Nuôi đuông dừa cho lợi nhuận khá cao nhưng cũng “lợi bất cập hại” bởi loại côn trùng này có thể phá hoại hàng trăm hecta dừa trong một năm.

Đuông dừa từ lâu được xem là một món ăn “đặc sản” được nhiều “đại gia” săn lùng.

Trước kia, nguồn đuông dừa khá khan hiếm do hầu hết loại côn trùng này chỉ sống trong tự nhiên, thỉnh thoảng người dân mới bắt được và đem bán. Tuy nhiên, hiện nay nhiều người dân ở miền Tây đã tự tìm ra phương pháp nuôi đuông dừa để sẵn sàng cung cấp nguồn đuông hàng ngày cho các nhà hàng.

Người dân xứ dừa Bến Tre đều biết đuông dừa là một trong các loài làm dừa chết nhanh nhất. Tuy nhiên, người dân nơi đây bất chấp việc cấm nuôi sinh vật gây hại này, vẫn lén lút nuôi đuông dừa để bán cho các nhà hàng, thực khách vì giá rất cao, luôn hút hàng.

Nuôi đuông dừa công nghiệp

Những năm qua việc nuôi đuông dừa đã giúp không ít các hộ dân ở huyện Bình Đại, Mỏ Cày Bắc, Lương Hòa, Chợ Lách…, “đổi đời”.

Để tìm hiểu về nghề đặc biệt này chúng tôi đã tìm về xã Cái Mơn, huyện Chợ Lách để được tận mắt chứng kiến kỹ nghệ nuôi đuông dừa của một số hộ dân nơi đây.

Tại đây khi hỏi về nghề nuôi đuông dừa thì ông Nguyễn Văn Bình (người dân địa phương) cho hay: “Vài năm trước thì ở đây người ta nuôi đuông khá nhiều, nhưng giờ thấy đuông dừa sổng ra phá hoại dừa của bà con nên địa phương cấm hẳn.

{keywords}
Đuông dừa thường được nuôi trong thùng nhựa, thức ăn là thân, lá dừa được máy say nhuyễn bỏ vào.

Chỉ còn một số người vẫn lén lút nuôi đuông dừa theo kiểu “công nghiệp” và họ cũng lén lút giấu khá kỹ. Một số người thì chuyển sang tỉnh khác có ít cây dừa để nuôi vì nơi đó không bị cấm rồi chuyển nguồn thức ăn sang”.

Hỏi về kiểu nuôi đuông dừa “công nghiệp” thì ông Bình giải thích: “Đuông dừa thường sinh sản tự nhiên trên đọt dừa, trước kia thỉnh thoảng mới bắt được đem bán. Nhưng nay họ nhân giống nuôi số lượng lớn nên người dân ở đây gọi đó là nuôi công nghiệp, tức là nuôi đại trà. Nhiều người họ còn đầu tư cả máy móc để xay thức ăn cho đuông”.

Cũng theo ông Bình, rất khó phân biệt được đuông dừa tự nhiên và đuông dừa nuôi vì chúng có đặc điểm khá giống nhau và được nuôi trong môi trường cùng nguồn thức ăn như nhau. Có hay chăng có thể phân biệt được là đuông dừa tự nhiên thường trắng muốt hơn đuông dừa nuôi, nhưng điểm này rất khó nhận ra nếu không phải là người nuôi đuông dừa chuyên nghiệp.

Chúng tôi tìm đến nhà của ông Lê Thanh Trí (ngụ xã Cái Mơn, huyện Chợ Lách) một người đã “đổi đời” nhờ nghề nuôi đuông dừa.

Tiếp xúc với chúng tôi, ông Trí cho hay: “Trước kia đúng là ở đây nuôi đuông dừa nhiều thật, nhưng giờ địa phương cấm nên tôi đã chuyển hầu hết số đuông ở trại mình đi sang một tỉnh khác ít dừa để nuôi, hàng tuần tôi thu mua thức ăn (lá dừa, thân dừa – PV) để chuyển sang bên đó.

Ở nhà tôi bây giờ chỉ còn gần chục thùng đuông đã gần tới ngày xuất chờ họ xuống lấy thôi. Ở mấy địa phương khác như bên xã Lương Hòa (huyện Giồng Trôm), xã Thanh Tân (huyện Mỏ Cày Bắc) người ta vẫn còn lén nuôi nhiều. Còn ở đây cấm thì mình chuyển sang địa phương khác không có dừa mà nuôi thôi…”.

