TQ sử dụng tính mơ hồ của đường lưỡi bò như công cụ tiến đến thống trị Biển Đông. Mục đích của chiến thuật này là biến cái không thể thành có thể, biến không tranh chấp thành tranh chấp, biến tranh chấp thành sở hữu, cắt lớp salami.
Ngày 23/6/2014, đường lưỡi bò (đường chữ U) yêu sách Biển Đông của TQ lại một lần nữa được thay đổi. Trong bản đồ hành chính Trung Hoa được phát hành chính thức bởi Nhà xuất bản Bản đồ tỉnh Hồ Nam, và được Cục Khảo sát và Bản đồ của TQ phê chuẩn, đường này đã được mở rộng từ 9 đoạn lên 10 đoạn, bao trùm từ 80% lên 90% diện tích Biển Đông. Khác biệt đáng kể là bản đồ TQ từ khổ ngang đã chuyển sang khổ đứng, từ hình con gà sang hình lục địa châu Phi, hay đầu voi thò vòi xuống Biển Đông, bao gộp không chỉ Biển Đông mà còn hợp nhất bang A-ru-na-chan Pra-đét và phần lớn diện tích Giam-mu và Ca-sơ-mia của Ấn Độ.
Yêu sách đường lưỡi bò từ góc nhỏ phía phải bản đồ khổ ngang đã được thể hiện với quy mô một đơn vị hành chính của Bắc Kinh, có diện tích tương tự như lục địa TQ. Đây là bước đi mới trong hoàn thiện giai đoạn đầu 5 năm (2009-2014) của chiến lược từ thăm dò sang áp đặt, hiện thực hóa quyền quản lý của TQ ở Biển Đông.
Nghiêm trọng hơn nó là cơ sở để hợp pháp hóa các hoạt động quân sự, xây dựng củng cố các đảo, đá chiểm đóng, triển khai các dàn khoan, thiết lập một trục quan hệ mới theo quan niệm của TQ trong khu vực.
GS luật quốc tế và luật biển của Trưởng Đảng cao cấp TƯ Đảng cộng sản TQ, Wang Junming trên Nhân dân nhật báo ngày 4/7/2014 biện bạch rằng: “Các bên ở Biển Đông, đặc biệt là Philippines và VN, luôn nghi ngờ về danh nghĩa lịch sử của TQ trên Biển Đông và cố tình tô vẽ TQ như bên vi phạm luật quốc tế. Sự thật là, cách tiếp cận của TQ, bao gồm cả tấm bản đồ khổ dọc đã khẳng định danh nghĩa lịch sử của TQ và qua đó củng cố mạnh thêm yêu sách chủ quyền của TQ trên Biển Đông, không đi ngược lại với các cam kết của họ đối với UNCLOS”
3 hướng chiến lược áp đặt đường lưỡi bò
Đường lưỡi bò lần đầu tiên được TQ giới thiệu chính thức với thế giới vào ngày 7/5/2009 qua Công hàm của Phái đoàn Ngoại giao TQ tại Liên hợp quốc phản đối hồ sơ chung ranh giới ngoài thềm lục địa VN-Malaysia và hồ sơ VN về ranh giới thềm lục địa thực hiện nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước luật biển năm 1982. Trước đó, con đường này tồn tại một cách dấm dúi trong đầu óc của những kẻ ôm mộng Đại Hán, được thay đổi một cách tùy tiện phục vụ cho mưu đồ độc chiếm biển.
Dựa trên tuyên bố này, từ 2009 TQ đã liên tục áp đặt cá biện pháp nhằm hiện thực hóa con đường. Chiến thuật này được triển khai theo ba hướng: 1) pháp điển hóa đường lưỡi bò trong các văn bản quốc gia; 2) triển khai các hoạt động quấy phá, thăm dò dọc theo đường lưỡi bò để áp đặt quyền sở hữu và quản lý toàn Biển Đông; 3) tuyên truyền phản ứng mạnh mẽ các phát biểu phê phán và kiên trì thử thách sự chịu đựng của cộng đồng quốc tế.
