Phát biểu tại cuộc họp báo hôm 24/5 sau ngày đầu tiên của hội nghị thượng đỉnh EU tại Brussels, Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen nói, tất cả 27 quốc gia thành viên của khối đã nhất trí không thể thay thế việc thực hiện đầy đủ Nghị định thư Bắc Ireland như thỏa thuận giữa EU - Anh.

{keywords}
Chủ tịch Ủy ban châu Âu Ursula von der Leyen. Ảnh: Reuters

Reuters dẫn lời bà von der Leyen nhấn mạnh: "Điều quan trọng cần nhắc lại là, nghị định thư này là giải pháp khả thi duy nhất để đảm bảo hòa bình và ổn định ở Bắc Ireland, đồng thời bảo vệ tính toàn vẹn của thị trường chung EU. Nếu chúng ta hôm nay vẫn còn nhìn thấy các vấn đề, thì chúng không phải bắt nguồn từ nghị định thư mà là kết quả của quá trình Brexit”.

Vấn đề Bắc Ireland từng là trở ngại chính khiến EU và Anh mất một thời gian rất dài đàm phán mới đạt được thỏa thuận chia tay. Tháng 1/2020, Anh rời EU và bắt đầu bước vào giai đoạn chuyển tiếp. Trong giai đoạn này, London tiếp tục tuân thủ các quy định của EU và tòa án châu Âu, các doanh nghiệp vẫn có thể hoạt động bình thường và người dân muốn di chuyển trong khu vực EU không bị ảnh hưởng vì quá trình Brexit.

Đến ngày 1/1/2021, Anh chính thức cắt đứt mọi ràng buộc thành viên với EU, nhưng riêng vùng lãnh thổ Bắc Ireland thuộc Vương quốc Anh vẫn tiếp tục tuân thủ các quy định của thị trường chung EU và liên minh thuế quan. Điều này là vì Bắc Ireland có đường biên giới trên đất liền với Ireland, thành viên EU.

Anh và EU đều muốn duy trì một "đường biên giới mở” giữa vùng Bắc Ireland và Ireland để bảo vệ Hiệp ước Ngày thứ Sáu tốt lành, vốn giúp chấm dứt cuộc xung đột đã cướp đi sinh mạng của hàng nghìn người tại khu vực này từ những năm 1960.

Do vậy, hai bên đã ký Nghị định thư Bắc Ireland. Theo đó, EU cử các nhân viên hải quan tới vùng Bắc Ireland để tiến hành kiểm tra hàng hóa đi qua cảng nhằm bảo đảm những hàng hóa này khi vào Bắc Ireland sẽ đáp ứng các tiêu chuẩn của liên minh.

Tuy nhiên, việc triển khai nghị định thư đã vấp phải nhiều rắc rối, đặc biệt là sự đình trệ hoạt động giao thương giữa Anh và Bắc Ireland do các bên chưa thực hiện nhuần nhuyễn thủ tục mới, khiến doanh nghiệp tốn kém thời gian và tiền bạc, chưa kể những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19. Tình trạng này cũng khiến nguồn cung hàng hóa cho vùng Bắc Ireland bị gián đoạn, càng gia tăng ý kiến phản đối nghị định thư.

Vấn đề khiến London đơn phương trì hoãn việc áp dụng các biện pháp kiểm soát hải quan đầy đủ đối với hàng hóa từ Anh đến Bắc Ireland cho đến tận tháng 10, dẫn đến căng thẳng với EU.

Tuấn Anh

Anh và EU nhất trí kéo dài đàm phán Brexit

Anh và EU nhất trí kéo dài đàm phán Brexit

Lãnh đạo Anh và Liên minh châu Âu (EU) cho biết, hai bên sẽ tiếp tục đàm phán nhằm tháo gỡ những bế tắc hậu Brexit (Anh rời khỏi EU).

Yếu tố mới ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ- Anh trong tiến trình Brexit

Yếu tố mới ảnh hưởng đến quan hệ Mỹ- Anh trong tiến trình Brexit

Theo Politico, chính phủ của Thủ tướng Boris Johnson đang cố gắng chiếm lợi thế trong các cuộc đàm phán về mối quan hệ thương mại giữa Anh và Liên minh châu Âu (EU).