Ngày 24/8, TAND TP Hà Nội đưa các bị cáo trong đường dây mang thai hộ ra xét xử tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”.
Các bị cáo hầu tòa gồm: Đinh Thị Bình (SN 1993, ở Thanh Oai), Dư Văn Linh (SN 1989, chồng bị cáo Bình), Dư Văn Giang (SN 1984, anh trai bị cáo Linh), Dư Văn Kiên (SN 1982, anh trai bị cáo Linh), Đinh Thị Thiện (SN 1995, em gái bị cáo Bình), Nguyễn Bá Minh (SN 1990, chồng bị cáo Thiện), Lê Văn Đạo (SN 1983, ở Thanh Oai).
Theo cáo buộc, bị cáo Bình vốn không có nghề nghiệp, để có tiền tiêu xài, bị cáo nảy sinh ý định tổ chức đường dây mang thai hộ.
Khoảng đầu năm 2021, bà Bình đến Bệnh viện Đa khoa 16A Hà Đông, Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc để lân la làm quen với những người có nhu cầu nhờ mang thai hộ.
Bị cáo thỏa thuận chi phí mang thai hộ từ 650- 700 triệu đồng/trường hợp, nếu mang thai đôi phải trả thêm từ 30- 50 triệu đồng, thanh toán theo giai đoạn do bị cáo đặt ra.
Sau đó, bà Bình yêu cầu những người nhờ mang thai hộ cung cấp tinh trùng (nếu chưa làm thụ tinh nhân tạo để thành phôi) để đưa đến các bệnh viện cấy phôi vào tử cung của người nhận mang thai hộ.
Để tuyển chọn những người phụ nữ nhận mang thai hộ, bà Bình tham gia hội “Mang thai hộ vì mục đích nhân đạo giúp các gia đình vô sinh hiếm muộn” và đăng nhiều bài viết với nội dung “Hỗ trợ hồ sơ mang thai hộ, hồ sơ xin trứng, cung cấp người hiến trứng, tư vấn xin trứng và mang thai hộ miễn phí…” và để lại số điện thoại.
Sau khi tìm được những người nhận mang thai hộ, bà Bình đưa họ về căn hộ chung cư để chờ xét nghiệm khi có người thuê mang thai hộ.
Tổ chức mang thai hộ
Tổ chức việc mang thai hộ, bà Bình rủ chồng là bị cáo Dư Văn Linh cùng tham gia. Ông Linh được giao nhiệm vụ đưa những người mang thai hộ đi nộp hồ sơ, khám, xét nghiệm, thụ tinh tại Bệnh viện hỗ trợ sinh sản và Nam học Đức Phúc, Bệnh viện phụ sản Hà Nội.
Phía Bệnh viện yêu cầu các trường hợp thụ tinh nhân tạo phải có chứng nhận kết hôn hoặc chứng nhận độc thân kèm theo người hiến tinh trùng.
Để hợp thức hóa hồ sơ khi vào bệnh viện làm các xét nghiệm, thụ tinh, bà Bình cùng vợ chồng em gái là bị cáo Thiện và Minh làm giả giấy chứng nhận kết hôn và giấy chứng nhận độc thân cho người mang thai hộ với giá 500.000 đồng/giấy xác nhận tình trạng hôn nhân, 1 triệu đồng/giấy chứng nhận kết hôn.
Bị cáo đưa các giấy tờ giả này cho người mang thai hộ nộp vào bệnh viện để làm thủ tục thụ tinh nhân tạo. Ngay sau khi thụ tinh thành công, bị cáo Bình thu hồi lại rồi hủy bỏ.
Khi những người nhờ mang thai hộ không muốn tiết lộ nhân thân, bị cáo Bình nhờ bị cáo Dư Văn Giang và Dư Văn Kiên đóng giả làm chồng của những người mang thai hộ.
Quá trình làm nghề môi giới bán trứng, tư vấn hỗ trợ sinh sản, bà Bình thường đưa người hiếm muộn đến khám tại phòng xét nghiệm Folap (ở quận Hà Đông, Hà Nội) sàng lọc trước sinh, ung thư sớm. Tại đây, bị cáo quen biết với bị cáo Lê Văn Đạo, là nhân viên xét nghiệm. Quá trình quen biết, bị cáo Đạo biết bà Bình tổ chức mang thai hộ nên đã nhờ tổ chức mang thai hộ cho chú họ là ông Lê Hồng Th.
CQĐT xác định, từ giữa năm 2021 đến tháng 4/2022, đường dây mang thai hộ của bị cáo Bình đã tổ chức mang thai hộ 8 vụ. Trong đó, bị cáo Bình thu lợi bất chính 232 triệu đồng, bị cáo Đạo hưởng lợi 15 triệu đồng, những người khác không được hưởng lợi.
Ngoài ra, các bị cáo Minh, Thiện, Bình còn làm giả hàng chục giấy tờ, tài liệu của cơ quan tổ chức. Trong đó, vợ chồng bị cáo Thiện được hưởng lợi 10 triệu đồng.
Có 3 người đàn ông từng bỏ tiền để nhờ các bị cáo tổ chức mang thai hộ có mặt tại tòa. 2/3 người cho hay, họ đã thực hiện thành công việc nhờ người mang thai hộ, con họ giờ đều khỏe mạnh.
Một người đàn ông cho hay, sau khi về hưu, vì muốn có con trai “nối dõi” nên đã tìm người đẻ thuê để có được cậu con trai như ý muốn.
Sau khi xem xét, HĐXX tuyên phạt bị cáo Bình mức án 5 năm, 6 tháng tù vì tội “Tổ chức mang thai hộ vì mục đích thương mại” và “Làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức”. Với cùng tội danh, các bị cáo còn lại nhận án từ 9 tháng tù treo đến 5 năm tù.