Chiều 28/9, Thường trực Thành ủy - HĐND - UBND Thành phố tổ chức hội nghị giao ban quý III/2022 với lãnh đạo các quận, huyện, thị xã theo hình thức trực tuyến.

Báo cáo về tăng cường công tác phòng, chống cháy nổ trên địa bàn TP, Giám đốc Công an TP Nguyễn Hải Trung cho biết, tính từ 15/12/2021 đến 14/9/2022, trên địa bàn TP xảy ra 288 vụ cháy (6 vụ cháy lớn, 10 vụ cháy nghiêm trọng, 1 vụ cháy lớn gây thiệt hại nghiêm trọng, 117 vụ cháy trung bình, 151 vụ cháy nhỏ, 3 vụ cháy rừng). Thiệt hại khiến 20 người chết và 16 người bị thương. Thiệt hại về tài sản ước tính ban đầu khoảng 18,1 tỷ đồng. 

Chủ tịch UBND TP Hà Nội Trần Sỹ Thanh phát biểu tại hội nghị. 

So với cùng kỳ 9 tháng đầu năm 2021, số vụ cháy tăng 5 vụ, tăng 9 người chết, giảm 3 người bị thương và thiệt hại về tài sản giảm khoảng 6,9 tỷ đồng. Trong đó, nguyên nhân cháy do sự cố hệ thống, thiết bị điện là 190 vụ; sơ xuất khi sử dụng nguồn lửa, nguồn nhiệt 6 vụ; đốt 4 vụ; tai nạn giao thông 2 vụ; sự cố kỹ thuật máy móc 4 vụ và đang điều tra, làm rõ 82 vụ.

Đối với công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm về PCCC, trong 9 tháng đầu năm 2022, toàn TP đã tổ chức 241 đoàn kiểm tra liên ngành và kiểm tra 1.975 lượt cơ sở. Lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH kiểm tra định kỳ, đột xuất 28.943 lượt cơ sở và phát hiện 2.870 tồn tại, thiếu sót về PCCC. Từ đó, ban hành 2.165 công văn kiến nghị yêu cầu cơ sở khắc phục, xử phạt 17,8 tỷ đồng; tạm đình chỉ hoạt động 355 cơ sở và đình chỉ hoạt động 375 cơ sở, công khai danh tính các cơ sở vi phạm nghiêm trọng về PCCC trên các phương tiện thông tin đại chúng...

Theo Chủ tịch UBND huyện Thường Tín Nguyễn Xuân Minh, là địa bàn có nhiều làng nghề như thêu may, vàng mã, sơn mài… nên tiềm ẩn nguy cơ cháy cao. Do vậy, huyện đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền, xây dựng phong trào toàn dân PCCC, đồng thời, tăng cường kiểm tra, chấn chỉnh sai phạm, thiếu sót về công tác PCCC tại các đơn vị.

Hiện nay, trên địa bàn huyện tồn tại 124 công trình vi phạm về PCCC, huyện đã thành lập 2 đoàn kiểm tra liên ngành để xử lý, thông qua đó, đã xử lý 50 trường hợp, phạt tiền 86 triệu đồng, tạm đình chỉ 11 cơ sở,…

Huyện Thường Tín kiến nghị TP quan tâm bổ sung kinh phí, trang thiết bị PCCC và CNCH; Sở Xây dựng khảo sát, đầu tư các trụ nước chữa cháy bên ngoài các khu, cụm công nghiệp và trong các khu dân cư…

Giám đốc Sở Xây dựng Võ Nguyên Phong cho biết, hiện nay, toàn TP còn thiếu đến 6.882 trụ nước chữa cháy, 343 bể nước chữa cháy, 448 bến lấy nước, hố thu nước chữa cháy. Để khắc phục những tồn tại, bất cập, Sở sẽ phối hợp với Công an TP trong công tác thẩm định thiết kế, nghiệm thu PCCC và tăng cường kiểm tra trật tự xây dựng; đầu tư các trụ nước chữa cháy theo kế hoạch. Ngoài ra, Sở cũng sẽ phối hợp, tham mưu TP di dời các cơ sở sản xuất ra khỏi khu dân cư…

Xử lý nghiêm những vi phạm quy định về PCCC

Chủ tịch UBND TP Trần Sỹ Thanh cho biết, bên cạnh việc triển khai đồng bộ các giải pháp, từ tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức; tăng cường thanh, kiểm tra, xử lý các trường hợp vi phạm quy định pháp luật về PCCC đến đầu tư cơ sở vật chất phục vụ PCCC và CNCH, Công an TP cần nghiên cứu bổ sung các yêu cầu cụ thể, chi tiết về PCCC đối với các cơ sở kinh doanh có điều kiện, nhất là karaoke.

“Tinh thần là phải duy trì kỷ cương và nghiêm khắc trong công tác phòng, chống cháy nổ”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Nguyễn Thị Tuyến đề nghị các cấp ủy Đảng, chính quyền, MTTQ, các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục triển khai thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, Thành phố về công tác PCCC và CNCH. Nâng cao trách nhiệm của người đứng đầu trong công tác tổ chức thực hiện PCCC. Đồng thời, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và nhân dân, đẩy mạnh phong trào toàn dân tham gia phòng cháy, chữa cháy.

Cùng với đó, tiếp tục chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng kiến thức, pháp luật về PCCC, nâng cao ý thức tự giác thực hiện của từng cơ quan, đơn vị, người dân, coi việc PCCC là trách nhiệm, quyền lợi của mình. Tập huấn những kiến thức, kỹ năng để cán bộ, đảng viên và nhân dân làm tốt việc phòng ngừa cháy nổ, kỹ năng thoát nạn, thoát hiểm khi có sự cố xảy ra.

Đặc biệt, các cơ quan chuyên môn của TP cần nghiên cứu, đề xuất một số quy hoạch ngành có liên quan để tăng cường quản lý như: Quy hoạch phát triển ngành nghề kinh doanh karaoke, bar, vũ trường theo hướng an toàn, bền vững. Đồng thời, quy hoạch và đầu tư về nguồn nước phục vụ công tác chữa cháy và cứu hộ, cứu nạn.

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy cũng nhấn mạnh yêu cầu tăng cường công tác kiểm tra và xử lý nghiêm những vi phạm quy định về PCCC, nhất là các nhà chung cư, các cơ sở kinh doanh, các chợ đầu mối, cụm công nghiệp, các hộ sản xuất tại nhà...

H.Q