Đường lưỡi bò đã liên tục được pháp điển hóa trong quyết định thành lập thành phố Tam Sa ngày 24/7/2012 mà ranh giới bao trùm các quần đảo và bãi ngầm ở Biển Đông, bao gồm cả Hoàng Sa, Trường Sa, Scarborough, trong Hộ chiếu điện tử 12/2012 với bản đồ ở từng trang nêu bật gần như toàn bộ Biển Đông là một phần lãnh thổ TQ, trong các luật, quy định về cấm đánh bắt cá, về kiểm soát tàu thuyền nước ngoài của tỉnh Hải Nam, về thiết lập chế độ tuần tra sẵn sàng chiến đấu bình thường ở vùng biển quản lý (biển Đông) của Quân Giải phóng nhân dân TQ PLA, trong tuyên bố lập vùng cảnh báo bão, trong các sách giáo khoa và bây giờ là trong bản đổ khổ đứng 6/2014.
Tháng 3/2010, TQ tuyên bố Biển Đông với đường lưỡi bò đã trở thành lợi ích cốt lõi của họ, không thể tranh cãi, không đàm phán, chỉ áp đặt một chiều. Dựa trên các tuyên bố phi lý này, TQ đã liên tục gây hấn với các nước láng giềng dọc theo đường lưỡi bò từ cắt cáp tàu Bình Minh, tàu Vi King năm 2011, 2012, gọi thầu 9 lô dầu khí trên thềm lục địa Miền Trung VN tháng 6/2012, xâm chiếm Scarborough tranh chấp với Philippin tháng 4/2012, hạ đặt trái phép dàn khoan HS 981 vào sâu vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa VN tháng 5/2014. Hành động này của TQ đã bị cả cộng đồng thế giới lên án.
Ngày 8/5/2009, VN và Malaysia đã có công hàm phản đối các Công hàm ngày 7/5/2009 của TQ gửi Liên hợp quốc và tấm bản đồ đính kèm thể hiện đường đứt khúc 9 đoạn (đường lưỡi bò) ở Biển Đông. Ngày 8/7/2010, Indonesia nước không có tranh chấp ở Biển Đông đã gửi Công hàm kết luận bản đồ đường đứt khúc 9 đoạn trong Công hàm ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực của TQ tại Liên hợp quốc hoàn toàn không có căn cứ pháp lý quốc tế và đi ngược lại với các quy định của Công ước luật biển 1982.
Ngày 5/4/2011, Phái đoàn thường trực của Philippin tai Liên hợp quốc đã gửi Công hàm về những vấn đề liên quan trong Công hàm ngày 7/5/2009 của Phái đoàn thường trực CHND Trung Hoa. Mỹ, Nhật, Australia, EU, ASEAN và các bước khác đều tỏ thái đỏ không đồng tình với sự áp đặt phi lý đường lưỡi bò của TQ trên Biển Đông. Cộng đồng thế giới yêu cầu có một sự giải thích rõ ràng về hình thức, nội dung của đường lưỡi bò, điều mà TQ luôn lảng tránh.
TQ luôn nhấn mạnh giải quyết tranh chấp trên cơ sở lịch sử trước luật pháp quốc tế dù họ lảng tránh đưa ra các bằng chứng cụ thể. Họ từ chối không tham dự Tòa trọng tài quốc tế về Luật biển như Philippines đề nghị. Họ từ chối giải thích nội dung yêu sách đường lưỡi bò vì thực sự cũng không biết đó là gì.
Họ sử dụng tính mơ hồ của đường lưỡi bò như công cụ tiến đến thống trị Biển Đông. Mục đích của chiến thuật này là biến cái không thể thành có thể, biến không tranh chấp thành tranh chấp, biến tranh chấp thành sở hữu, cắt lớp salami.
Nguyễn Hồng Thao