Chiều 12/8, Đoàn kiểm tra số 1 của Ban Chỉ đạo Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy Hà Nội (khóa XVII), do ông Nguyễn Ngọc Tuấn, Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND Thành phố, Trưởng ban Chỉ đạo làm Trưởng đoàn, đã làm việc với Sở Quy hoạch và Kiến trúc.

Báo cáo với Đoàn kiểm tra, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc Nguyễn Trọng Kỳ Anh cho biết, Chương trình số 03-CTr/TU của Thành ủy được Sở triển khai song cùng với 9 chương trình công tác khác của Thành ủy.

Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Nguyễn Ngọc Tuấn phát biểu tại cuộc làm việc. Ảnh: Cổng TTĐT TP Hà Nội

Sau khi thực hiện sắp xếp, kiện toàn cơ cấu, tổ chức, Sở đã kịp thời điều chỉnh kế hoạch thực hiện Chương trình, trong đó, đã sắp xếp, phân công lại các phòng, ban chức năng chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện để tập trung chỉ đạo có hiệu quả, phù hợp với cơ cấu, tổ chức mới của Sở.

“Trong 19 chỉ tiêu của Chương trình, Sở được giao chủ trì thực hiện 1 chỉ tiêu, phối hợp tổ chức thực hiện 8 chỉ tiêu. Đến nay, các chỉ tiêu đều được Sở tích cực phối hợp triển khai, đạt nhiều kết quả.

Đảng ủy, Ban Giám đốc Sở đã lãnh đạo, chỉ đạo quyết liệt các đơn vị thực hiện các chỉ tiêu của Chương trình, đặc biệt là các chỉ tiêu về hoàn thành đề án đầu tư xây dựng huyện thành quận; điều chỉnh tổng thể Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô; lập quy hoạch chi tiết cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ; lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954…”, ông Kỳ Anh nói. 

Trong đó, chỉ tiêu hoàn thành đề án đầu tư xây dựng 5 huyện thành quận vào năm 2025 đã được Sở phối hợp rà soát, đánh giá, đề xuất giải pháp song song với các quy hoạch đã triển khai trên địa bàn Thành phố. Đến nay, các huyện Gia Lâm, Đông Anh đã đạt 26/27 tiêu chí; huyện Thanh Trì đạt 24/27 tiêu chí; huyện Hoài Đức đạt 22/27 tiêu chí; huyện Đan Phượng đạt 21/27 tiêu chí.

Chỉ tiêu hoàn thành xây dựng đề án khung cơ chế chính sách đặc thù để thúc đẩy tiến độ cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ trên địa bàn Thành phố, Sở cũng đã có văn bản tham gia ý kiến về hướng dẫn quy trình, thủ tục triển khai thực hiện cải tạo, xây dựng lại chung cư cũ nguy hiểm cấp D và hướng dẫn quy trình lựa chọn chủ đầu tư cải tạo dự án.

Về chỉ tiêu chỉnh trang 10 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954, Sở cũng đã phối hợp với các đơn vị liên quan trao đổi, thống nhất danh mục 12 công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954 đề xuất thực hiện chỉnh trang. Đặc biệt, chỉ tiêu xây dựng 2 đến 3 khu đô thị mới theo định hướng đô thị thông minh đã được Sở tham mưu điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 Khu đô thị Tây Mỗ - Đại Mỗ, dự án Thành phố thông minh…

Bên cạnh những kết quả đạt được, Phó Giám đốc Sở Quy hoạch và Kiến trúc cũng chỉ rõ những khó khăn, vướng mắc trong quá trình thực hiện.

Cụ thể, các văn bản pháp lý lĩnh vực quy hoạch kiến trúc còn tồn tại mâu thuẫn, chồng chéo, chưa theo kịp với thực tiễn. Hệ thống văn bản pháp lý liên quan đến quy hoạch đô thị còn chưa đồng bộ, thống nhất (Luật Xây dựng, Quy hoạch đô thị, Nhà ở, Đấu thầu,...), chưa được các cơ quan có thẩm quyền kịp thời tháo gỡ.

