Tôi năm nay 25 tuổi, bị mắc Covid-19. Sau 2 tuần, tôi test nhanh tại nhà 2 lần đều có kết quả âm tính và khỏi bệnh. Trong quá trình cách ly, điều trị bệnh tại nhà, tôi không có nhiều dấu hiệu, triệu chứng. Tôi chỉ bị sốt nhẹ và ho trong ít ngày đầu. Tôi nghe nói những người mắc thể nhẹ hoặc không triệu chứng sau khi hồi phục kháng thể sẽ ít hơn so với người mắc nặng mà hồi phục. Xin bác sĩ cho biết điều này có đúng không? Tôi có nguy cơ tái nhiễm không? Sau khi khỏi Covid, tôi nên làm gì để bảo vệ bản thân? Độc giả Lê Thị Linh (Bình Dương)
Ths.Bs Nguyễn Tiến Dũng - Khoa Hồi sức tích cực - chống độc, Bệnh viện Kiến An, Hải Phòng: Thông tin những người mắc bệnh nhẹ hoặc không triệu chứng sau khi hồi phục kháng thể sẽ ít hơn so với người bệnh nặng và đã hồi phục là không chính xác.
Trong số các bệnh nhân Covid-19, có đến 81% người nhiễm ở thể nhẹ và không triệu chứng. Đây thường là những người bệnh có sức khỏe tốt, sức đề kháng tốt. Do vậy cơ thể nhanh chóng hình thành kháng thể bảo vệ và đưa người bệnh nhanh chóng trở về trạng thái bình thường (không gặp các rối loạn nghiêm trọng, không chuyển nặng…).
Trái với lo lắng của bạn, chính những người này thường là những người có mức kháng thể bảo vệ cao nhất, bền vững nhất, do được hình thành từ một cơ thể - một hệ miễn dịch khỏe mạnh.
Nếu tiếp xúc với mầm bệnh, bạn vẫn có nguy cơ tái nhiễm nhưng không nguy hiểm, vì bạn đã có kháng thể bảo vệ. Sau khi khỏi Covid, bạn nên tự theo dõi sức khỏe, ăn uống, sinh hoạt điều độ, luyện tập thể thao thường xuyên. Đặc biệt, bạn nên thực hiện nghiêm túc khuyến cáo 5K như: Đeo khẩu trang, rửa, sát khuẩn tay và hạn chế tiếp xúc gần với người khác để tránh lây nhiễm cho cả 2…
Bênh trong phòng điều trị bệnh nhân Covid -19. Ảnh: Bộ Y tế |
Tôi là F0 nhưng khỏi bệnh, nhưng tôi thường xuyên bị mất ngủ sau khi khỏi bệnh. Xin bác sĩ cho biết tình trạng này có phổ biến với người F0 sau khi mắc Covid-19 hay không? Bác sĩ cho hỏi tại sao tôi lại như vậy và tôi nên làm gì để khắc phục tình trạng này? Độc giả Lê Anh (TP.HCM)
Ths.Bs Nguyễn Tiến Dũng: Tình trạng bệnh nhân rối loạn giấc ngủ trong – sau khi mắc Covid-19 khá phổ biến, do rối loạn tâm lý, lo lắng, stress, rối loạn nhịp sinh học…
Để khắc phục, anh cần tìm phương án cụ thể giải quyết các vấn đề, khó khăn hiện tại kể cả về sức khỏe, công việc, gia đình…hạn chế tối đa tâm lý lo lắng hoang mang. Khi có kế hoạch phương án cụ thể cho từng vấn đề, tâm lý được cải thiện tốt hơn, anh sẽ cải thiện được rối loạn về giấc ngủ.
Bên cạnh đó, việc tập luyện, vận động cũng khiến giảm stress, cải thiện sức khỏe và khiến chúng ta dễ ngủ hơn. Cuối cùng, anh có thể cân nhắc dùng một số loại thuốc ngủ thảo dược có bán nhiều tại các quầy thuốc bất kỳ, các thuốc kháng histamin. Nếu tình trạng chưa cải thiện, anh nên tham vấn trực tiếp các bác sỹ.
>>> Cập nhật tình hình Covid-19 mới nhất
Ngọc Trang
Phản ứng phụ của vắc xin Covid-19 có đáng sợ?
Hungary đã làm nên một điều chưa từng có ở đại dịch Covid-19 với sân vận động kín đặc 68.000 khán giả. Đất nước này cũng khác biệt khi tiêm tới 5 loại vắc xin khác nhau, 57% dân số đã tiêm đủ 2 mũi.