Hạnh phúc ngày trở về

Cách đây hơn 6 năm, cô bé Vàng Thị Pàng (huyện Mường Lát, tỉnh Thanh Hóa) khiến nhiều người xót thương khi xuất hiện trong đoạn video ghi lại cảnh em không mặc quần áo, đôi chân bị liệt, ngồi co ro giữa trời đông giá lạnh.  

Khi những hình ảnh được chia sẻ đã gây sốt cộng đồng mạng, Pàng được mọi người gọi với cái tên thân thương "cô bé Mường Lát".

Em bé Mường Lát từng gây sốt mạng 6 năm trước, giờ ra sao? - 1

Hình ảnh em bé Vàng Thị Pàng cách đây hơn 6 năm (Ảnh: Báo Tiền Phong).

Câu chuyện của Pàng đã được vợ chồng chị Ngọc Phương (sống tại TPHCM) cảm thương, vượt quãng đường xa xôi đến nhận nuôi bé. Sau hành trình 6 năm được bố mẹ nuôi "tìm lại đôi chân", Pàng giờ đây đã có thể đi lại được. Em mới được bố mẹ nuôi đưa từ TPHCM về quê nhà sinh sống cùng bà nội.

Những ngày cuối năm, biết tin Pàng mới trở về, lúc nào trong căn nhà nhỏ ven bờ sông Mã của bà Cừ Thị Chá (75 tuổi, bà nội Pàng, ở bản Sa Lung, xã Mường Lý, huyện Mường Lát) cũng đông người ghé thăm. Nhiều người đến để chúc mừng bà Chá và hỏi thăm sức khỏe của bé Pàng.

embe muonglat.jpg
Sau khi được mẹ nuôi chăm sóc, Vàng Thị Pàng đã lớn khôn, đôi chân có thể đi lại được (Ảnh: Thanh Tùng).

Gặp lại Pàng sau nhiều năm xa cách, bà Chá không khỏi xúc động. Trò chuyện với phóng viên, cụ bà người dân tộc Mông không ngớt lời cảm ơn sự quan tâm, giúp đỡ của bố mẹ nuôi bé Pàng. "Nếu không có bố mẹ nuôi, Pàng không có ngày hôm nay, không đi lại được. Tôi vui lắm, cảm ơn bố mẹ nuôi của Pàng đã chăm sóc con mấy năm qua", bà Chá nói.

Theo bà Chá, gần 3 tuần kể từ khi trở về, Pàng đang dần làm quen với cuộc sống ở quê. Nhưng vì Pàng đã quên tiếng Mông nên hai bà cháu vẫn chưa hiểu được nhau. Thậm chí Pàng còn không tự chủ được việc đi vệ sinh hàng ngày, điều này khiến bà Chá khá vất vả mỗi khi chăm sóc cháu.

"Tôi và các cháu đang dạy Pàng làm quen dần với tiếng Mông để bà cháu hiểu nhau hơn. Điều lo lắng nhất bây giờ là không có nhà vệ sinh, Pàng không chịu đi vệ sinh ở bên ngoài", bà Chá tâm sự.

embe muonglat1.jpg
Em bé Vàng Thị Pàng vui mừng khi được trở về nhà ở cùng bà nội và chị gái (Ảnh: Thanh Tùng).

Nhắc lại tuổi thơ u buồn của Pàng, bà Chá rưng rưng nước mắt kể, bà sinh được 8 người con (2 trai, 6 gái), hai người con trai của bà đều đã mất, trong đó có bố của Pàng là anh Vàng A Dơ. Còn lại 6 người con gái đã đi lấy chồng xa.

Pàng có tuổi thơ bất hạnh, em là con gái thứ 3 trong gia đình có 4 chị em. Từ khi sinh ra, đôi chân của Pàng yếu ớt, lên 4 tuổi, em không đi lại được như những đứa trẻ bình thường khác, chỉ bò lê lết quanh nhà.

embe muonglat2.jpg
Căn nhà nhỏ ở bản Sa Lung, xã Mường Lý, huyện Mường Lát - nơi bà Chá cùng Pàng và các cháu sinh sống (Ảnh: Thanh Tùng).

