Ngày 23/10, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức Hội nghị tổng kết mô hình thí điểm Ban Quản lý An toàn thực phẩm. Hiện có 3 địa phương thành lập mô hình này là TP.HCM, Đà Nẵng, Bắc Ninh, các địa phương khác duy trì chi cục An toàn thực phẩm.
Theo báo cáo của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tại các địa phương trên, từ khi xây dựng thí điểm mô hình này mang lại hiệu quả hơn so với công tác duy trì của ba ngành y tế, công thương, nông nghiệp và phát triển nông thôn.
Các hoạt động phòng, chống ngộ độc thực phẩm, xử lý sự cố về an toàn thực phẩm, giám sát mối nguy cơ được triển khai bài bản. Đặc biệt, các hoạt động truyền thông được các Ban An toàn thực phẩm triển khai trọng tâm, tiết kiệm nguồn chi phí đáng kể so với hoạt động riêng lẻ của các ngành.
Các hoạt động giám sát, thanh kiểm tra về an toàn thực phẩm cũng tổ chức dễ dàng, nhanh chóng hơn.
Đối với các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh thực phẩm cũng thuận lợi hơn bởi chỉ một cơ quan quản lý, tránh chồng chéo giữa các ngành, các cấp. Thủ tục hành chính được đơn giản hóa, giấy tờ cấp phép nhanh chóng hơn. Công tác hậu kiểm an toàn thực phẩm cũng đạt hiệu quả tích cực. Công tác an toàn thực phẩm đã tạo sự tín nhiệm, thuận lợi cho người dân và doanh nghiệp.
Hiện nay, UBND TP.HCM đề xuất Chính phủ thành lập Sở An toàn thực phẩm TP.HCM. Thủ tướng Chính Phủ đã ban hành Quyết định số 998/QĐ-TTg ngày 27/8/2023 về việc kéo dài thời gian hoạt động thí điểm của Ban Quản lý An toàn thực phẩm thành phố Đà Nẵng đến khi có mô hình mới. Tại Bắc Ninh, Chính phủ ban hành Quyết định số 128/QĐ-TTg ngày 26/01/2021 về việc kéo dài thời gian thí điểm hoạt động của Ban Quản lý An toàn thực phẩm tỉnh Bắc Ninh.
Theo ông Đỗ Xuân Tuyên, Thứ trưởng Bộ Y tế, các mô hình quản lý an toàn thực phẩm ở hình thức Ban hay Chi cục An toàn thực phẩm, Sở An toàn thực phẩm đều vẫn phải đảm bảo quản lý lĩnh vực an toàn thực phẩm cho người dân. Ông Tuyên cũng cho rằng hình thức quản lý nào vẫn phải giữ được mục đích quan trọng như sắp xếp bộ máy, mô hình tinh gọn và hiệu quả, không chồng chéo.