Có hai loại móc túi trên xe buýt, là "móc" và "xả". Thủ đoạn quen thuộc của bọn "móc" là đứng lẫn vào dòng người đợi chờ xe buýt, áp sát, chen lấn, xô đẩy để móc túi rồi chuyền đưa tang vật cho đối tượng khác để tẩu tán.

TIN BÀI KHÁC


Đối tượng quen dùng "xả" thì luôn có một mẩu dao lam giấu dưới lưỡi, khi áp sát "con mồi" thì nhè ra tay để cắt túi, rạch áo quần, thủ đoạn tinh vi hơn nên được cho là cao tay hơn bọn "móc".

Hiện nay, tại Hà Nội có nhiều điểm dừng đỗ xe buýt còn phức tạp về tình trạng trộm cắp gây bức xúc trong nhân dân, như trước cổng Siêu thị Big C, Đại học Công nghiệp Hà Nội, Đại học Thương mại, Trạm trung chuyển Cầu Giấy, trước số nhà 549 Nguyễn Văn Cừ, cửa chợ Long Biên, đối diện Bến xe Mỹ Đình… Chúng tôi có một ngày theo chân các trinh sát của Công an Hà Nội đi truy quét các đối tượng trộm cắp này.

Phác thảo bộ mặt bọn móc túi

Sáng sớm, Thượng sỹ Nguyễn Văn Hoàn đã đợi chúng tôi tại cổng tòa nhà nổi tiếng của Công an Hà Nội, số 7 Thiền Quang, rồi cùng nhanh chóng nhằm hướng Cầu Giấy di chuyển. Khi đã gần đến nơi, Hoàn rút điện thoại, "alô" cho một số cán bộ phụ trách công tác an ninh của Công ty xe buýt. Chỉ ít phút sau, anh em trong lực lượng phối hợp đã có mặt. Tôi đi theo tốp của Hoàn, phục kích tại điểm dừng xe buýt trên đường Phạm Hùng, đối diện bến xe Mỹ Đình.

Thượng sĩ Hoàn cho biết: "Bọn trộm cắp tại các bến xe buýt rất ranh ma, xảo quyệt. Bọn chúng cũng "rình" lực lượng chức năng, nếu thấy "động" là nằm im, hoặc di chuyển ngay đến địa bàn khác. Đôi khi có cả một số người bán nước, xe ôm, cũng tiếp tay cho bọn trộm cắp.

Theo chỉ dẫn của Hoàn, tôi không mấy khó khăn để xác định các đối tượng trộm cắp, dù có khi chúng ăn mặc lịch sự như một sinh viên, hay quần soóc áo phông, đều không thể che giấu được ánh mắt gian giảo láo lơ. Các đối tượng thường có độ tuổi từ 18-25, không công ăn việc làm, là dân lang thang ở các tỉnh dạt về quy tụm sống bầy đàn với nhau, đa số có tiền án tiền sự, nghiện hút, không ít kẻ mang mầm bệnh HIV.


Hai đối tượng móc túi bị bắt quả tang tại Bến xe Mỹ Đình

Có hai loại móc túi, là "móc" và "xả". Thủ đoạn quen thuộc của bọn "móc" là đứng lẫn vào dòng người đợi chờ xe buýt, áp sát, chen lấn, xô đẩy để móc túi rồi chuyền đưa tang vật cho đối tượng khác để tẩu tán. Đối tượng quen dùng "xả" thì luôn có một mẩu dao lam giấu dưới lưỡi, khi áp sát "con mồi" thì nhè ra tay để cắt túi, rạch áo quần, thủ đoạn tinh vi hơn nên được cho là cao tay hơn bọn "móc".

Mỗi nhóm trộm ít nhất có 2 tên, cá biệt có nhóm đông đến hơn 10 tên cùng phối hợp trộm cắp. Chúng thường hoạt động di động theo các tuyến xe chứ không đứng cố định tại một điểm. Và mỗi nhóm đều có liên hệ ngầm với một số tay tiêu thụ đồ gian khác để được bảo kê, nên sẵn sàng "xử lý" ngay nếu có đối tượng khác dám bén mảng đến địa bàn của chúng "làm ăn".

Khi trộm cắp được tài sản, chúng thường chỉ lấy tiền và vứt bỏ ví, giấy tờ, đôi khi giao lại cho các người bán nước tại các địa điểm dừng xe để nhóm người này tiếp tục làm tiền người bị hại khi có nhu cầu chuộc lại đồ bị mất. Nếu tài sản là điện thoại thì chúng thường tháo bẻ sim ngay, và rao bán cho một đối tượng chuyên "thầu" thu mua mặt hàng này.