Năm Pàng 6 tuổi, bố của em đột ngột qua đời sau một cơn đau bụng dữ dội. Còn mẹ em là chị Hơ Thị Dợ, bị tâm thần, hàng ngày lang thang khắp nơi. Năm 2017, thấy hoàn cảnh của Pàng đáng thương, gia đình chị Ngọc Phương đã nhận về nuôi dưỡng.

Một tháng sau khi Pàng được nhận nuôi, người dân xã Nhi Sơn (huyện Mường Lát) phát hiện mẹ của em tử vong bên vệ đường, cách nhà hàng chục kilomet.

"Con nhớ mẹ Phương lắm!"

Bà Chá cho biết, hiện bà rất mong muốn Pàng được đến lớp học chữ như những đứa trẻ khác, tuy nhiên, cô bé có phần hơi chậm hiểu. Vì vậy, bà Chá đang cố gắng thuyết phục và nhờ trưởng bản liên hệ để Pàng được đến trường.

"Tôi mong Pàng sớm được đi học để hòa nhập với các bạn. Tuy nhiên, điều này còn tùy thuộc vào Pàng, nếu con không đồng ý cũng rất khó bảo", bà Chá nói. 

embe muonglat3.jpg
Hàng ngày bà Chá đi hái cây chít về bán kiếm tiền nuôi các cháu học hành (Ảnh: Thanh Tùng).

Vàng A Pàng năm nay đã 12 tuổi, cô bé có ánh mắt hồn nhiên, hay cười và rất thân thiện, nhưng ít nói. 

Pàng chia sẻ, em rất vui khi được về nhà ở cùng bà nội và các chị, em trong gia đình. Song cô bé tỏ ra rất nhớ mẹ nuôi (chị Ngọc Phương). "Con rất vui khi gặp lại bà, con nhớ mẹ Phương lắm", Pàng nói.

Theo anh Sùng Seo Sểnh, Trưởng bản Sa Lung, xã Mường Lý, huyện Mường Lát, người dân địa phương rất biết ơn sự quan tâm, giúp đỡ của bố mẹ nuôi Pàng.

"Nhờ sự giúp đỡ của bố mẹ nuôi, Pàng đã được chữa lành đôi chân. Tuy nhiên, do hoàn cảnh bà nội của Pàng rất khó khăn, là hộ nghèo nên cuộc sống còn nhiều thiếu thốn. Ngoài em Pàng, bà Chá còn phải nuôi 5 cháu nhỏ. Mỗi tháng, 7 bà cháu sống bằng số tiền gần 3 triệu đồng bảo trợ xã hội và tiền hỗ trợ người cao tuổi", anh Sểnh nói.

Anh Sểnh cũng cho hay, thời gian tới, khi Pàng bắt nhịp được cuộc sống ở quê, anh sẽ đề xuất với chính quyền địa phương và nhà trường tạo điều kiện cho em Pàng được đi học.

embe muonglat5.jpg
Nhờ sự quan tâm chăm sóc của bố mẹ nuôi, đôi chân Pàng đã có thể đi lại được (Ảnh: Thanh Tùng).

Bà Nguyễn Thị Thúy, Trưởng phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mường Lát, cho biết, đơn vị đang chuẩn bị đến thăm hỏi, trao quà tặng tới em Pàng. Đồng thời, nghiên cứu và chuẩn bị các hồ sơ, thủ tục để giúp bé Pàng sớm được đến trường học.

"Chúng tôi đang liên hệ với gia đình và địa phương để chuẩn bị các giấy tờ, làm thủ tục cho em Pàng đến trường. Nếu được, sẽ cố gắng đưa cháu vào các lớp học nội trú hoặc lớp học bán trú ở gần địa phương để cháu theo học cho tiện", bà Thúy cho biết thêm.

Theo Dân trí