{keywords}
Đuông dừa được xem là một “đặc sản” được nhiều đại gia săn lùng.

Chia sẻ kỹ thuật để nuôi đuông dừa từ tự nhiên sang cách nuôi “công nghiệp” như người dân địa phương vẫn thường gọi, ông Trí cho biết ,ông phải mất nhiều năm nghiên cứu về kỹ thuật mới nuôi thành công.

Theo đó, nguồn đuông giống thu mua tại địa phương sau một thời gian thì ông phối giống cho đẻ và tuyển chọn giống thuần không bị nhiễm ký sinh thì số lượng đuông con (sùng và nhộng) thu hoạch mới nhiều.

“Mình phải chọn được giống tốt thì mới cho ra loại đuông con đẹp bán mới có giá. Nếu không biết tự chọn giống thì có thể mua đuông giống ở Đồng Nai, TP HCM và các tỉnh khác, hiện nay ở đó người ta nhân giống đuông và bán khá nhiều. Giá cả thị trường hiện tại thì một con đuông giống con được bán với giá khoảng 25.000 đồng và kiến vương được bán khoảng 35.000 đồng”, ông Trí cho hay.

Cũng theo ông Trí thì một vài năm nay để chọn giống tốt một số người nuôi đuông ở Chợ Lách thường lên tận một cửa hàng bán đuông giống ở gần Bệnh viện Long Thành (tỉnh Đồng Nai) mua con giống. Tuy giá đuông giống khá cao so với đuông bình thường nhưng theo ông Trí thì giống đuông ở đó khá tốt và sinh trưởng rất nhanh. Để chúng tôi tận mắt chứng kiến mô hình nuôi đuông “công nghiệp”, ông Trí dắt chúng tôi ra xem một số thùng đuông cuối cùng còn lại ở nhà mình.

Theo ông Trí thì trước kia ông bỏ ra khoảng gần 100 triệu để đầu tư gần 150 thùng nuôi đuông giống và máy xay thức ăn cho đuông. Tuy nhiên ông nuôi được vài năm thì chính quyền địa phương phát hiện và yêu cầu làm cam kết không được để đuông phát tán ra ngoài gây ảnh hưởng đến rừng dừa của các hộ dân xung quanh.

Đến nay thì tỉnh Bến Tre đã mạnh tay cấm nuôi đuông dừa nên ông Trí phải đưa cơ sở qua một điểm khác để nuôi.

{keywords}

Theo quan sát của chúng tôi, thì ông Trí nuôi đuông trong một nhà chòi có mái che, bên trong nhà chòi ông đặt một số thùng mủ để nuôi đuông giống sinh sản, các thùng đều được dùi lỗ để thoáng khí, bên trên được đậy nắp khá kỹ để kiến vương không bay ra ngoài.

Trong mỗi thùng có khoảng 10 con đuông trưởng thành (còn gọi là kiến vương) gồm 5 con đực và 5 con cái. Hiện tại các thùng đuông do chuẩn bị vào mùa thu hoạch nên hầu hết đuông nhộng đã lớn. Theo chia sẻ của ông Trí nếu như nuôi tiếp thì mỗi thùng đuông như vậy ông tiếp tục chọn lại 10 con nhộng đuông để làm giống cho mùa sinh sản sau.

Khóc ròng vì đuông dừa

Theo tìm hiểu của chúng tôi, việc nuôi đuông dừa tuy mang lại lợi nhuận khá cao cho các hộ nuôi loài côn trùng này, tuy nhiên, việc nuôi đuông dừa là “lợi bất cập hại”.

Bởi quanh những lợi ích về kinh tế cho các hộ nuôi thì cũng có không ít người dân địa phương phải khóc ròng vì từ lúc “rộ” lên phong trào nuôi đuông dừa cũng là lúc nhiều diện tích dừa bị phá hoại nghiêm trọng bởi loài côn trùng này. Nhiều hộ trồng dừa mất gần 50% thu nhập.

