Nhiều chuyên gia xây dựng cảnh báo, với sự cố 10 lần vỡ đường ống nước sông Đà sẽ không có gì đảm bảo không tiếp tục xảy ra vỡ đường ống nếu tiếp tục thi công và sử dụng vật liệu không đảm bảo dù có khởi tố thêm nhiều lãnh đạo nữa.
Việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân Việc vỡ đường ống dẫn nước sông Đà ảnh hưởng đến hàng nghìn hộ dân
Nói về trách nhiệm trong sự cố vỡ đường ống nước dẫn nước sông Đà về Hà Nội liên tục xảy ra trong thời gian qua, ông Nguyễn Sỹ Trung - Kỹ sư trưởng Dự án mở rộng và hoàn thiện đường Láng - Hòa Lạc (Viện Khoa học và Công nghệ Giao thông Vận tải) cho rằng, việc đường ống nước sạch sông Đà vỡ lần thứ 10 là điều đã được dự báo trước, không có gì bất ngờ. Với nguyên nhân do đường ống sợi thủy tinh chất lượng kém và thi công ẩu thì sự cố sẽ còn xảy ra tiếp. Vì vậy cơ quan chức năng cần lật lại trách nhiệm ở các khâu trong việc thực hiện dự án này.
Ông Trung cho hay, ở các nước tiên tiến trên thế giới, đường ống dẫn nước sinh hoạt đều không áp dụng công nghệ vật liệu làm bằng sợi thủy tinh như tại dự án cấp nước mặt sông Đà. Tại các nước như Hàn Quốc, Nhật Bản vật liệu ống sợi thủy tinh này chủ yếu sử dụng làm ống cống nước thải.
Đồng quan điểm, PGS.TS Nguyễn Văn Hùng, nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Xây dựng cho biết, trong sản xuất vật liệu thi công các công trình, chủ đầu tư thường sử dụng công nghệ Trung Quốc. Công nghệ Trung Quốc thường lạc hậu nhưng rẻ. Sự cố ống nước sông Đà không ngoại trừ khả năng, vật liệu thi công từ công nghệ Trung Quốc không đạt chuẩn, quá trình thi công không giám sát… dẫn đến chất lượng kém. “Ống được sử dụng là ống composite (còn gọi là ống mềm), chưa từng được sử dụng trong các công trình xây dựng ở Việt Nam trước đó, nên việc áp dụng một loại vật liệu mới vào điều kiện Việt Nam là quá mạo hiểm”, ông Hùng nói.
Theo ông Hùng, tình trạng chủ đầu tư dự án “vừa đá bóng vừa thổi còi” khi các khâu khảo sát, thiết kế, thi công, tư vấn giám sát… đều do các đơn vị thành viên đảm nhiệm khiến việc quy lỗi hiện nay rất khó. Chưa kể trong quá trình khai thác đường ống, có các đơn vị khác cũng có những hoạt động làm ảnh hưởng đến đường ống, như làm đường, xây dựng các công trình cao tầng và nhiều loại công trình khác… cũng tác động đến đường ống.
Liên quan đến việc cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã khởi tố bị can đối với ông Hoàng Thế Trung, nguyên Giám đốc Ban QLDA Đầu tư xây dựng hệ thống cấp nước Sông Đà – Hà Nội và ông Trần Cao Bằng, Giám đốc Công ty CP ống cốt sợi thủy tinh Vinaconex (Tổng công ty Cổ phần Vinaconex nắm giữ 10% vốn cổ phần), ông Phạm Chí Sơn- Giám đốc Ban Đối ngoại – Pháp chế, người phát ngôn của Tổng Cty CP Vinaconex cho biết, hiện nay Vinaconex đang phối hợp chặt chẽ với Cơ quan cảnh sát điều tra và các cơ quan pháp luật khác có liên quan theo yêu cầu. Theo ông Sơn, các hoạt động sản xuất kinh doanh của Tổng Cty và Công ty CP ống cốt sợi thủy tinh Vinaconex cũng như việc triển khai thực hiện dự án đường ống số 2 vẫn diễn ra bình thường.
Theo Tiền phong