Cùng với EVN, có 2 đơn vị trực thuộc tập đoàn cùng được vinh danh trong sự kiện năm nay.

Đây là lần thứ 3 liên tiếp EVN được vinh danh là Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc. Để đoạt được giải thưởng quan trọng này, EVN cùng với 53 doanh nghiệp, tập đoàn công nghệ, cơ quan nhà nước, đã vượt qua hơn 300 hồ sơ dự thi chung khảo của 4 hạng mục: Sản phẩm dịch vụ, giải pháp số tiêu biểu; Doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc; Cơ quan nhà nước chuyển đổi số xuất sắc; Thu hẹp khoảng cách số.

Giải thưởng được trao cho những giải pháp chuyển đổi số của các đơn vị, tổ chức có thành tựu trong công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số của Việt Nam.

{keywords}
 

Để trở thành doanh nghiệp chuyển đổi số xuất sắc 3 lần liên tiếp, EVN đã thực hiện công tác số hóa và ứng dụng CNTT tại hầu hết các lĩnh vực hoạt động của tập đoàn. EVN đã tự phát triển 16 hệ thống phần mềm dùng chung trong toàn tập đoàn và hàng chục các ứng dụng đặc thù khác. Các hệ thống phần mềm cơ bản đáp ứng các quy trình nghiệp vụ lõi trong hầu hết các hoạt động điều hành sản xuất kinh doanh của tập đoàn.

Các giải pháp ứng dụng tiêu biểu về chuyển đổi số giúp EVN trở thành doanh nghiệp số xuất sắc năm 2021 được vinh danh trong giải thưởng năm nay bao gồm: Phần mềm Cổng thông tin điện tử (EVNPortal) hỗ trợ Chương trình cải cách hành chính EVN; Phần mềm Cung cấp Dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử.

Liên tục trong nhiều năm qua, EVN đã ứng dụng mạnh mẽ, đồng bộ các hệ thống CNTT, phục vụ hiệu quả công tác quản lý, cũng như trong các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. Đây là hai phần mềm quan trọng trong giải pháp trở thành doanh nghiệp số của EVN.

Bên cạnh việc phát triển nền tảng Văn phòng số, EVN còn chú trọng, triển khai mạnh mẽ ứng dụng của CNTT để thực hiện quá trình chuyển đổi số trong công tác công tác kinh doanh dịch vụ khách hàng.

Việc cung cấp dịch vụ điện theo phương thức giao dịch điện tử được áp dụng bao gồm EVN, các tổng công ty/công ty điện lực/các trung tâm CSKH trên toàn quốc với hơn 28 triệu khách hàng sử dụng điện tại Việt Nam.

Theo đại diện EVN, đến nay, tất cả các dịch vụ điện cung cấp trực tuyến đạt mức độ 4 - mức cao nhất của Chính phủ điện tử, đồng thời EVN cũng là đơn vị tiên phong trong việc cung cấp dịch vụ trên Cổng Dịch vụ công Quốc gia với số yêu cầu dịch vụ điện chiếm hơn 50% tổng số yêu cầu của tất cả các Bộ/ngành/địa phương trên cổng.

Đến cuối năm 2021, có tới 99,66% số hợp đồng mua bán điện ký mới được khách hàng sử dụng hình thức ký điện tử này. Các nỗ lực để cải cách các thủ tục về dịch vụ điện, nâng cao chất lượng cung cấp điện đã góp phần cải thiện chỉ số tiếp cận điện năng (1 trong 10 chỉ số đánh giá môi trường kinh doanh) của Việt Nam đạt vị trí 27/190 quốc gia và nền kinh tế trên thế giới và đứng thứ 4 ở khu vực ASEAN.

Việc triển khai chuyển đổi số mạnh mẽ và đúng hướng đã tạo sức bật lớn cho EVN, tối đa tiện ích dịch vụ cho người sử dụng điện. Sự hài lòng của khách hàng đối với ngành điện ngày càng tăng.

Hiện nay, EVN đang tiếp tục tập trung triển khai thực hiện Đề án Nghiên cứu, phát triển, ứng dụng công nghệ của cuộc CMCN lần thứ 4 vào các hoạt động sản xuất, kinh doanh của tập đoàn. EVN định hướng trở thành doanh nghiệp số trên cơ sở ứng dụng các công nghệ số, CNTT và công nghệ của cách mạng công nghiệp 4.0 vào mọi lĩnh vực hoạt động, nhằm đưa EVN trở thành tập đoàn kinh tế phát triển bền vững, hiệu quả.

Hải Nam