Chúng tôi tìm đến nhà ông Lê Hữu Khánh, ấp Phú Thạnh, xã Phú Thuận, huyện Bình Đại (tỉnh Bến Tre) một trong những nạn nhân của phong trào nuôi đuông dừa. Theo đó, ông Khánh trồng dừa trên 15 năm với diện tích 2.000 m2.

Khoảng 2 năm nay, khi vườn dừa nhà ông đang cho trái thì đuông dừa xuất hiện nhiều và tàn phá hơn 1.000m2 vườn dừa. Có những cây dừa bị đuông đục không còn cách cứu chữa buộc ông phải bứng gốc bỏ đi.

Ông Lê Hữu Khánh cho biết: “Đuông dừa là loại thù địch nhất của cây dừa. Chúng có khả năng phát tán nhanh và rộng, phá hủy nhanh diện tích vườn dừa. Một số người dân ở đây thấy lợi nhuận kinh tế nuôi đuông dừa mang lại cao nên đã lén nuôi.

Trong quá trình nuôi, thành trùng đuông dừa có khả năng bay ra ngoài và phát tán lây lan khiến chúng tôi hết sức khổ sở. Họ chỉ biết cái lợi riêng của họ chứ không nghĩ cho số đông người dân bởi Bến Tre là vùng đất người dân chuyên sống nhờ cây dừa”.

Không chỉ mình ông Khánh mà ông Phạm Văn Sang, ấp Phú Long, xã Phú Thuận những năm nay cũng đang rất khốn đốn vì nạn nuôi lén đuông dừa. Ông Sang chia sẻ: “Tôi vừa đốn bỏ 30 cây dừa trên diện tích 1.500 m2 do đuông dừa tàn phá và trồng mới lại vườn dừa. Đây là lần thứ 2 tôi phải trồng mới vườn dừa do bị đuông dừa phá hoại. Tôi đang lo đuông dừa tấn công 1ha dừa còn lại của gia đình”.

{keywords}
Một đĩa đuông dừa sau khi chế biến có giá lên đến vài triệu đồng.

Được biết, đuông dừa là loài côn trùng gây hại phổ biến trên các vườn dừa. Chúng thường gây hại bằng cách đẻ trứng vào lỗ kiến vương đã đục, trứng nở ra sâu non phá hại tàu hủ, xâm nhập ở đọt và ăn dần xuống thân. Cho nên, đuông dừa là loài dịch hại nguy hiểm nhất đối với cây dừa, khó phòng trừ.

Nghiêm cấm nuôi, phát tán đuông dừa

Để ngăn chặn tình trạng đuông dừa phá hoại dừa ở Bến Tre, vừa qua, UBND tỉnh Bến Tre vừa có chỉ thị về việc nghiêm cấm nhân, nuôi, phát tán đuông dừa.

Theo đó, UBND tỉnh giao Sở NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan tuyên truyền cho người dân hiểu về tác hại của đuông dừa. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, kịp thời xử lý nghiêm đối với những đối tượng có hành vi nhân, nuôi, phát tán đuông dừa trên địa bàn tỉnh.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, cơ chế phá hoại của loài kiến vương là đẻ trứng lên cây dừa. Sau đó trứng này phát triển thành con đuông đục khoét và ăn hết chất sinh trưởng trong cây dừa (cổ hũ dừa) khiến cây dừa chết. Do đó, việc nhân, nuôi đuông dừa (để làm mồi nhậu) gián tiếp tạo điều kiện phát tán loài côn trùng có nguy cơ gây hại đến diện tích vườn dừa tỉnh Bến Tre.

Theo ghi nhận của phóng viên chúng tôi sau khi có quyết định cấm triệt để việc nuôi và phát tán đuông dừa tại Bến Tre này, thì nhiều người dân ở các địa phương nuôi đuông dừa từ trước đến nay đã tìm cách chuyển đuông đi nơi khác nuôi hoặc bỏ hẳn không nuôi nữa.

Tuy nhiên vẫn còn có nhiều hộ dân do ham lợi nhuận mà đuông dừa mang lại nên vẫn lén lút giấu nuôi đuông dừa. Theo cơ quan chức năng tỉnh Bến Tre, đối với những trường hợp cố tình vi phạm lại nhiều lần thì địa phương này cương quyết sẽ xử lý nghiêm.

(Theo Phụ Nữ TP HCM)