Đặc biệt, vẫn còn tồn tại nhiệm vụ chậm so với kế hoạch như: Tỷ lệ đô thị hóa, lập danh mục công trình kiến trúc có giá trị xây dựng trước năm 1954; một số đồ án quy hoạch chi tiết hai bên tuyến đường, thiết kế đô thị riêng, chung cư cũ... 

Phân công rõ trách nhiệm từng đơn vị, cá nhân

Phó Chủ tịch UBND TP Dương Đức Tuấn ghi nhận, thời gian qua, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã tham mưu cho Thành phố thực hiện các nhiệm vụ quy hoạch, đan xen thực hiện các chương trình công tác khác của Thành phố. 

Về nhiệm vụ thời gian tới, Phó Chủ tịch Hà Nội đề nghị Sở triển khai ngay nhiệm vụ về chương trình phát triển, chỉnh trang, tái thiết đô thị theo tinh thần Nghị quyết số 06-NQ/TW ngày 24/1/2022 của Bộ Chính trị về quy hoạch, xây dựng, quản lý và phát triển bền vững đô thị Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, kết hợp Nghị quyết với Chương trình 03-CTr/TU của Thành uỷ.

Lưu ý hiện nay khâu thiết kế đô thị còn yếu, ông Dương Đức Tuấn yêu cầu Sở Quy hoạch và Kiến trúc có hướng dẫn cụ thể về phương án cải tạo, chỉnh trang các tuyến phố và phân kỳ phù hợp của thiết kế đô thị phải có độ sâu và chất lượng của đô thị. Đồng thời, Sở cần rà soát lại danh mục công trình kiến trúc khác có giá trị trước năm 1954, lập danh mục chính xác và xây dựng cơ chế đầu tư, bảo tồn, tôn tạo các công trình này.

Kết luận buổi kiểm tra, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn đánh giá, Sở Quy hoạch và Kiến trúc đã thực hiện tốt công tác lãnh đạo chỉ đạo, quán triệt, tuyên truyền, phân công nhiệm vụ, xây dựng kế hoạch của Đảng uỷ và của Sở, từ đó có kết quả thực hiện trong tham mưu từng chỉ tiêu cụ thể; đặc biệt về tham mưu Quy hoạch sông Hồng, sông Đuống, đường Vành đai 4,… 

Nhấn mạnh Chương trình số 03-CTr/TU là chương trình lớn, khó, phức tạp, ông Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu Sở phải có cách làm mới, nâng cao nhận thức sâu, rõ về chương trình; rà soát lại toàn bộ các chỉ tiêu gắn với từng nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn Sở đang quản lý; đồng thời, tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo, quán triệt tới từng cán bộ, đảng viên của Sở về chương trình này.

Ngoài ra, Sở cũng cần phối hợp với các quận, huyện trên địa bàn để tổng hợp chi tiết, có mốc thời gian, tiến độ cụ thể với từng chỉ tiêu; tập trung phân công rõ trách nhiệm của từng đơn vị, từng cá nhân trong thực hiện các chỉ tiêu. Tăng cường công tác phối hợp với các sở ngành, đơn vị liên quan, kịp thời báo cáo Thành phố những khó khăn, vướng mắc; chủ động hướng dẫn, kịp thời tháo gỡ cho các địa phương trong quá trình thực hiện.

“Trong quá trình triển khai, Sở phải tăng cường cải cách hành chính, nêu cao tinh thần trách nhiệm của từng cán bộ, đảng viên, tập trung vào những chỉ tiêu khó để lãnh đạo, chỉ đạo, lưu ý đến cơ chế chính sách”, ông Nguyễn Ngọc Tuấn yêu cầu.

H.Q