáo trình Cha-Ching, được Quỹ Prudence Foundation của tập đoàn Prudential châu Á kết hợp với Cartoon Network thiết kế. Chương trình này được triển khai ở Việt Nam qua tổ chức Tuổi trẻ thành đạt (JA Việt Nam). Phóng sự cho thấy các em học sinh đều háo hức, thảo luận sôi nổi mỗi khi đến tiết học về tài chính Cha-Ching.

Xoay quanh vấn đề giáo dục tài chính cho trẻ với phần chia sẻ hữu ích của PGS.TS. Trần Thành Nam trong một  chương trình trên VTV cho rằng, từ lý thuyết áp dụng vào thực tiễn, trẻ được thực hành kỹ năng ngay trong cuộc sống hàng ngày

Năng lực tài chính cần được hình thành ở các em nhỏ bao gồm khả năng nhận thức, đánh giá, và giao tiếp một cách tự tin về tiền và dịch vụ tài chính. Tuy những khái niệm trên mang tính chất vĩ mô nhưng nếu được truyền tải bằng cách thức gần gũi, điển hình là qua những tập phim hoạt hình vui nhộn kết hợp một số bài thực hành đơn giản trong tiết học Cha-Ching thì hiệu quả giáo dục tài chính được mang lại là rất cao.

Nếu được giáo dục tài chính từ sớm sẽ giúp các em nhỏ biết cách thức chi tiêu thông minh, vì giới trẻ bây giờ phải đối diện với nhiều quyết định tài chính phức tạp hơn người lớn thời trước. "Chính vì vậy, nội dung này đã nhanh chóng được đưa vào triển khai tại nhiều chương trình phổ thông bắt buộc trên thế giới, trong đó có Việt Nam", ông Nam nhấn mạnh.

Việc đưa giáo dục tài chính vào chương trình giáo dục phổ thông mới thể hiện tầm nhìn của Chính phủ, Bộ Giáo dục và Đào tạo khi hướng tới sự phát triển toàn diện của đất nước, phát triển các công dân toàn cầu đáp ứng nhu cầu của đất nước và thế giới.

Ngọc Tuân và nhóm PV, BTV