Sìn Hồ là một trong những huyện đặc biệt khó khăn của tỉnh Lai Châu. Trong tổng số 22 xã, thị trấn trên địa bàn, thì huyện Sìn Hồ có tới 17 xã thuộc khu vực III, 178 bản đặc biệt khó khăn. Hộ nghèo, hộ cận nghèo trong huyện chiếm tỷ lệ cao. Địa bàn rộng, giao thông không thuận lợi, trình độ dân trí không đồng đều, tập quán canh tác còn lạc hậu...
Những năm qua, huyện đã chủ động tiến hành rà soát danh sách các hộ nghèo, lựa chọn, bình xét dân chủ để phân bổ, hỗ trợ giống cây trồng, vật nuôi, thiết bị máy móc hỗ trợ sản xuất theo nhu cầu của người dân…. Thông qua nguồn hỗ trợ, bà con những vùng khó khăn trên địa bàn có thêm nguồn lực phát triển kinh tế, từng bước ổn định đời sống.
Nhiều chương trình giảm nghèo giúp người dân Sìn Hồ vươn lên làm giàu. |
Noong Hẻo là xã đặc biệt khó khăn (ĐBKK) của huyện Sìn Hồ (Lai Châu). Hơn 10 năm trước, khi địa phương này bị cơn lốc và ma túy càn quét, cuộc sống của người dân tiêu điều, xơ xác. Nhưng những năm gần đây, nhờ thực hiện hiệu quả các chương trình, chính sách như: Xây dựng cơ bản, hỗ trợ phát triển sản xuất từ nguồn vốn Chương trình 135… Nhờ đó điều kiệnkinh tế - xã hội đã từng bước phát triển, đời sống người dân đang thay đổi từng ngày.
Cũng từ nguồn vốn đầu tư của Chương trình 135, nhiều công trình thủy lợi được đầu tư xây dựng cung cấp nước cho sản xuất, giúp bà con trong xã sản xuất lúa nước được 2 vụ. Bên cạnh đó, Chương trình còn hỗ trợ nhiều giống cây trồng, vật nuôi cho năng suất, sản lượng cao phù hợp với điều kiện sản xuất, nhu cầu của người dân, nhờ đó cuộc sống người dân ngày càng no ấm hơn.
Có thể nhận thấy nhiều chương trình hỗ trợ theo từng nhu cầu cho những người nghèo ở Sìn Hồ đã và đang tạo điều kiện gúp địa phương này thay đổi.
Theo thống kê của Phòng Dân tộc Sìn Hồ, trong giai đoạn 2016 - 2020, trên địa bàn huyện có 21 xã, thị trấn với tổng số 177 bản ĐBKK được triển khai Chương trình 135. Riêng đối với Dự án hỗ trợ sản xuất, từ năm 2016 đến nay, huyện được phân bổ 12,783 tỷ đồng. Theo đó, các loại máy móc hỗ trợ sản xuất, giống cây trồng, vật nuôi đều bảo đảm chất lượng, phù hợp với nhu cầu của người dân. Qua đó, giúp huyện giảm tỷ lệ hộ nghèo 3 - 4%/năm.
Ông Giàng A Páo, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Sìn Hồ cho biết, Để thực hiện Chương trình, hàng năm huyện đều chỉ đạo các xã phải tiến hành rà soát danh sách các hộ nghèo. Danh sách này được công khai đến từng hộ, sau đó các thôn bản tiến hành bình xét dân chủ, công khai và chính quyền địa phương sẽ có phương án hỗ trợ cụ thể. Các hạng mục công trình được xây dựng trên địa bàn xã, bản đều có sự tham gia của người dân.
Được biết, nhờ thực hiện đồng bộ các chính sách, chương trình giảm nghèo mà tỷ lệ hộ nghèo của huyện Sìn Hồ đã giảm từ 52,52% đầu năm 2016 xuống còn 29,12% vào cuối năm 2019.
Thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn huyện cũng tăng lên rõ rệt, đến hết năm 2019 đạt 26.700.000 đồng/người/năm, tăng 12.700.000 đồng/người/năm so với cuối năm 2015.
Tuyết Nhung
Ảnh: Kim Chi