Suốt cả ngày di chuyển, mật phục tại các điểm dừng đỗ xe buýt phức tạp về tình trạng trộm cắp ở khu vực Cầu Giấy, phơi mặt trên đường bụi mù, hai chân tôi tê mỏi không chịu nổi. Nhưng Hoàn và các anh em khác khá điềm tĩnh, vẫn rất chuyên tâm trong công việc. Cũng kì lạ, bọn trộm cắp hôm nay có lẽ thấy "động" hay sao, mà khá im ắng.

Tại điểm dừng đỗ xe buýt trước cổng Trường Đại học Thương mại, nhóm 3 tên móc túi quen mặt lại ngồi tụt hẳn ra phía sau, cách dòng người đang chen chúc lên xe một khoảng. Một "nữ quái" ăn mặc xộc xệch, mặt đeo kín khẩu trang, chân đi dép tổ ong cũng chỉ lượn lờ như một người rỗi việc suốt cả tiếng đồng hồ, không hành động táo tợn như những lúc khác. Có vẻ chúng thấy anh Lưu Nguyên Khang cùng anh Lê Thanh Nghị, hai cán bộ thanh tra xe buýt của Tổng Công ty Vận tải Hà Nội, là những người quen mặt mà tránh đi chăng? Anh Khang tính tình cương nghị, dáng người hùng dũng như một võ sư Thiếu Lâm, có thâm niên bắt trộm cướp nhiều năm nay, từng được ngành Công an khen thưởng nhiều lần về thành tích đấu tranh với tội phạm, nên không lạ gì giới móc túi ở Hà Nội này.

Xẩm tối, trở lại điểm dừng đỗ đối diện Bến xe Mỹ Đình, phát hiện hai đối tượng đang thò tay vào túi khách, tổ công tác lập tức ập đến bắt quả tang. Hai tên trộm chống trả quyết liệt, nhưng cũng nhanh chóng bị khống chế. Chúng khai mới từ Thái Nguyên xuống Hà Nội "làm ăn". Nhìn cái cảnh hai tên trộm rũ rượi kêu khóc van xin được tha, hoàn toàn trái ngược lúc chúng trộm cắp táo tợn, chống trả và đe dọa người dân.

Khi phát hiện tội phạm, hãy gọi 0977778189

Một người lái xe buýt tuyến 34 (Mỹ Đình - Gia Lâm) cho biết: "Trên xe, nếu hành khách phát hiện bị móc túi, chúng tôi đóng cửa điện xe để kiểm tra ngay, sẽ lộ mặt kẻ gian. Nhiều lúc, quan sát qua gương chiếu, tôi thấy có dấu hiệu móc túi, tôi lập tức cảnh báo hành khách, khiến bọn trộm cũng chùn tay. Bọn trộm không dám ăn cắp trên xe, chỉ lợi dụng lúc khách lên xuống xe để móc túi. Đầu bến và cuối bến chúng cũng không dám trộm, vì lực lượng bảo vệ bến nhẵn mặt. Chúng tôi luôn nhớ đường dây nóng của lực lượng Công an để thông tin bắt trộm cắp.


Bọn trộm thường lợi dụng lúc hành khách chen lấn lên xuống xe buýt để móc túi.

Trung tá Lê Kim Đồng, Đội phó Đội Phòng ngừa và đấu tranh trên tuyến và địa bàn (PC45 - Công an Hà Nội) cho biết: "Để phòng ngừa tình trạng trộm cắp, chúng tôi đã lắp đặt camera ở các điểm trung chuyển để theo dõi, ghi lại hình ảnh, lấy chứng cớ để truy xét, đấu tranh. Đồng thời, thông báo số điện thoại đường dây nóng (0977778189) tại 1.000 điểm dừng đỗ xe buýt để nhận thông tin từ bà con.

Ngoài việc thường xuyên vây bắt trực tiếp tại các địa điểm phức tạp, chúng tôi cũng vận động nhân dân bắt giữ, phối hợp với Công an phường gần nhất lập biên bản. Trong đợt cao điểm truy quét tội phạm này, chúng tôi đã truy quét 12 lần, bắt quả tang 4 vụ (5 đối tượng), xử phạt hành chính, răn đe 20 đối tượng. Chúng tôi sẽ tiếp tục đấu tranh quyết liệt với tình trạng trộm cắp ở các bến xe buýt, đảm bảo an ninh trật tự cho nhân dân.

(Theo CAND)